Ca sĩ Phi Nhung: Ba điều ước

Trong số những ca sĩ Việt Nam nổi tiếng hiện đang sinh sống ở hải ngoại, Phi Nhung là một trong những người làm từ thiện nhiều, và đông con nuôi nhất ở Việt Nam. Cô luôn mong ước trở về đất mẹ, sống với bờ kênh, cây dừa và hát những khúc tình ca quê hương.

Phi Nhung hát để chia sẻ với những người mẹ và các sinh linh bé bỏng bị bỏ rơi. Cô cất tiếng hát từ cuộc đời ngổn ngang, cay đắng với nỗi mất mát mồ côi từ khi còn thơ dại...

Phận đời nhỏ bé và ước mơ cháy bỏng

Bé Phi Nhung được sinh ra bởi mối tình ngang trái của mẹ với một chiến binh Mỹ ở Pleiku vào năm 1972. Bị gia đình phản ứng dữ dội, đến ngày sinh tháng đẻ, người mẹ trẻ phải trốn vào trong chùa để sinh con. Người tình của mẹ Phi Nhung cũng mất tăm hơi từ đó.

Chiến tranh loạn lạc, Phi Nhung cất tiếng khóc chào đời trong tiếng cầu kinh ấm áp, cùng tiếng mõ nao lòng. Nhưng rủi thay, khi được bà ngoại đón về nhà thì vài ba năm sau mẹ đi lấy chồng, để con ở lại. Đó là phận đời cay nghiệt của những người đàn bà lầm lỡ, chịu bao điều tiếng từ dư luận nên mẹ Phi Nhung phải ra đi tìm chỗ nương thân mới. Nhưng bà đâu có bỏ con gái mình. Chỉ một năm sau, Phi Nhung được mẹ đón về ở cùng với gia đình. Bà làm vợ người đàn ông đã có năm con riêng.

Khi lên sáu, Phi Nhung vừa phải trông em, vừa theo mẹ đi chợ kiếm tiền nuôi các em. Có điều đặc biệt, mẹ Phi Nhung là người hay hát cải lương và những làn điệu dân ca. Bà thường ru con bằng các điệu hát nên Phi Nhung sớm thuộc và hát theo. Niềm say mê ca hát của Phi Nhung từ bé là nhờ mẹ. Nhưng tình yêu âm nhạc của cô bé sớm bị dập tắt khi mẹ bất ngờ bị tai nạn xe qua đời. Tổn thất thật quá kinh khủng với một cô bé mới tám tuổi chỉ biết dựa vào mẹ, giờ đây phải một mình làm việc nuôi các em. Bởi chỉ một năm sau, người bố dượng đi lấy vợ mới, để lại hai em nhỏ dại cho Phi Nhung.

Còi cọc nhỏ nhoi, luôn bị các bạn cùng lớp chê là con lai nhỏ xíu như búp bê nên Phi Nhung học đến lớp 6 thì bỏ đi làm thuê kiếm tiền nuôi hai em. Cuộc đời Phi Nhung sớm cuốn vào dòng xoáy của đời sống. Mọi sự cứ tất bật vô hồi kỳ trận với miếng cơm manh áo của mấy chị em.

Bất ngờ, đến năm 1989, Phi Nhung được một người thân bảo lãnh đi Mỹ ở diện con lai. Mười bảy tuổi bắt đầu cuộc sống bơ vơ trên đất người. Trong lòng Phi Nhung luôn đau đáu với cuộc sống của những người em còn ở quê hương. Lại bắt đầu cuộc mưu sinh nhọc nhằn, từ rửa bát thuê, đến bưng bê phục vụ nhà hàng. Cuộc sống chỉ khấm khá hơn khi Phi Nhung đi làm thợ may với đồng lương đủ sống. Cứ làm được 10 đồng là dành lại một nửa, ki cóp dần gửi về cho các em. Dù ở xa, nhưng Phi Nhung vẫn gửi tiền về nuôi các em như vậy.

Có lần Phi Nhung hồn nhiên kể mình có ba mơ ước, đầu tiên là làm thợ may giỏi, hai là trở thành ca sĩ, ba là trở thành một sư cô phúc đức. Quả nhiên thời kỳ đầu ở Mỹ, cô luôn đứng đầu trong số thợ may giỏi tại bang Florida. Cứ làm 10 tiếng trong một ngày, tối đến Phi Nhung lại tất tả đến nhà hàng bưng bê phục vụ kiếm thêm thu nhập đến khya mới về nhà.

Trong thời gian này 1992, cuộc đời Phi Nhung xảy ra một việc lỡ làng, cô yêu và rồi tình yêu tan vỡ, làm mẹ đơn thân sinh con và nuôi con một mình. Tủi phận, Phi Nhung nén nỗi đau, đi làm vừa nuôi con, vừa nuôi các em ở xa. Nhiều người không hiểu hoàn cảnh của cô, đã hỏi Phi Nhung làm việc cật lực như thế để sống, hay để chết.

Vậy mà Phi Nhung vẫn nuôi ước mơ khi dành ngày chủ nhật đi hát ở các chùa của người Việt. Cô hát để cầu nguyện cho con gái cùng các em thơ được bình an, khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Và, điều thần kỳ đã xảy ra. Phi Nhung đã gặp ân nhân là ca sĩ Trizzie Phương Trinh đến chùa dự lễ khi cô đang hát.

Giọng hát của Phi Nhung hồn nhiên mộc mạc, nhưng trong vắt ngọt ngào, chinh phục được Trizzie Phương Trinh. Cô thuyết phục Phi Nhung chuyển về bang Cali, để dựng nghiệp (1993). Mộng ước trở thành ca sĩ của Phi Nhung được chắp cánh từ đây. Cô lên đường trong nước mắt khi phải tạm xa con gái bé bỏng, ở lại với cô em.

 Ca sĩ Phi Nhung với con gái Wendy Phạm ở Mỹ.

Ca sĩ Phi Nhung với con gái Wendy Phạm ở Mỹ.

Điều ước thứ ba

Làm thợ may giỏi thì đã đành, Phi Nhung kiếm tiền xây nhà cho cả năm người em, ai nấy đều có cuộc sống ổn định. Ước mơ làm ca sĩ nổi tiếng thì Phi Nhung đã đạt được. Cô thành danh với hàng ngàn CD, Video và hàng chục vai diễn trên sân khấu và điện ảnh. Cô còn được bầu là "Nữ hoàng băng đĩa" (1998). Khán giả còn viết rằng: "Phi Nhung tiếng hát gợi tình. Giọng ca ôm trọn mối tình quê hương". Chính vì thế Phi Nhung thực hiện điều ước thứ ba, làm sư cô giỏi giang tốt bụng, với hàng chục con nuôi ở chùa, và xây nhiều nhà tình nghĩa cho các bà mẹ cô đơn.

Nói về chuyện nhận con nuôi, không đơn giản chỉ là việc làm từ thiện, mà còn ở sự chia sẻ với nhân thế, với cuộc đời và những thân phận đầy bất trắc. Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cất lên tiếng hát từ trái tim rằng: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi… Một sớm mai chim bay đi triền miên. Và tiếng hót tan trong trời gió lên. Hãy yêu ngày tới. Dù quá mệt kiếp người. Còn cuộc đời ta cứ vui…". Phi Nhung đã sống như vậy. Nữ ca sĩ dù cuộc đời quá trầm luân vẫn lấy niềm vui là sự sống cùng lòng tin yêu của con người làm lẽ sống.

Việc nhận con nuôi, bắt đầu từ năm 2005, lần đầu tiên Phi Nhung về nước biểu diễn. Rồi 2 hai năm sau, trại trẻ mồ côi do Phi Nhung thành lập ra đời. Để có đủ kinh phí hoạt động trại trẻ, Phi Nhung đi hát liên tục, tự rao bán CD khắp nơi, cốt lấy tiền đưa về xây chùa ở Bình Phước và nuôi đàn con nhỏ. Một tình yêu thương con người xuất phát từ tấm lòng sâu sắc của nghệ sĩ Phi Nhung. Có lẽ cô đã nhớ lại thời thơ ấu của mình, khi được sinh ra từ một ngôi chùa nhỏ bé, khuất lấp sau những nương rẫy cà phê. Cô yêu thương thân phận cô đơn của người mẹ, và người bà côi cút cho đến khi tiễn cháu lên đường.

Đến nay, Phi Nhung đã có 23 con nuôi đều mang họ Phạm. Trong số đó, có tới mười con đã đến tuổi dậy thì, tuổi ăn tuổi lớn. Bởi tính từ năm 2007 thì bé mới sinh, nay đã 12 tuổi, chưa nói đến có con đã phổng phao ở tuổi 14.

Mẹ Phi Nhung nguyện nuôi các con đến 18 tuổi, cho ăn học tử tế, sau từ đó tự thân lập nghiệp. Bởi sau lứa trẻ này, sẽ còn những đứa con khác sẽ tìm đến nương tựa trại trẻ mồ côi của Phi Nhung. Biết bao phận đời người mẹ trẻ dở dang, cay đắng, nhưng vẫn bí mật gửi đứa con của mình lại cửa chùa. Phi Nhung, mỗi lần trở về là một lần nặng gánh âu lo, yêu thương đàn con hết lòng.

Cô bộc bạch: "Bây giờ tôi làm gì cũng phải suy nghĩ, từ ăn mặc đến nói năng, đi đứng, sao cho tròn vai một người mẹ, chỉ để chứng minh cho mọi người thấy tôi là con của nhà Phật". Phi Nhung còn nguyện không lấy chồng nữa, sống trọn vẹn tình cảm với đàn con thân yêu. Trong đó có cả cuộc đời thiệt thòi của người con đẻ của cô đang sống ở Mỹ.

Con riêng-con chung

Con đẻ của Phi Nhung cũng mang họ mẹ - Wendy Phạm. Ca sĩ Phi Nhung phải giữ kín chuyện có con đẻ trong suốt 25 năm. Bởi lẽ Wendy Phạm thiệt thòi không có cha chăm sóc, nếu không giữ khéo, dễ sa vào vòng thị phi. Người đời đâu có cảm thông dễ dàng, giống như thân phận Phi Nhung vậy, mang tiếng con rơi, biết bao kẻ dè bỉu khinh khi.

Ca sĩ Phi Nhung thường xuyên về chùa ở Bình Phước với các con nuôi.

Mỗi lần về Việt Nam chăm sóc các con nuôi, Phi Nhung lại nhớ đến Wendy Phạm thui thủi một mình, nghìn trùng xa cách. Hát mà khóc cho sự thương nhớ cồn cào trong trái tim. Sự gìn giữ đó, Phi Nhung được đền đáp khi Wendy Phạm đã tốt nghiệp thủ khoa trường đào tạo y tá cao cấp (hệ đại học - năm 2017) và đang làm tiếp luận văn thạc sĩ tại Mỹ.

Mấy chục năm trời lăn lộn trên sân khấu hải ngoại, Phi Nhung làm rung động hàng triệu trái tim qua những bài hát quê hương và những câu hò, điệu lý phương Nam. Cô hát vì nỗi nhớ da diết. Hát ngỡ kiệt sức vì phải sống để nuôi một đàn con ở quê hương.

Thật trời không phụ, trong số đó có tới ba con được Phi Nhung đào tạo, trở thành hiện tượng ca nhạc nhí ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là Phạm Tuyết Nhung, Phạm Thiên Ngân và Hồ Văn Cường. Tất cả đều được Phi Nhung rèn luyện và chu cấp tiền theo học âm nhạc, biểu diễn những ca khúc quê hương như mẹ. Đó là sự trả ơn cho cuộc đời này. Trả ơn cho một tấm lòng.

Bội Kỳ

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ca-si-phi-nhung-ba-dieu-uoc-540351/