Ca sĩ Nguyễn Hưng: Cuồng nhiệt đôi chân

Vừa đàn vừa hát cũng chỉ là chuyện thường với một ca sĩ. Vừa nhảy vừa hát với những nhịp điệu chậm cũng không hề khó. Nhưng cũng ít ca sĩ biểu diễn vì phải làm hai việc một lúc. Dễ chệch nhịp như chơi. Đối với ca sĩ Nguyễn Hưng lại khác. Anh vừa hát vừa nhảy, với động tác chuyển động gấp gáp mà không hề ảnh hưởng đến giọng hát. Hơi thở vẫn giữ nhịp đều đặn. Thật có một không hai.

Vật vã với đôi chân bao cát

Thân mẫu ca sĩ Nguyễn Hưng là vũ sư Ánh Tuyết nổi tiếng ở Sài Gòn từ thập niên 60. Bà mở lò dậy nhảy và thường đưa cậu con út Nguyễn Hưng đi theo trong những đêm biểu diễn. Có đêm cậu ngủ gục dưới ghế trong nhịp Valse rộn ràng. Khi ngủ cũng mơ những giai điệu tình tứ và đắm say của vũ điệu Tango.

Vào năm 1965, khi mới lên mười, Nguyễn Hưng đã thuộc nằm lòng những bước chân nhảy vũ điệu Samba và Chachacha. Nhưng không hiểu sao cậu vẫn chểnh mảng với đôi chân mà chỉ chăm chú vào mấy anh đánh trống trong ban nhạc. Bởi chính tiếng trống tạo nên không gian cầm trịch nhịp điệu cho những bước nhảy.

Chân nhảy nhưng tai lại dỏng lên nghe trống. Vũ sư Ánh Tuyết thấy vậy rất tức giận mỗi lần Nguyễn Hưng lỡ nhịp vì mất tập trung. Nhưng cuối cùng bà vẫn phải nhượng bộ mua cho con trai bộ trống tập ở nhà nhưng vẫn ra điều kiện không được rời sàn nhảy.

Nguyễn Hưng rất sợ mẹ. Chẳng bao lâu anh được chơi trống trong một dàn nhạc. Nhưng anh vẫn phải tập nhảy vì chiều theo ý mẹ. Dần dần Nguyễn Hưng có cảm giác khác lạ trong những vũ điệu mà mẹ thường biểu diễn. Mơ mộng và huyền bí. Có lần anh hỏi mẹ làm thế nào để nhảy đẹp và biểu diễn có tính nghệ thuật cao. Bà chỉ im lặng mỉm cười.

Rồi mỗi khi Nguyễn Hưng lên sàn tập, bà đều buộc ống quần của anh lại. Sau đó cho những túi cát vào trong. Đó là một trong những thủ thuật luyện đôi chân vũ công trở nên thanh thoát. Nguyễn Hưng tập vã mồ hôi với sức nặng ngày một dần tăng ở ống chân. Phải nhảy làm sao thoát khỏi cảm giác nặng nề ở đôi chân chuyển động thanh thoát. Nhảy trong sự biểu cảm tươi vui cho dù đôi chân nặng trĩu. Thật khổ ải. Chơi trống được hai năm, Nguyễn Hưng đã nhận ra mình phải thuộc về những vũ điệu trên sàn nhảy. Anh rời ban nhạc và ra sức tập luyện với bao cát nặng nề.

Đến một ngày anh nhảy múa trên sàn diễn cứ như không. Náo nức với sự giải phóng của đôi chân cùng cơ thể và cánh tay. Nguyễn Hưng tự tin và đam mê với những vũ điệu quen thuộc như Valse, Cha cha cha, Tango, Rumba, Mambo, Samba…

Quả nhiên ước vọng của vũ sư Ánh Tuyết với tương lai của cậu con trai đã thành hiện thực. Nguyễn Hưng đã thành danh, trong cuộc thi do báo Đen Trắng tổ chức năm 1972 tại Sài Gòn. Anh đoạt giải Kim Khánh với vũ điệu Chachacha khi vừa tròn 17 tuổi. Đây là một vũ điệu khó nhất là đối với những vũ công trẻ. Chachacha đòi hỏi không chỉ ở kỹ thuật nhanh gọn trong những động tác chuyển hông, mà còn phải thể hiện hồn cốt của điệu nhảy.

Đó là cảm xúc với niềm vui bất tận pha nét hài hước. Vũ công phải nhẩy sao cho người xem nhìn thấy sự uyển chuyển của cơ thể nhưng lại không kịp nhận ra những bước chân bay bổng của mình. Nguyễn Hưng đã thể hiện được điều đó. Anh trình bày kỹ thuật điêu luyện. Tươi mát, trẻ trung trong cảm xúc.

Nhưng rồi lại một sự kiện bất ngờ xảy ra. Nguyễn Hưng không chỉ say mê nhảy mà anh còn mộng ước trở thành ca sĩ. Anh cắp sách đi học thanh nhạc. Thêm hành trình mới trong cuộc đời nghệ sĩ đa tài này. Nhiều đêm anh vừa đánh trống vừa hát. Có khi lại vừa nhảy vừa hát.

Say như cuồng dại. Chính vì thế, Nguyễn Hưng tham gia không ít đơn vị nghệ thuật để thỏa chí hát ca. Kể cả hát lót cho những lúc đoàn kịch chuyển phông màn chờ chuyển cảnh. Có ngày đứng hát tới 24 suất trong chiếc xe thập tự (đi hát dạo). Cũng từ đó khán giả bắt đầu quen giọng hát Nguyễn Hưng luôn say đắm ngọt ngào. Kèm theo những bước nhảy của anh đầy biến ảo qua các ca khúc như: “Đôi mắt”, “Hãy yên lòng mẹ ơi” và nhất là “Điên và say”

Sự kỳ diệu xuất hiện

Đa tài là vậy, nhưng nghiệp của Nguyễn Hưng chỉ phát lộ khi anh định cư theo gia đình nhà vợ ở Canada (năm 1992). Anh lận đận và chán ngán khi mở lớp dạy khiêu vũ ở Toronto. Học viên ít. Đất biểu diễn không có. Vợ anh là vũ công một thuở rất hiểu chồng. Chị khuyên anh hãy chờ dịp may sẽ đến. Quả nhiên ông trời có mắt.

Hai năm sau, Nguyễn Hưng được ca sĩ Phương Hồng Quế rủ sang Mỹ tìm cơ hội thể hiện tài năng. Đó là một đêm ra mắt CD của ca sĩ Phi Phi ở Cali. Được khích lệ, Nguyễn Hưng nhận lời hát chào mừng, với hai ca khúc “Vết thù trên lưng ngựa hoang” và “Đưa em vào cõi chết”. Anh vừa hát vừa nhảy làm náo loạn cả hội trường.

Một hiện tượng bất ngờ. Chưa có ai làm được như vậy ở sân khấu ca nhạc trên đất Mỹ. Ngay lập tức, đại diện trung tâm ca nhạc Thúy Nga Paris có mặt đã mời Nguyễn Hưng về cộng tác (1994). Một hợp đồng đã được ký kết. Những bước nhảy của Nguyễn Hưng bay bổng từ đây.

Sự bắt đầu có vẻ hơi muộn đối với tuổi 40 của Nguyễn Hưng. Nhưng với độ chín về nghệ thuật, cùng sự khác lạ của anh đã tạo dựng phong cách mới, trong thị trường âm nhạc hải ngoại vào đầu thập niên 90. Khác hẳn với những ca sĩ khác phải thu hát trước để khi lên sàn diễn vừa nhảy vừa hát nhép theo cho an toàn.

Nguyễn Hưng không chịu điều đó. Quá trình khổ luyện đến mức đôi chân của Nguyễn Hưng như bay lượn trên không. Chẳng tốn sức. Lời bài hát cũng mềm mại trong điệu nhảy. Cảm xúc dâng trào. Sự hòa quyện tuyệt hảo. Trong bất cứ liveshow nào của chương trình có thu hình trực tiếp bao giờ Nguyễn Hưng cũng thể hiện xuất sắc. Đó là những vũ điệu quen thuộc đậm chất La Tinh náo nức. Nguyễn Hưng luôn làm chủ đôi chân và giọng hát trong trẻo, ngân vang đúng nhịp phách. Người ta mệnh danh cho anh là “Vua tiết tấu”. Không phải nhảy nữa mà thần linh đã chắp cánh cho anh trên sàn diễn.

Đôi chân “có cánh” của ca sĩ Nguyễn Hưng.

Đôi chân “có cánh” của ca sĩ Nguyễn Hưng.

Khởi đầu là bài hát “Đêm nguyện cầu” trong cuốn Thúy Nga Paris By Nigh số 26 năm 1994. Cho đến nay Nguyễn Hưng không vắng mặt bao giờ. Nghĩa là hơn một trăm đêm là cả trăm điệu nhảy, cùng ca khúc mà Nguyễn Hưng đã gây dấu ấn khó quên cho khán giả, khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt trong mười năm đầu anh cùng Nguyễn Cao Kỳ Duyên tạo nên cặp đôi nhảy có một không hai trên sân khấu Thúy Nga. Cả hai nhảy như lên đồng. Cuốn hút. Mê hoặc người xem.

Ngay năm đầu xuất hiện gây ấn tượng náo động sân khấu hải ngoại, Nguyễn Hưng đã kịp cho ra mắt Album đầu tay “Lặng thầm” (1994). Tiếp sau đó, năm nào người nghe cũng đón nhận những Album mới của Nguyễn Hưng. Nào là “Dạ vũ”, “Điên và say”, “Ngựa hoang”, hay còn đó là “Trái tim bên lề”, “Duyên kiếp”, hoặc “Trái tim tình si”, “Chỉ riêng mình ta”, “Dạ vũ”… Khoảng 50 Album CD và VCD tất cả. Một kỷ lục vừa hát vừa nhảy của anh. Khó ai theo được.

Hai người phía sau cánh gà

Đầu tiên ai cũng nghi ngờ mối quan hệ giữa Nguyễn Hưng và Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Họ bị cho là tình ngay ý gian, bởi hai người nhảy với nhau tình tứ say đắm đến thế, chắc chắn là có chuyện thầm kín. Nhưng mọi sự cứ im phăng phắc. Ai về nhà nấy. Hai người vẫn cứ quấn quýt đắm đuối trên sàn nhảy. Vậy mà không hề có chút mảy may ồn ào. Sau đó Kỳ Duyên chuyển sang làm MC chuyên nghiệp, họ mới thôi khiêu vũ cùng nhau.

Thực ra bạn đồng nghiệp đều biết phía sau cánh gà Nguyễn Hưng luôn có vợ lo toan mọi việc. Từ trang phục đến chi tiết nhảy trên sàn diễn, chị Thục Hiền vợ anh đều theo dõi và góp ý, sau mỗi tiết mục. Giờ đây đã hơn 40 năm chung sống, Nguyễn Hưng luôn luôn tỏ ý một lòng biết ơn vợ đã tận tụy, chăm nuôi sự nghiệp cho mình.

Cùng với sự thăng tiến trong nghệ thuật, anh còn thường nhắc tới người mẹ đã đào tạo nên anh. Tết năm nào anh cũng về thăm mẹ ở quê nhà. Hai người phụ nữ ở hai đầu trái đất luôn an ủi và động viên Nguyễn Hưng vững bước trong sự nghiệp.

Quả vậy, Nguyễn Hưng là một trong số những nghệ sĩ ở hải ngoại có ít nhiều sóng gió nhất. Anh dành toàn bộ công sức và tâm hồn dành cho những bước nhảy. Nguyễn Hưng theo đúng nguyên tắc của mẹ đã dạy. Mỗi khi lên sân khấu phải cháy hết mình cho nghệ thuật. Anh nhảy và ca hát như dòng thác tuôn trào với bước chân biến hóa khôn lường. Khán giả bao giờ cũng ngây ngất theo những vũ điệu cuồng nhiệt cùng anh.

Bội Kỳ

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ca-si-nguyen-hung-cuong-nhiet-doi-chan-544422/