Ca sĩ Hoàng Thùy Linh: 'Nói chuyện gì mới hơn đi!'

'Nhắc lại lần cuối chuyện cũ, cuốn sách này thật ra cũng chỉ để hỏi lại mọi người câu hỏi ấy: 10 năm rồi sao cứ nhắc mãi chuyện cũ vậy? Nói chuyện gì mới hơn đi!' – 'Vàng Anh' Hoàng Thùy Linh chia sẻ, nhân dịp ra mắt cuốn tự truyện 'Vàng Anh và Phượng Hoàng' tại Hà Nội, ngay trước thềm 8.3.

“Một góc nhìn không đủ cho một con người”

Từ bản hit “Bánh trôi nước” đến một số chi tiết trong cuốn sách cũng lấy cảm hứng từ thơ Hồ Xuân Hương. Dịp ra mắt sách này tại nơi “ngã ở đâu, đứng lên ở đó” liệu có ngầm đưa ra một thông điệp về “nữ quyền”, của một cô gái từng “ba chìm bảy nổi”?

- Thật ra thì tôi quay lại nơi tôi từng học (Trường ĐH SKĐA Hà Nội), chỉ để trên hết và trước hết nói một lời cảm ơn, với mọi người. Vì cuối cùng thì trong những năm tháng khó khăn đó, sự học của tôi vẫn không bị đứt đoạn và vẫn còn là hành trang đáng giá giúp tôi đứng vững, đi tiếp trên con đường mình đã chọn.

Còn thì, như tôi đã nói trong cuốn sách, “khi bạn khen một ai đó mạnh mẽ, hãy nhớ rằng sự mạnh mẽ chưa bao giờ là lựa chọn của họ”. Tôi đã từng yếu đuối, cho đến khi buộc phải mạnh mẽ.

Bức ảnh được chọn làm bìa cho cuốn sách là một gương mặt tranh tối tranh sáng, vừa giống những vết bầm, lại cũng vừa như phản chiếu những ánh hào quang. Đâu là ý nghĩa chị hướng đến?

- Phần nào là thế, mà cũng không hẳn thế. Cũng có thể đấy là một bức chân dung được nhìn qua một chiếc kính vạn hoa, chẳng hình thù nào giống hình thù nào, chẳng có sự lặp lại nào hết. Đó cũng chính là điều thường khiến tôi trăn trở tìm kiếm trong nghệ thuật: Tìm những gì ai đó chưa làm, hoặc đã làm theo một cách khác...

Trong một khía cạnh khác, một chiếc kính vạn hoa cũng có thể đưa tới nhiều góc nhìn khác nhau, nhiều cách đánh giá khác nhau, về cùng một chân dung, một con người, giữa những lằn ranh sáng tối... Một con người luôn có thể có nhiều gương mặt khác nhau, chẳng mấy ai hoàn hảo toàn bích, và thường thì ai cũng chỉ muốn phô ra những phần tốt đẹp nhất của mình, còn những góc khuất khác thì chỉ mình họ và những người thân cận với họ may ra mới thấu suốt hết được. Sau tất cả, tôi nghĩ, một góc nhìn không thôi - hẳn là chưa đủ để đánh giá về một con người.

Trong cuốn sách, hình ảnh người mẹ hiện lên như một “chiến binh”, một “gà mẹ” sẵn sàng xù lông xù cánh để bảo vệ con mình, bất luận sai đúng. Để đứng dậy, đó có phải là ân nhân lớn nhất của chị?

- Tôi chưa bao giờ coi bố mẹ là ân nhân, vì bố mẹ nào chẳng thương con bằng chính bản năng làm cha làm mẹ của mình, huống hồ tôi lại còn là đứa con duy nhất. Nhưng điều tôi biết ơn bố mẹ nhất lại không chỉ là cách họ đã sát cánh bên tôi lúc sóng gió, không dằn vặt, chì chiết..., mà chính là những gì bố mẹ đã kịp trang bị cho tôi trước đó.

Như chị cũng biết, tôi sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, nên bố mẹ dù nghèo vẫn cố gắng lo cho con đi học đủ thứ, từ múa đến nhạc, ngay từ tấm bé. Như mọi đứa trẻ, tôi cũng từng ham chơi hơn ham học, cũng từng giận bố mẹ vì bị ép học, nhưng dưới “chế độ thiết quân luật” của bố mẹ, tôi đã sớm được trang bị những kiến thức và kỹ năng để bước vào con đường nghệ thuật, kịp trước khi sóng gió bất thần ập đến. Và sau này, cũng chính nhờ “cái phao cứu sinh” đó mà tôi đã tìm được cách thoát hiểm, cả khi tưởng như không còn “ánh sáng ở cuối đường hầm”.

“Tôi vẫn thấy tuổi trẻ của mình ý nghĩa”

Không động chạm đến các bậc sinh thành như trong cuốn “Lê Vân – Yêu và sống” hay cuốn hồi ký phải để trống hàng chục trang như của Ái Vân, nhưng cuốn tự truyện của chị cũng động chạm đến khá nhiều cái “tên riêng” khác, được viết đích danh, trong đó có những cái tên được nhiều người biết đến. Sau những va quệt và tổn thương, liệu chị có từng ngần ngại để nói ra những sự thật dễ bề gây động chạm?

- Cho đến giờ này, khi sách đã đến được tay người đọc thì tôi vẫn chưa nhận được một phản hồi tiêu cực nào từ phía những người trong cuộc. Bởi ngay từ đầu, mục đích của tôi đã không hề định “dìm hàng”, trả đũa hay trách móc gì ai ở đây hết. Đời người ai cũng có thể có lúc có những quyết định sai lầm và tốt nhất là để chính họ tự chịu trách nhiệm về sai lầm ấy của họ.

Tôi chưa bao giờ muốn hại ai, kể cả khi bị hại, vì tôi không muốn “tạo nghiệp”. Tôi chỉ đơn giản là kể lại, không phán xét, đánh giá, nhưng một khi đã kể thì phải kể đúng sự thật. Nếu tôi không thành thật thì làm sao tôi có thể thanh thản, làm sao khiến được những người gần tôi nhất có thể tin vào câu chuyện của tôi, huống hồ những người ở xa hơn? Nếu như không dám nói thật thì tốt nhất đừng nói.

Có hai sự phơi bày. Mười năm trước, là những “bí mật phòng the” bất ngờ bị trưng ra trước ngàn vạn con mắt hiếu kỳ của bàn dân thiên hạ. Còn lúc này, là những góc khuất cần được nói ra, được hiểu. Với động từ “phơi bày” được chia ở thể chủ động này, chị có thấy mình mạnh lên đáng kể?

- Hai sự phơi bày diễn ra trong hai thời điểm khác nhau và có một độ giãn cách khá xa. Và một khi được ở vào thế chủ động, thì chứng tỏ là mình đã mạnh lên rất nhiều, đã làm chủ được tình thế của mình, nhìn rõ mình hơn và con đường mình đang đi hơn, bằng một cái nhìn bình thản hơn, can đảm hơn, không còn là con bé Linh dễ tổn thương của tuổi 19 nữa.

Chị có nghĩ dù sao chị cũng vẫn còn... may mắn, khi 10 năm trước, facebook chưa vào đến Việt Nam?

- Cũng có lúc tôi nghĩ thế, trộm vía, vì nếu vậy thì không biết lúc ấy, làn sóng chỉ trích có thể dâng cao tới mức nào, liệu tôi có thể chết chìm hơn thế. Cũng có thể có cả ảnh chế, cái câu “Tôi chỉ muốn có được một đêm ngủ ngon”, chẳng hạn. Không biết nữa... Nhưng một mặt, tôi cũng nghĩ khác. Facebook, nói thế, dẫu sao nó cũng vẫn đưa ra những cái nhìn đa chiều hơn, chưa kể bây giờ, nhiều quan niệm cũng đã trở nên thoáng hơn, cởi mở hơn. Và trên bảng tin của nó, mọi sự việc chính ra lại trôi qua rất nhanh. 10 năm trước thì mới thật sự là khủng khiếp, hơn bây giờ nhiều, ít ra là với tuổi 19 của tôi.

Nhắc lại lần cuối chuyện cũ, cuốn sách này thật ra cũng chỉ để hỏi lại mọi người câu hỏi ấy: 10 năm rồi sao cứ nhắc mãi chuyện cũ vậy? Nói chuyện gì mới hơn đi!

Chẳng phải chính chị cũng đang nói chuyện cũ đấy thôi?

- Vì nếu như tôi không nói ra hết chuyện cũ, thì họ cũng sẽ không bao giờ chịu nói chuyện mới. Nếu bạn thích, tôi sẽ nhắc lại cho bạn nghe, nói ra bằng hết, nhưng chỉ một lần cuối!

Dân mạng gần đây hay hỏi khó nhau: “Bạn đã dùng cả thanh xuân để làm gì?”. Chị đã làm gì, nếu chỉ được phép nói một từ?

- Một từ chắc chắn không thể đủ cho quãng đường 10 năm qua của tôi, vì nó vừa dài dằng dặc lại vừa trôi qua nhanh một cách không ngờ! Bất luận mọi chuyện không hay đã xảy ra, và “bia mạng”, cho tận đến giờ vẫn còn đó, thì tận trong sâu thẳm, tôi vẫn tin rằng tôi đã sống một tuổi trẻ đầy ý nghĩa, trước hết với chính tôi và gia đình tôi, sau nữa là với những bạn trẻ đã từng phải đối mặt với nghịch cảnh như tôi. Vì cuối cùng thì tôi đã không để mình bị gục ngã, tôi đã lao đi như một cơn gió, và không khiến những người thân yêu nhất của mình phải đau lòng thêm một lần nào nữa.

“Bảy nổi ba chìm không quan trọng, quan trọng là thần thái”?

- Quan trọng là được bình yên! Như lúc này...

Xin cảm ơn chị

Thủy nguyên (thực hiện)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ca-si-hoang-thuy-linh-noi-chuyen-gi-moi-hon-di-594837.ldo