Ca sĩ hát sai lời nhan nhản: Vô tình hay cố ý

Ca khúc nằm lòng, thậm chí là bài tủ vẫn được nhiều nghệ sĩ tên tuổi hồn nhiên hát nhầm lời. Điều này khiến dư luận phải đặt ra câu hỏi, sự nhầm lẫn này là vô tình hay cố ý?

Ca sĩ Mỹ Tâm.

Nghệ sĩ ghita Đoàn Đính từng bày tỏ sự bức xúc lẫn tiếc nuối khi biết Hồng Nhung hát sai quá nhiều các ca từ trong bài Tình nghệ sĩ, một ca khúc được cô thể hiện nhiều lần trong sự nghiệp của mình.

Theo Đoàn Đính, âm nhạc Đoàn Chuẩn có ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu tính ẩn dụ. "Vì thế, rất nhiều các ca sĩ trẻ không hiểu hết dụng ý nhưng Hồng Nhung là trường hợp đáng tiếc và khó hiểu", ông nói.

Con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cho hay, nếu nhầm lẫn ca từ trong một chương trình biểu diễn nào đó trên sân khấu thì còn có thể chấp nhận được nhưng khi đã quay clip, thu hình, thu tiếng và đăng tải trên truyền hình thì đã có dấu hiệu của sự vội vàng, cẩu thả.

Ông cũng mong muốn những thông tin về việc này được đăng tải rộng rãi để những người hát sai có thể đọc được và chỉnh sửa. Ca sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn và nuôi sống các tác phẩm, đặc biệt là những người có sức ảnh hưởng lớn. Có những bài hát đã đóng đinh với giọng hát của họ, trở thành bài tủ đối với nhiều ca sĩ trẻ. Nếu không được kịp thời chỉnh sửa, sự nhầm lẫn này sẽ dẫn tới những sự nhầm lẫn khác.

Với nhạc Trịnh Công Sơn, nhầm lẫn ca từ đối với nhiều nghệ sĩ cũng không phải là ngoại lệ. Trong một đêm nhạc cách đây chưa lâu, Mỹ Tâm khiến hàng trăm khán giả bất ngờ đến khó chịu khi cô vừa mở lời thì đã hát sai những ca từ bất hủ của nhạc Trịnh. Câu hát "mười năm khi phố khi vùng đời" bị nữ ca sĩ nhầm thành "mười năm khi phố khi nụ cười".

Đến ca khúc được gắn liền với tên tuổi của cô như "Đêm thấy ta là thác đổ" cũng bị nữ ca sĩ hát sai. Cô đổi từ "Đời ta hết mang điều mới lạ. Tôi đã sống rất ơ hờ" thành "Đời em hết mang điều mới lạ. Tôi đã sống rất ơ hờ".

Bài hát Thương lắm tóc dài ơi của nhạc sĩ Phú Quang cũng bị nhầm lẫn ca từ. Có lần ông hốt hoảng khi nghe một ca sĩ hát “Một đời lênh đênh một đời đục trong” trong khi thực chất câu đó là “Một đời lênh đênh dòng đời đục trong”. Theo Phú Quang, khi hát “một đời lênh đênh một đời đục trong”, người nghe rất dễ hiểu lầm. Nếu ví cuộc đời của một ai đó “đục trong” thì đó là điều nhạy cảm.

Phản ánh về vấn đề này, nhà thơ Phan Thị Thành Nhàn cũng cho biết, bài thơ Hương thầm của bà, đã được phổ nhạc và trở nên nổi tiếng mấy chục năm nay nhưng nhiều người vẫn nhầm lẫn câu “Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương thơm” thành “Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa”.

Đào Bích

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/ca-si-hat-sai-loi-nhan-nhan-vo-tinh-hay-co-y-578137.ldo