Ca sĩ Đình Nguyên: 'Làm nghệ thuật ở miền Bắc áp lực hơn miền Nam'

Đã có 13 năm đi hát, 7 album nhạc nhưng với khán giả miền Bắc, Đình Nguyên vẫn là cái tên xa lạ. Quyết định 'Bắc tiến' của anh vì thế cũng được cho là khá 'liều mạng'. Để đo sự thích nghi của mình với khán giả Hà Nội, Đình Nguyên đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng bằng album 'Chuyện tình mùa đông', MV 'Đêm lao xao' và mini show vào ngày 25/12.

Ca sĩ Đình nguyên và diễn viên Thu Hoài trong MV “Đêm lao xao” (ảnh nhân vật cung cấp).

Khó tính quá sẽ khiến nghệ sĩ sợ thể nghiệm

Khi nhận được lời mời Bắc tiến, Đình Nguyên cho biết, anh khá run và không mấy tự tin. Không phải vấn đề giọng hát, khả năng mà trong cảm nhận của anh, đó là một thị trường khắt khe, khó tính, ít cởi mở đón nhận cái mới. Theo Đình Nguyên, đó cũng là một áp lực mang tính tích cực để người nghệ sĩ thách thức bản thân. Tuy nhiên, với đặc thù nghệ thuật vốn rất cần sự thử nghiệm và khám phá cái mới thì việc lựa chọn Sài Gòn là môi trường để phát triển vẫn là một lựa chọn của số đông nghệ sĩ.

“Đặc tính chung của người miền Nam là dễ tính, sao cũng được. Uống nước bằng ly hay chén cũng không sao. Miền Bắc thịt gà mà không có lá chanh là cả một vấn đề nhưng người miền Nam thì không có lá chanh thì có lá khác. Sự xuề xòa của người miền Nam đã tạo ra sự dễ chịu cho người sáng tạo. Cho nên làm nghệ thuật dễ được chấp nhận, dễ được tha thứ hơn. Các nghệ sĩ muốn làm gì thì làm, khán giả không thích thì nghe cái khác chứ không có chuyện “cái đó dở lắm, lần sau đừng có nghe nữa. Để tạo nên sản phẩm tốt thì trước đó họ phải nhiều lần làm ra sản phẩm lỗi. Trải qua một quá trình mới thành thành phẩm chính thức được. Nếu quá khó khăn thì từ ý tưởng họ cũng đã không dám nghĩ, sao có sự sáng tạo thực tế? Ở nơi dễ chịu, người ta thường mạnh dạn đầu tư hơn. Cùng lắm là sai thôi. Mà sai thì chúng ta có mất không? Chúng ta được kinh nghiệm chứ. Giống như mình có hai ông thầy: Một rất mô phạm, một rất tâm lý thì rõ ràng người tâm lý sẽ khiến mình dễ chia sẻ hơn. Làm nghệ thuật thì ở miền Nam nhiều thuận lợi vì nó không tạo thành áp lực với nghệ sĩ”, Đình Nguyên nói.

Khi hỏi, đã có 13 năm ca hát ở TPHCM, giờ nếu lựa chọn thì anh sẽ chọn miền Bắc hay miền Nam để phát triển? Ca sĩ Đình Nguyên chia sẻ: “Cả hai nơi đều có cái hay, cái dở. Đôi khi, sự thành công của người nghệ sĩ còn thể hiện ở khả năng thích ứng với từng môi trường cụ thể, vì trong từng thời điểm, nghệ sĩ sẽ có những chiến thuật chinh phục khác nhau. Chẳng hạn như việc tôi làm album “Chuyện tình mùa đông” thì không đâu có cảm xúc và đồng điệu hơn là đến miền Bắc để cảm nhận và hát cho chính khán giả ở đây nghe”.

Tuy nhiên, Đình Nguyên cũng có lời khuyên với người đang muốn tìm cơ hội để phát triển thì TPHCM sẽ là mảnh đất khá thích hợp để cọ xát, để nhận biết khó khăn, rủi ro và cơ hội một cách chính xác nhất. Theo anh: “Ở miền Bắc cũng có nhưng nó ít rõ hơn, giống như một làn sóng ngầm âm ỉ. Chỉ có điều, thị trường dễ chịu thì áp lực cạnh tranh lớn. Vì có nhiều sản phẩm ra đời. Hà Nội khó tính nên mỗi người đều rất thận trọng khi ra sản phẩm, thậm chí ít dám thể hiện cái mới hơn so với ở TPHCM”.

Hát với tâm thế một lữ khách

Hiểu đặc tính vùng miền đã khiến Đình Nguyên khá thận trọng và kỹ lưỡng trong lần ra mắt khán giả Hà Nội. Ví như ngoài vai trò ca sĩ, anh còn là người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, giỏi ngoại ngữ và tự tin mình là ca sĩ hát nhạc ngoại tốt, nhưng Đình Nguyên đã chủ trương không vội “khoe” sở trường riêng vào thời điểm này. Theo anh, “bản thân mình cũng chưa biết đã làm tốt việc hát tiếng mẹ đẻ hay chưa thì tốt nhất không nên quá ôm đồm. Đình Nguyên đã được kiểm nghiệm về khả năng nói và hát tiếng Anh nên cũng không quá tự ti, nhưng đó sẽ là thời điểm khác, trong một dự án khác”.

Đình Nguyên cũng không mạo hiểm trong việc lựa chọn ca khúc mới, dù lúc đầu anh dự tính sẽ đặt hàng nhạc sĩ Dương Trường Giang- Giám đốc sản xuất album “Chuyện tình mùa đông”- sáng tác 2 ca khúc mới, nhưng sau khi cân nhắc, anh quyết định chọn những ca khúc đã có chỗ đứng sâu đậm trong lòng khán giả. Dù cũ, dù quen, nhưng với sự phối khí của nhạc sĩ trẻ Dương Trường Giang, Đình Nguyên đã hát với tâm thế của một “lữ khách” lần đầu được chiêm ngưỡng sự thi vị, độc đáo của mùa đông miền Bắc. Chất giọng dày, ấm cùng lối hát đầy trải nghiệm, Đình Nguyên đã mang đến một màu sắc riêng cho các ca khúc về mùa đông. Cái buồn chỉ ở độ khắc khoải, da diết mà không bi ai.

Nhạc sĩ Dương Trường Giang cho rằng, ở Đình Nguyên có sự chuẩn mực trong giọng hát, phong cách biểu diễn lại rất nam tính và lịch lãm, là “gu” được người Bắc rất thích. 10 ca khúc trong album vì thế được thực hiện với thời gian nhanh kỷ lục- chỉ vẻn vẹn 3 ngày. Minishow vào ngày 25/12 tới sẽ giúp khán giả nhận diện rõ hơn về khả năng của Đình Nguyên - một lữ khách phương xa chiêm ngưỡng Hà Nội đầy say mê và tươi mới.

Album “Chuyện tình mùa đông” bao gồm 10 ca khúc xoay quanh chủ đề về mùa đông. Các ca khúc này gồm: “Đêm đông” (Nguyễn Văn Thương), “Đêm lao xao” (Tường Văn), “Đời không còn nhau” (Diệu Hương), “Nỗi nhớ mùa đông” (Phú Quang), “Người tình mùa đông” (nhạc: Nhật, lời Việt: Anh Bằng), “Phố mùa đông” (Bảo Chấn), “Những bước chân âm thầm” (Y Vân), “Hai mùa Noel” (Nguyễn Vũ), “Mùa đông sẽ qua” (Lê Bá Duy), “Xa rồi mùa đông” (Nguyễn Nam). Cùng với album “Chuyện tình mùa đông”, Đình Nguyên và ê-kíp còn đầu tư thực hiện MV “Đêm lao xao” với nội dung kể về chuyện tình của một đôi trai gái. Họ đã có những tháng ngày tuyệt đẹp khi ở bên nhau nhưng người đàn ông mải tập trung cho sự nghiệp, chạy theo công việc mà sao nhãng người yêu bên cạnh. Đến khi đạt được thành công, người đàn ông mới chợt nhận ra thì đã đánh mất đi tình yêu. Đình Nguyên chia sẻ, người đàn ông trong MV “Đêm lao xao” có rất nhiều điểm tương đồng với anh trong cuộc sống hiện tại.

Minh Nhật

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/ca-si-dinh-nguyen-lam-nghe-thuat-o-mien-bac-ap-luc-hon-mien-nam-2017122108373465.htm