Cà phê Hà Nội giữa Sài Gòn

Ngày càng có nhiều bạn trẻ từ Hà Nội chuyển vào TPHCM sinh sống và họ đem theo không chỉ giọng nói của người Hà Nội mà còn cả những thói quen ẩm thực, thậm chí cả những quán cà phê. Nhiều người yêu Hà Nội giờ đây có thể nhâm nhi không gian phố cổ ngay giữa lòng Sài thành.

Săn ảnh giữa quán cà phê Lão Hạc

Săn ảnh giữa quán cà phê Lão Hạc

Cà phê trứng

Một số du khách từ Anh và Hàn Quốc tìm đến quán cà phê nhỏ ở khu phố Tây chỉ để thưởng thức những món ẩm thực Hà Nội ngay trong lòng Sài Gòn. Họ cho biết: “Chúng tôi không đủ thời gian ra Hà Nội trong chuyến đi này nên chúng tôi chọn việc thưởng thức món phở và cà phê trứng ngay tại TPHCM”. Một giáo viên dạy Anh ngữ thì nói anh ra Hà Nội mấy lần, rất yêu một Hà Nội nhiều suy tư. Khi vào TPHCM, anh vẫn giữ thói quen tìm đến các quán cà phê mang phong vị Hà Nội.

Chủ quán cà phê trứng ở khu phố Tây, quận 1, TPHCM còn khá trẻ, dáng đậm, da trắng và rất hoạt bát: “Em không sinh ra ở Hà Nội, nhưng em nhiều năm ở Hà Nội và yêu văn hóa Hà Nội. Khi vào Sài Gòn lập nghiệp, em đã suy nghĩ để tạo dựng một không khí văn hóa thanh lịch kiểu Hà Nội tại đây”. Cô chủ quán khá vất vả vì mình cô phải lo thiết kế, tự pha chế đồ uống, bán hàng và dọn dẹp dưới tấm khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Tiếng là quán cà phê, nhưng sau quầy là những chồng trứng gà xếp lớp. Tới quán nhỏ nằm sâu trong hẻm, du khách có thể ăn phở, ăn bún đậu và thưởng thức món cà phê trứng Hà Nội.

Chỉ sau vài năm. cô chủ quán nhỏ nhắn đã tạo dựng được 2 quán cà phê Hà Nội ở khu phố Tây Sài Gòn, một nằm trong hẻm và một cái nằm ở trên gác.

Jazz cà phê

Ở các quán cà phê của người Sài Gòn, khách thường nghe những bản nhạc của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, nhạc Pháp, đặc biệt phổ biến là rock. Ngoài ra còn có các quán nhạc sến ở ngoại thành. Nhưng những quán cà phê Hà Nội thì lại thường có nhạc jazz, nhạc Văn Cao, nhạc giao hưởng thính phòng.

Nhạc sĩ Dương Thụ, một trong những người gốc Hà Nội phụ trách hoạt động của Cà phê thứ Bảy chọn giải pháp cà phê kết hợp với âm nhạc cổ điển và các cuộc tọa đàm văn học. Khá nhiều gương mặt trí thức và nghệ sĩ lấy Cà phê thứ Bảy làm nơi ra mắt tác phẩm hoặc gặp gỡ anh em bạn bè, giao lưu với độc giả.

Du khách nước ngoài tìm những nét văn hóa Hà Nội tại một quán cà phê ở TPHCM

Nghệ sĩ saxo Trần Mạnh Tuấn được biết đến với tư cách là chủ quán nhạc jazz lớn nhất TPHCM, anh đã từ Hà Nội đem vào Sài Thành kho kèn đồ sộ. Trần Mạnh Tuấn trực tiếp diễn trên sân khấu cùng các nghệ sĩ trong và ngoài nước trong khi cô Linh, người vợ tháo vát của nghệ sĩ pha chế các món đồ uống. Cô Linh nói: “Chúng tôi làm quán vì yêu nghề, thích phổ biến nhạc jazz chứ xét về khía cạnh kinh tế thì Jazz Club không thật sự đem lại lợi ích”.

Phan Nam, tay trống cự phách của Nhà hát giao hưởng Việt Nam trong chuyến “Nam tiến” của mình đã mở quán nhạc tại phố Lê Lai, quận 1. Vẫn phong cách cá tính, tự tay Phan Nam thiết kế và trình bày quán nhạc của mình, tự mình chơi trống và đôi khi, anh cũng trà dư tửu hậu với khách hàng đến tảng sáng! “Tự tay tôi làm quán nhạc, chẳng nhờ bất kỳ ai và không giống ai” – người nghệ sĩ lãng tử tâm sự.

Những “lão Hạc”

Quán cà phê mang tên “Lão Hạc” trên đường Hoàng Sa cũng được xem là quán có phong cách Hà Nội, nơi khách có thể ăn phở gọi từ quán kế bên. Những đồ đạc cũ kỹ, không gian tối, yên tĩnh gợi lại một thời quá vãng khiến cho khá nhiều người tìm tới với “lão Hạc”. Có cả những nhiếp ảnh gia tới để “săn ảnh” ngay tại quán “Lão Hạc”.

Anh Việt Cường, một nghệ sĩ múa xuất thân từ trường múa Việt Nam mở quán cà phê trên đường Hoàng Sa theo kiểu riêng - chỉ bán cà phê và nước cam, tuyệt đối không bán các loại nước đóng chai, lon lẫn bia rượu: “Tôi nghĩ nước đóng chai không ích lợi gì cho sức khỏe, nên ai thích uống nước đóng chai, tôi mời đi quán khác”. Chất ngông nghệ sĩ Bắc Hà trong anh chủ quán đến từ Hà Nội.

Là một nghệ sĩ chế tác đạo cụ sân khấu, anh Cường mới hoàn thành một chú chó mô hình và gửi ra cho đoàn làm phim về lão Hạc tại Hà Nội. Đối với anh Cường, quán cà phê cũng là nơi anh sáng tác, chế tác và gặp gỡ bạn bè của mình, bàn về phim ảnh, âm nhạc, cuộc đời.

Làn sóng “cà phê Hà Nội”

Quán cà phê Hà Nội ở Sài Gòn có nhiều loại. Có những quán cà phê đề rõ chữ Hà Nội, nhưng có những quán như Cà phê Ngách ở Bình Thạnh, tên quán không nhắc gì tới Hà Nội nhưng quán tái hiện cả phố phường, tem phiếu, loa phóng thanh như một góc phố Hà Nội xưa.

Thật khó tính toán xem số lượng quán cà phê Hà Nội tại Sài Gòn hiện nay lên tới con số bao nhiêu? Chỉ biết dọc đường Hoàng Sa, Trường Sa, là những con phố cà phê nổi tiếng tại TPHCM, rất nhiều chủ quán là các nghệ sĩ và trí thức từ Hà Nội vào mở quán cà phê. Nhưng người Hà Nội vào TPHCM lập nghiệp còn tạo lập nhiều quán cà phê không mang phong cách Hà Nội. Thậm chí, tại quận 7, chủ quán “Sài Gòn xưa” chính là một nữ nhà báo Hà Nội.

Phải chăng đang có một “làn sóng” cà phê Hà Nội xâm thực vào đời sống TPHCM?

Cà phê Cộng của ca sĩ Linh Dung ra đời năm 2007 tại Hà Nội và theo trang web của Cà phê Cộng thì tới năm 2019, tại Hà Nội có 32 quán cà phê Cộng (tại Đà Nẵng có 2 quán, Hải Phòng có 2 quán). Bắt đầu “tấn công” vào thị trường TPHCM từ đầu năm 2016, chỉ sau 3 năm hiện đã có 14 quán Cộng cà phê tại TPHCM, tập trung vào khu vực trung tâm. Chuỗi Cộng cà phê đã đem đến một phong vị cà phê với những ký ức tem phiếu của người miền Bắc, họ cũng sáng tạo, thu hút khách hàng bằng cà phê nước cốt dừa.

Vĩ thanh: Không chỉ hoa hồng

Nghệ sĩ trống Phan Nam tâm sự: “Tôi rất thích sống và mở quán cà phê ở Sài Gòn, nơi con người gần gũi và thân thiện, tiếc rằng mẹ tôi già yếu nên tôi đã phải sang quán để quay ra thủ đô, khép lại một hành trình làm cà phê nhạc ngắn ngủi tại Sài Thành”. Phan Nam trở ra Hà Nội và quán nhạc của anh cũng đóng cửa, không tìm ra người kế thừa.

Anh Toàn, chủ quán cà phê ở quận 7 thậm chí phá sản vì không cạnh tranh nổi: “Quán cà phê ngày nay mọc lên như nấm, trong khi lượng khách vẫn ngần đó thôi. Tôi đầu tư vào quán cà phê nhạc gần nửa tỷ đồng, nhưng giờ quyết định chia tay, thích quán nào thì ôm đàn hát cho vui chứ không làm quán nữa!”. Người đàn ông Hà Nội tóc hoa râm có những cây đàn ghi ta cổ rất hay, vẫn sáng sáng ôm đàn giao lưu cùng bạn bè.

Thủy là một nhà báo từ ngoài Bắc vào, cô đầu tư hơn 300 triệu mở quán cà phê ở dưới một khu chung cư quận 3 song chỉ mấy tháng quán đóng cửa. “Tôi nghĩ quyết định đầu tư vào quán cà phê là sai lầm. Tiền mặt bằng quá cao và lợi nhuận không tốt như tính toán”. Giờ đây, Thủy hài lòng trở về với công việc truyền thông và vui vẻ giải trí trong những quán cà phê do người khác làm chủ. Cô nhận ra một điều: “Hóa ra, làm quán cà phê ở Sài Gòn không dễ!”.

Trần Nguyên Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ca-phe-ha-noi-giua-sai-gon-1482331.tpo