Cà phê giả không khác gì thuốc độc giết người

Một số hóa chất trong cà phê giả thậm chí có tên trong danh sách các độc chất có thể gây ung thư hoặc bệnh mãn tính

Cà phê là thức uống rất đặc biệt, rất quyễn rũ, rất đáng yêu, và cũng rất dễ "gây nghiện". Một ly cà phê thật có tác dụng tổng hợp của nhiều loại thức uống phổ biến (tốt) khác: giống rượu (vì gây kích thích), giống sữa (vì mang năng lượng), giống trà (vì mang lại sự tỉnh táo). Do vậy, không khó hiểu khi cà phê là một trong những loại thức uống phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, từ tây đến ta, từ già đến trẻ, từ phụ nữ đến đàn ông đều dùng.

Cà phê là thức uống phổ biến, được ưa chuộng nhất hiện nay. Ảnh minh họa

Nhưng đáng buồn thay, đại đa số những ly mà được gọi cà phê hiện nay lại đa phần chứa những thứ không tốt như đậu nành, bắp rang cháy (để tạo độ sánh), bơ (tạo mùi thơm), caramel công nghiệp (ngọt), dầu công nghiệp, chất tạo màu, etc. Tỉ lệ cà phê trong cà phê giả chỉ có 20, 10, thậm chí 0%. Những thức uống này không những không mang lại tác dụng tuyệt vời của cà phê như đã nêu, nó còn là tác nhân tiềm ẩn gây bệnh cho người uống.

Trước câu hỏi uống cà phê nhiều hóa chất ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? BS Lương Lễ Hoàng - Trung tâm Ôxy Cao áp TP. HCM cho biết, không chỉ riêng với cà phê, chất phụ gia trong thực phẩm, nếu không bảo đảm về an toàn trong cấu trúc hóa học, là một trong các nguyên nhân dẫn đến rối loạn sức đề kháng, biến dưỡng và là gánh nặng cho các cơ quan giải độc như lá gan, trái thận, khung ruột, lớp da.

“Nếu dùng cà phê nguyên chất và không lạm dụng liều lượng thì người tiêu dùng sẽ không gặp rắc rối về sức khỏe như nhiệt miệng, hồi hộp, táo bón... Tuy nhiên, nếu có thêm chất phụ gia, chất hóa học, chất tạo mùi, tạo vị trong cà phê giả đương nhiên rất bất lợi cho sức khỏe. Một số hóa chất trong cà phê giả thậm chí có tên trong danh sách các độc chất có thể gây ung thư hoặc bệnh mãn tính”, BS Lương Lễ Hoàng cảnh báo .

Vậy làm thế nào để nhận biết được cà phê nguyên chất và cà phê hóa chất?

Nếu cà phê còn ở dạng hạt, khi sờ vào sẽ không thấy nhờn và dính, cà phê có mùi thơm tự nhiên, dịu nhẹ. Đối với cà phê bị pha trộn, sau khi rang sờ vào hạt sẽ thấy nhờn, dính (dấu hiệu của bơ, dầu ăn...) và mùi cũng không còn tự nhiên, sẽ lẫn mùi nồng của bơ.

Đối với cà phê khi đã pha, bạn có thể nhận biết bằng cách sau:

Cà phê nguyên chất khi tiếp xúc với nước sôi sẽ nở phồng lên, sủi bọt mạnh và có thể bị tràn ra ngoài phin nếu bạn cho quá tay cà phê.

Trong khi đó, cà phê đã pha trộn khi tiếp xúc với nước sôi sẽ không hề nở ra hay sủi bọt mà chìm xuống, tỏa mùi thơm do các loại bột đậu, bột ngô khi gặp nước sôi sẽ nở da và trở nên dẻo, dính, xẹp xuống.

Nhận biết cà phê thật/giả qua màu nước cà phê

Cà phê nguyên chất sẽ có màu cánh gián hoặc nâu đậm, khi cho đá vào nước sẽ chuyển sang màu hổ phách. Khi để ra ánh nắng, ly cà phê có màu nâu sáng.

Cà phê nguyên chất sẽ có màu cánh gián hoặc nâu đậm

Trong khi đó cà phê pha trộn sẽ có màu thay đổi tùy theo lượng tạp chất có trong cà phê. Ly cà phê có màu đen đục tức là cà phê đã bị pha tạp và đó chính là màu của hạt đậu, ngô khi đã rang lên.

Nhận biết qua độ sánh của nước cà phê

Có thể nhận biết cà phê nguyên chất qua độ sánh của ly cà phê. Khi pha, nước của ly cà phê nguyên chất có độ sánh hầu như không đáng kể.

Trong khi đó cà phê bị pha trộn sẽ có độ đậm đặc và sánh khác biệt do bột đậu, bột ngô khi rang rồi tiếp xúc với nước sôi sẽ trở nên dẻo dính làm cho nước cà phê sánh đặc bất thường.

Nhận biết qua mùi thơm đặc trưng

Cà phê pha trộn sẽ không có mùi thơm tự nhiên mà thay vào đó mà sẽ có mùi hóa chất do được ướp hương cà phê "giả". Mặc dù cà phê pha trộn vẫn mang hương vị của cà phê nhưng mùi thường gay gắt hơn so với mùi cà phê nguyên chất thực sự.

Ngoài ra có thể nhận biết qua bọt của ly cà phê.

Nếu bọt mỏng, có óng ánh màu cầu vồng, đánh lên đầy cả ly và lâu tan thì đó là bọt của cà phê đã bị pha trộn. Bọt cà phê nguyên chất thường đồng đều về kích cỡ, đục hơn và có mật độ dày hơn, nhưng lại mau xẹp.

H. NGUYÊN (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ca-phe-gia-khong-khac-gi-thuoc-doc-giet-nguoi-d102642.html