'Cà phê đường tàu' có được hoạt động trở lại nếu đảm bảo an toàn?

Xóm 'cà phê đường tàu' đề xuất ngành chức năng cho dựng barie trước cửa cảnh báo, lắp camera giám sát phạt nguội các hộ dân vi phạm.

Mới đây, đại diện cư dân xóm "cà phê đường tàu" khu vực đường Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, đã gửi đơn kêu cứu gửi lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT và chính quyền địa phương, đề xuất được kinh doanh trở lại.

Trong đơn, người dân ở xóm đường tàu Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nêu ra những khó khăn về mưu sinh kể từ khi xóm cà phê đường tàu bị dẹp bỏ.

"Cà phê đường tàu" bị dẹp vì lý do thiếu an toàn. Dù chưa xảy ra, nhưng những rủi ro là có thể nhìn thấy được.

"Cà phê đường tàu" bị dẹp vì lý do thiếu an toàn. Dù chưa xảy ra, nhưng những rủi ro là có thể nhìn thấy được.

Mong muốn được kinh doanh trở lại, trong đơn, người dân đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như an ninh đường sắt. Đồng thời đề xuất tự dựng barie trước khu vực cửa nhà để ngăn không cho hành khách bước ra khu vực đường ray, lắp camera giám sát để biết trước mỗi khi có tàu đến nhằm cảnh báo cho người dân và du khách du lịch.

Các hộ kinh doanh cũng có trách nhiệm lắp đặt các biển cảnh báo song ngữ để du khách ra khỏi phạm vi an toàn, đồng thời lắp loa phát cảnh báo khi tàu đến.

"Người dân khu vực phố đường tàu tha thiết mong cơ quan chức năng có giải pháp phù hợp giúp người dân chúng tôi có đời sống ổn định, có cơ hội cải thiện thu nhập, vừa an sinh vừa tạo được điểm nhấn cho du lịch Hà Nội và Việt Nam...", đơn kêu cứu nêu.

Liệu chúng ta đã cố gắng tìm giải pháp hợp lý nhất chưa, đã cố hết cách chưa, và có đáng để xóa bỏ hay giữ lại hay không?

Trước đó, trao đổi với DĐDN, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng không thể khuyến khích kinh doanh trong điều kiện hành lang an toàn giao thông tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Nếu để nguyên như vậy, không trên cơ sở quy hoạch lại có thể mất an toàn bởi tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Ông Thủy cho rằng, vẫn có thể cho tồn tại một số quán cà phê nhưng cần chọn những địa điểm rộng hơn, có rào, có đèn tín hiệu, có báo hiệu về giờ tàu. “Còn nếu người dân nói họ nhớ giờ tàu, nhắc nhở du khách có vẻ không khả thi vì khả năng xảy ra tai nạn rất lớn”. – ông Thủy nói.

Xem chi tiết TẠI ĐÂY.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, cà phê đường tàu nên được giữ lại, và đáng để cố gắng tìm các giải pháp khắc phục thay vì dẹp bỏ nó.

Có thể thấy, lý do chính nhất khi dẹp bỏ cà phê đường tàu là lý do an toàn hành lang đường tàu, nên nếu có giải pháp hợp lý, đảm bảo an toàn, rất nhiều người dân tại xóm đường tàu và du khách, khách tham quan đều có chung suy nghĩ muốn giữ lại "cà phê đường tàu".

Bởi thực tế cho thấy, chưa nói đến việc tăng thu nhập, thêm việc làm cho người dân dọc các con phố đường tàu đi qua, chỉ riêng việc tạo thêm một địa điểm du lịch thú vị hấp dẫn với du khách cho Hà Nội đã là điểm cộng rất lớn với cà phê đường tàu. Dù có đầu tư nhiều ngàn tỉ đồng cho một công trình nào đó, cũng không dễ biến nó thành một điểm đến hấp dẫn du khách đến như thế.

Và nếu cà phê đường tàu phát triển sau một thời gian đủ dài, chắc chắn sẽ còn nhiều dịch vụ khác có thể khai thác đối với du khách. Khu phố cà phê không chỉ tiềm năng đối với người dân quanh đây, mà sẽ còn rất nhiều ngành nghề và người dân có thể có cơ hội hưởng lợi từ nó nữa.

"Cà phê đường tàu" dù xuất hiện chưa lâu nhưng đã được TripAdvisor - trang web về du lịch nổi tiếng nhất thế giới bình chọn mức 5 sao và được xếp hạng là địa điểm đáng tham quan thứ hai tại Hà Nội, chỉ sau phố cổ. Trong khi công trình ngàn năm tuổi - Văn Miếu quốc tử giám chỉ đứng hạng thứ 4.

Trong bài viết “Cà phê đường tàu – Mong một ngày trở lại”, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã đề xuất một số giải pháp cần tập trung ở đây.

Xem chi tiết TẠI ĐÂY.

Theo đó, liệu chúng ta có thể bố trí thêm hệ thống camera cho các tuyến phố cà phê dọc đường tàu, bố trí một người trực camera quan sát và vài nhân sự trực tiếp kiểm tra, đảm bảo an toàn dọc các tuyến phố trong 15 phút tàu chuẩn bị qua?

Việc này chỉ tốn thêm chút nhân lực và chi phí, có thể huy động lực lượng dân phòng vào cuộc và chắc rằng các chủ quán cà phê cũng sẵn sàng trả phí nếu được hoạt động trở lại.

Đồng thời cần tổ chức tập huấn, đặt qui định nghiêm ngặt với các chủ quán, người cung cấp dịch vụ phải tuân thủ các tiêu chuẩn qui định về an toàn: dẹp bỏ đồ dùng, vật dụng nếu lấn chiếm quá mức, phạt tiền nếu trước cửa hàng nào có du khách chậm vào trong, yêu cầu du khách vào trong hành lang an toàn đúng 10 phút trước khi tàu qua, gắn thêm biển cảnh báo ranh giới an toàn, và biển nhắc nhở khách tự ý thức về an toàn.

Bên cạnh đó, việc giảm thêm tốc độ khi tàu qua phố cổ cũng là một giải pháp.

Thực tế chỉ có tối đa 3 chuyến tàu mỗi ngày qua đây và cũng không phải là các chuyến tàu quan trọng, vì thế giảm tốc độ tàu chạy chậm thêm 10 phút qua đoạn phố cổ có thể gây một chút phiền hà nhưng những cái lợi đem lại cũng lớn hơn nhiều so với đóng cửa các quán cà phê chỉ để con tàu chạy qua.

Ngoài ra chúng ta cũng có thể chỉnh trang thêm các con đường dọc đường tàu để tăng thêm sức hấp dẫn, đẹp mắt hơn, có chiều sâu hơn.

Liệu có thể kì vọng Hà Nội đóng cửa quán cà phê là để rà soát lại, là để tìm cách cải thiện và chuẩn bị cho một ‘café đường tàu’ sắc màu Hà Nội an toàn hơn, đậm nét hơn, đặc sắc hơn?

Liệu có thể mong chính quyền Hà Nội nghiên cứu lại một lần nữa để có chiến lược khai thác hiệu quả loại hình kinh doanh du lịch ‘theo nhu cầu du khách’ này?

BBT

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/ca-phe-duong-tau-co-duoc-hoat-dong-tro-lai-159820.html