Cà phê đen

Đã thành quy luật, anh đến quán lúc 7 giờ và rời quán lúc 7 giờ 30 phút, còn mùa hè từ 6 giờ 30 phút đến và đúng 7 giờ anh rời quán về cơ quan làm việc. Anh uống gì, các em đi cùng uống gì, nhân viên phục vụ quán đều biết, cứ thế răm rắp bê ra kèm theo một lời chúc ngon miệng. Anh đến quán mang theo biết bao niềm vui và sự phấn khởi cùng phong thái ung dung của người biết sống và làm việc khoa học đúng chuẩn phong cách một lãnh đạo.

Minh họa: Hoàng Chinh

Minh họa: Hoàng Chinh

Tiếng vui cười hỏi han không ngớt về anh: Anh đã có kế hoạch cuối tháng vào Tây Nguyên rồi sao? Tiếc nhỉ, chúng em đang định cuối tháng tổ chức đi Đà Nẵng mấy hôm và mời cả chị và hai cháu đi cùng cho vui, Đà Nẵng vừa được đầu tư mấy khu giải trí hay lắm. Đồng chí Trinh Phó trưởng Phòng Văn hóa lên tiếng.

Trưởng Phòng Y tế tên Lan cũng chêm chuyện và hỏi anh: Cuối tháng này sinh nhật em, vắng anh thì mất vui, em đã định đặt nhà hàng bê thui và phòng hát. Anh đi vắng em chờ anh về tổ chức vậy, sinh nhật chậm vài ngày không sao.
- Anh dạo này viết thế nào rồi? Nghe sắp tới anh có tập thơ đầu tay ra mắt? Lý Phó trưởng Phòng Giáo dục hướng đôi mắt hỏi thăm xem như một sự quan tâm về sở trường của anh.
Các câu hỏi của các em, sự ân cần làm anh không biết trả lời ai trước, ai sau. Một câu trả lời chung chung mang dáng vẻ cân nhắc, sắp xếp mọi việc: Cứ để anh xem đã nhé, công việc nhiều. Anh bố trí được sẽ có mặt, ai chứ mấy em ở đây đều chân tình, anh vắng sao được. Nói để mấy em mừng cho anh, tập thơ đã in xong có hơn ba mươi bài anh để trong cặp, mấy quyển trên xe kia kìa.
- Ôi nhanh thế anh. Tất cả nhao lên gần như đồng thanh: Đáng ăn mừng mấy anh em. Vụ này phải ăn mừng ngay và luôn mới ổn.
- Chú Thanh ra xe lấy cặp vào cho anh.
Nghe vậy Thanh vội đứng dậy, rảo chân xách cặp vào.
- Đây nhé. Anh tặng mỗi anh em ở đây một cuốn. Anh lấy bút nắn nót viết từng chữ như gửi biết bao yêu thương trên trang đầu của tập thơ: "Thân tặng em Trinh! Món quà tinh thần đầy ý nghĩa"; "Thân tặng em Lý! Kí ức thời gian!"; “Trân trọng tặng Lan! Người để nhớ!”... Tất cả đều được anh gửi gắm cảm xúc trong từng câu chữ viết ra, ký tên Thế Dũng. Chữ ký anh thoáng, thể hiện một sự phóng khoáng, tràn cảm xúc của một hồn thơ, bay bổng lãng mạn.
- Cảm ơn sếp. Em may mắn được nhận tập thơ đầu tiên. Em sẽ đọc và cho nhận xét đấy. Với thơ anh, em tin chắc rất hay và cảm xúc. Trinh nói theo kiểu lịch sự của một công chức văn hóa.
- Em cảm ơn anh. Tập thơ “Nắng sớm” của anh đã nói lên sự phong phú của một tâm hồn yêu cuộc sống, con người rồi. Em lâu không đọc thơ từ hồi phổ thông, nay đọc thơ anh để làm sống lại tâm hồn đã khô cằn. Ngoài công việc em luôn yêu thơ - Lý nói như khẳng định trình độ thẩm và yêu thơ của bản thân.
Tất cả nhao lên, mỗi người được sếp tặng một quyển, giữ trên tay như vừa có được vật báu mà nằm mơ cũng khó có được.
- Mấy em cứ đọc đi rồi cho ý kiến nhé. Anh ra được tập thơ này cũng một phần nhờ ông Lập Giám đốc Công ty in Sao Mai của tỉnh đấy. Ông ấy đúng là chuyên nghiệp, quan hệ rộng, nói là làm giúp mình luôn. Tối qua, anh nhận về hai trăm cuốn, xem hình thức tập thơ - đứa con tinh thần rồi đọc lời giới thiệu đề tựa của nhà phê bình Lam Lam, thấy ưng luôn.
Thế Dũng hoan hỉ cười tươi đầy mãn nguyện, các thớ thịt trên mặt anh ửng đỏ, căng tràn sự hưng phấn, mãn nguyện.
- Anh giỏi thơ, giỏi lãnh đạo lại giỏi ngoại giao, tâm hồn phong phú và cách làm việc của anh hiệu quả thật - lời khen không ngớt ồn ã.
- Đúng là sếp mình có tài lại gặp người tài nên mọi việc nhanh và suôn sẻ. Thơ anh in không đọc và thưởng thức thì thật phí... Những lời ca tụng anh cứ ào ạt như lá thu rơi đúng mùa.
Trước khi cả nhóm giải tán vì đã đến giờ làm việc, Lý nói to câu cuối: Em mời anh và mọi người đúng 6 giờ chiều nay anh Dũng sẽ chủ trì ra mắt tập thơ “Nắng sớm”, em sẽ chủ chi.
- Không được, em cũng phải được góp phần tham gia. Chị Lý không được độc quyền trúng thầu chi như vậy. Trinh lên tiếng phản đối. Tiếp đó là tiếng tranh giành chi ăn và hát để mừng tập thơ diễn ra ồn ã, vội vã trước khi ai lên xe đấy về cơ quan.
Thế Dũng cảm thấy lòng lâng lâng, nhẹ nhõm và một phần nữa về cảm xúc tài năng của bản thân. Anh em chơi với nhau ai cũng yêu quý hết mực. Mình là lãnh đạo nếu quát nạt họ sợ công việc trước mắt chứ chắc gì nể. Mình gần gũi anh em nên mọi người mới cư xử đẹp như thế. Anh tự mỉm cười, rời quán cà phê trong niềm hạnh phúc khó tả...
Ngày đó chưa xa, Thế Dũng thầm tự hào về bản thân vô cùng, sau khi tập “Nắng sớm” ra đời, đâu đâu trong huyện những người gặp anh đều hết lời ngợi ca “một người lãnh đạo giỏi, thơ hay, giàu lòng nhân ái”. Thế Dũng thấy việc mình ra tập thơ là đúng, cần sáng tác nữa để cống hiến cho đời, chất thi sĩ trong anh có thừa, đang trong giai đoạn chín và thăng hoa nhất. Một bài thơ ra đời bao giờ anh cũng vội mang ngay đến các em, người quen, người thân, đồng nghiệp và rồi sau đó là những bữa nhậu, những lời ngợi ca chúc mừng không ngớt dù trong số người được tặng thơ không mấy ai hiểu được thơ anh sáng tác. Họ đến đón nhận thơ anh vì nhiều lý do lắm: Thuyên chuyển vùng, xin quan tâm cất nhắc... Thế Dũng biết điều đó nhưng thơ với anh quan trọng hơn, anh luôn nghĩ nó sẽ thanh lọc con người, làm người yêu người hơn…
Hôm nay, đúng 7 giờ sáng anh có mặt, 8 giờ anh rời quán về nhà. Mấy cô cậu trẻ phục vụ quán cà phê biết cả thời gian biểu anh đã có sự đổi thay. Hơn hai tháng nay anh một mình vẫn cà phê đen, không sữa. Anh ưa pha phin và đặc. Anh nghiện cà phê sáng và trở thành thói quen rồi. Anh nghiện thứ thức uống đã có mặt ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc thế kỷ mười chín. Dân thành thị có tiền, dư thời gian và dân nghệ sĩ văn chương mới biết cà phê ngon hay đắng, nhạt hay thơm, pha trộn hay cà phê nguyên chất.
Anh đi một mình trên chiếc xe máy cũ, quần bò đã bạc, áo phông rộng, không cổ, màu trứng sáo. Áo quần và tác phong nó nói lên một điều, anh đang giảm phong độ, sạm gầy chắc đến mấy ki-lô-gam. Anh nghỉ hưu đã ba tháng nay. Anh vẫn đến quán thưởng thức thứ cà phê đen đậm đặc mà nhớ lại những ngày đầu mới biết uống, anh nhớ về những ngày tụ họp đông vui. Anh nhếch mép cười nửa miệng. Không ai hiểu. Khách vẫn ra vào uống cà phê nhưng không ồn ào như trước, không khí quán tĩnh lặng hơn. Anh ngồi ở góc khuất, cái bàn cũ bốn người ngày nào anh không ngồi nữa, trống vắng khó tả. Anh đọc báo mạng trên chiếc điện thoại đã cũ. Cái mũ mềm lưỡi trai che khuất một phần mặt anh, che đi tâm trạng trên nét mặt không rõ vui hay buồn. Anh đọc báo hay đang trải lòng? Anh đang nảy ý tưởng, thổi hồn sáng tác thơ? Không ai hiểu. Anh chỉ biết một điều, một điều, mình là người tử tế, yêu thơ. Tất cả những người quan tâm thơ, anh đã giúp khi họ cần.
Lững thững ra về, mải nghĩ, anh va đầu vào cửa kính thủy lực của quán mà anh đã từng đi, từng ra vào đến cả trăm lần.
- Ôi chú! Chú có sao không? Hai cậu nhân viên quán lao vội đến giúp anh đứng dậy. Anh chống tay vào mép cửa, gắng dậy được. Cảm ơn các cháu. Các cháu tử tế với chú quá! Anh gượng bước ra cửa, dáng như người say, dắt xe máy xuống đường. Hai câu thơ của nhà thơ nào đó hiện qua trí nhớ: Đi bạc tóc, chưa qua miền thơ dại/Yên làm sao, thăm thẳm gió thu ơi.

Sơn Hà

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ca-phe-den-74594