Cà phê Cầu Đất Đà Lạt được cấp nhãn hiệu độc quyền

TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa tổ chức Lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận 'Cà phê Cầu Đất Đà Lạt' được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp ngày 04/10/2017. Đây là cơ sở pháp lý bảo hộ nhằm nâng cao uy tín sản phẩm cà phê chè Đà Lạt.

Nhãn hiệu “Cà phê Cầu Đất Đà Lạt” bắt đầu ra mắt thị trường.

Trăm năm bám rễ, xanh cây

Vụ thu hoạch cà phê chè Arabica niên vụ 2017- 2018, ông Lê Thìn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường, ước tính, năng suất vẫn đạt mức bình quân trong 3 năm trở lại đây - khoảng 3 tấn nhân/ha, tương đương 12 tấn tươi/ha.

Đây là vùng cà phê Arabica Cầu Đất trọng điểm, có lịch sử bám rễ, xanh cây cả trăm năm qua và đã nhanh chóng nhân rộng trên các vùng sinh thái Đà Lạt. Khảo sát mới đây cho thấy, vùng cà phê Cầu Đất- Xuân Trường hiện có gần 1.300ha, chủ yếu là cà phê kinh doanh hơn 10 năm tuổi; còn lại khoảng 200ha được trồng tái canh trong vài năm gần đây.

“Nông dân Cầu Đất - Xuân Trường đã quen với kỹ thuật chọn hạt giống cà phê Arabica mùa trước để gieo lại mùa sau. Nhờ vậy, những diện tích cà phê Arabica già cỗi 20 năm tuổi trở lên, năng suất kém, lần lượt được nông dân chuyển đổi trồng tái canh, nối tiếp và trẻ hóa”, ông Thìn cho biết.

Một địa bàn giáp ranh vùng Cầu Đất - Xuân Trường là xã Xuân Thọ của TP.Đà Lạt trong mùa cà phê Arabica năm 2017 diện tích giảm so với năm 2016 hơn 10ha. Nguyên nhân theo ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã này là do biến đổi thời tiết thất thường, bệnh sâu đục thân và bọ xít muỗi gây hại trên nhiều diện tích nên nhiều gia đình buộc phải chuyển đổi sang trồng dâu tây, rau,hoa các loại.

“Xuân Thọ hiện có hơn 540ha cà phê Arabica trong thời kỳ kinh doanh, tổng sản lượng hơn 1.500 tấn nhân. Hiện, đang vào đầu niên vụ thu hoạch 2017- 2018, Hội Nông dân xã Xuân Thọ vận động nông dân hạn chế tối đa thu hái cà phê Arabica tươi xanh, thay vào đó tập trung thu hái cà phê Arabica đủ độ chín để bán cho Doanh nghiệp chế biến cà phê Phú Vinh tọa lạc trên địa bàn, công suất chế biến đạt đến 100 tấn tươi/ngày…”, ông Bình cho biết.

Độc quyền chất lượng

Theo Phòng Kinh tế TP. Đà Lạt, qua 100 năm nhiều thăng trầm, cà phê Arabica trồng ở các xã Xuân Trường, Trạm Hành, Xuân Thọ và các phường 7, 10, 11, 12…thuộc TP. Đà Lạt vẫn “sống đời” với người dân, trở thành cây chủ lực của địa phương. Đến nay, tại các vùng sinh thái, đang ổn định diện tích 3.500ha cà phê Arabica, năng suất bình quân gần 3 tấn nhân/ha, chiếm 33% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn thành phố.

Nhận thấy uy tín và giá trị cây cà phê Arabica cần được bảo vệ và nâng cao, cuối năm 2014, chính quyền TP. Đà Lạt đã thông qua kế hoạch và được cơ quan thẩm quyền tỉnh Lâm Đồng phê duyệt phát triển thương hiệu đặc trưng này. Đến tháng 7/2015, nhãn hiệu “Cà phê Cầu Đất Đà Lạt” chính thức được xây dựng thông qua sự phối hợp của chính quyền TP. Đà Lạt với Sở Khoa học - Công nghệ và Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà sản xuất, kinh doanh, chế biến cà phê Arabica truyền thống ở Đà Lạt. Ngày 31/3/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chứng nhận “Cà phê Cầu Đất Đà Lạt”, xác định đây là nhãn hiệu đăng ký độc quyền trong nước. Ngày 4/10/2017, Cục Sở hữu trí tuệ quyết định cấp cho UBND TP. Đà Lạt giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cà phê Cầu Đất Đà Lạt”.

Với định hướng chung về phát triển thương hiệu “Cà phê Cầu Đất Đà Lạt”, chính quyền TP. Đà Lạt đặt ra 5 nhiệm vụ tập trung triển khai đồng bộ trong thời gian tới, đó là: hoàn thành các mô hình thâm canh cà phê Arabica chất lượng cao để chuyển giao rộng rãi cho người sản xuất; tăng cường công tác khuyến nông, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm liên kết; nâng tỷ lệ cà phê Arabica chế biến ướt đạt 100%; tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Văn Việt

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ca-phe-cau-dat-da-lat-duoc-cap-nhan-hieu-doc-quyen-post3752.html