Ca phẫu thuật tiêu hóa cho trẻ sinh non và nhẹ cân nhất Việt Nam

Vừa chào đời, bé sơ sinh nặng 1,2 kg tiếp tục trải qua ca phẫu thuật suốt 2 giờ để tái thông ruột non.

Tối 8/5, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết các bác sĩ vừa phẫu thuật cho bé sơ sinh chỉ nặng 1,2 kg, sinh non 9 tuần.

Trước đó, sản phụ quê Quảng Nam buộc phải chấm dứt thai kỳ vì chuyển dạ sinh non khi thai mới 29 tuần tuổi. Sau ca mổ bắt con, bé sơ sinh được chuyển cấp tốc từ Bệnh viện Hùng Vương qua Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vì thai được chẩn đoán dị tật teo ruột non bẩm sinh.

Bé sơ sinh nhập viện trong tình trạng thở yếu, phải thở áp lực dương, bụng chướng căng, ọc nhiều dịch xanh và chưa bài tiết phân su.

Đánh giá tình trạng bệnh nhi rất nặng, các bác sĩ khoa Hồi sức sơ sinh, Gây mê và Ngoại tổng hợp đã phối hợp phẫu thuật cho bé. Sau 2 giờ, bé được khâu nối 4 đoạn ruột “tí hon” vừa giãn, vừa teo, giải quyết thông tắc kịp thời.

 Bé sơ sinh hồi phục khả quan sau phẫu thuật. Ảnh: BSCC.

Bé sơ sinh hồi phục khả quan sau phẫu thuật. Ảnh: BSCC.

ThS.BS Tạ Huy Cần, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Trưởng kíp mổ, nhận định đây là trường hợp gây mê khó khăn vì trẻ non tháng, cân nặng thấp, chức năng hô hấp, tuần hoàn chưa hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, bé phải được mổ khẩn để thông suốt chỗ tắc, tránh để xoắn hay hoại tử ruột, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân diễn tiến nhanh.

Hiện tại, sau thời gian điều trị và chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức sơ sinh, tổng trạng bé khá dần, thở máy hiệu quả, dinh dưỡng sữa qua đường ruột hoạt động tốt.

Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp trẻ sinh non tháng và nhẹ cân nhất được gây mê và phẫu thuật đường tiêu hóa thành công tại Việt Nam.

Bác sĩ Cần cho biết thêm teo ruột non bẩm sinh (hay bít tắc lòng ruột non bẩm sinh) là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc ruột ở trẻ sơ sinh. Nếu trẻ không được chẩn đoán từ trong bụng mẹ và can thiệp sớm, các triệu chứng sẽ được phát hiện trong vòng một hoặc hai ngày sau sinh như trẻ không chịu bú, nôn, bụng phình to…

“Trẻ cần được theo dõi, đưa đến các cơ sở y tế đủ điều kiện để chẩn đoán, phẫu thuật cấp cứu. Nếu chậm trễ, trẻ có thể bị tử vong hay để lại các biến chứng nặng liên quan đến dinh dưỡng, phát triển thể chất và chất lượng cuộc sống sau này”, bác sĩ Cần nói.

Trẻ sơ sinh đeo tấm che mặt tránh lây nhiễm Covid-19 Một bệnh viện ở Bangkok (Thái Lan) đã sử dụng các tấm che mặt cho trẻ sơ sinh để ngăn lây nhiễm virus corona.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ca-phau-thuat-tieu-hoa-cho-tre-sinh-non-va-nhe-can-nhat-viet-nam-post1082526.html