Ca nương Đào Nhu – Nữ tướng đánh giặc Pháp

Ca nương Đào Nhu tên thật là Nguyễn Thị Sáu, sinh ra trong một gia đình nho học thanh bạch yêu nước của dòng họ Nguyễn Thế. Cha cô là ông bầu hát ca trù ở làng Gồ xưa, nay là xã Phượng Cách (huyện Quốc Oai, Hà Nội). Với dung nhan xinh đẹp, thông minh và giọng hát trời phú Đào Nhu đã lọt vào mắt của chủ tướng Dương Hữu Quang và trở thành vợ ông.

Ca nương Đào Nhu (phục chế theo ảnh cũ)

Ông Dương Hữu Quang người ở Tổng Động Cửu Thanh Oai - Hà Tây cũ nguyên là Tri huyện Thọ Xương (Thanh Hóa). Ông rất thông binh pháp nên được làm Thường vụ quan. Cuối năm 1883, ông được chỉ định giữ chức Phòng binh tỉnh Sơn Tây cũ, dưới quyền Hoàng Tá Viêm. Vào một ngày đầu năm mồng 2 tết, ông Dương Hữu Quang cho mời cô Đào Nhu vào hát. Đào Nhu thấy Dương Hữu Quang đường đường là một đấng anh hào đã có ý mến, được dịp may Đào Nhu không một chút e dè cô đã nhiệt tình ca hát (tự biên tự ca): “Non sông gió bụi; khách anh hùng lẩn lút mãi sao đây; tới phen này xin kíp ra tay; quét cho sạch lũ cáo cầy quấy rối…”.

Dương Hữu Quang rất xúc động vì biết Đào Nhu khích lệ mình, ông tỏ lòng yêu thương Đào Nhu và cho mở thêm một tiệc rượu mừng nữa để cùng nàng kết bạn trăm năm.

Từ đó Đào Nhu trở thành “Áp trại phu nhân” của Dương Hữu Quang, ngày ngày chăm chỉ tập ngựa, bắn cung tên, luyện võ, dùng đao, thương, chẳng bao lâu đã trở thành tay nữ kiệt, nhiều lần theo chồng xông pha vào vòng nguy hiểm. Nàng phi ngựa rất nhanh và bắn cung tên rất giỏi được mọi người khen là một nữ tướng có tài.

Khi giặc Pháp chiếm đóng thành Sơn Tây, ông Dương Hữu Quang đã bí mật bỏ làng về làng Sơn Lộ (tức Làng So) nay thuộc xã Tân Hòa Quốc Oai (Hà Tây cũ), thủ vai “ Thầy Tự” làng So, nên nhân dân đã gọi ông với một biệt danh là “Tự So”. Ông bí mật hội tụ nghĩa quân chống giặc Pháp cứu nước, bảo vệ xóm làng. Ông liên hệ với Tín Nghĩa Hội, quân số đã có gần 5000 người, quân tướng có lòng yêu nước giết giặc. Tự So là một thủ lĩnh có trí kiên cường trong phong trào chống thực dân Pháp vào những năm 1883 - 1885. Ông đã tổ chức cướp voi của tên tuần phủ Ninh Bình là Phan Huy Lương vào cuối năm 1883 tại trận Hà Mai (gần sát Hà Nội) phục kích bắt bọn lính Pháp và ngụy quân ở vùng Ngãi Cầu (Hoài Đức - Hà Đông cũ) diệt tại trận tên đề đốc Việt gian Đặng Văn Phai. Bị thua đau, cay cú, chúng tìm mọi cách để tiêu diệt đội quân “áo vải cờ đào” này. Giặc dùng tên Quận Vùng người xã An Thượng đã phản bội đầu hàng giặc, là bạn cũ với ông Dương Hữu Quang. Mất cảnh giác Dương Hữu Quang sang nhà chơi theo lời mời của tên Quận Vùng. Chúng đã mai phục sẵn để mưu sát ông. Hôm đó là ngày 22/5/1884 (Giáp Thân). Ông bị trọng thương, nghĩa quân bảo vệ đưa ông về bản doanh thì từ trần. Thủ lĩnh Dương Hữu Quang mất đi là một tổn thất lớn của nghĩa quân.

Căm thù bọn giặc dã man bà Tự So (Nhu) thay chồng phất cờ hồng dấy binh khởi nghĩa, bà cùng Bếp Vai (cận vệ của ông tự So) cho nghĩa quân đào giao thông hào sẵn sàng chiến đấu, phía ngoài hào xẻ rãnh sâu cắm cọc nhọn, bà cọn vận động nhân dân khi thu hoạch ngô xong không được nhổ cả gốc, mà chỉ chặt vát nhọn để từ mặt đất lên cao 20cm, bãi ngô biến thành bãi chông sẵn sàng tiêu diệt địch. Sau thời gian ngắn, các gốc ngô nảy nở mầm lá xanh non che kín gốc nhọn. Trận địa bố trí xong thì tên Quận Vùng hăm hở kéo quân đến. Cô Đào Nhu hóa trang trong bộ quần áo của chồng, lính của Quận Vùng có đứa đã được biết Tự So, trông thấy ăn vận như vậy thì kêu lên: “Ông So vẫn sống”, chúng thi nhau chạy thục mạng, nhảy qua hào, ngã rơi trúng cọc bị xốc ngược. Những tên chạy thoát ra bãi ngô giẫm phải gốc ngô, què chân chạy không kịp. Nghĩa quân làng So xông ra bắn giết quá nửa, bà Đào Nhu cưỡi ngựa đuổi theo bắt được Quận Vùng chặt đầu mang về tế chồng.

Bà Nhu tiếp tục chống Pháp ở vùng Sơn Tây được hơn 1 năm nữa thì rời lên Tuyên Quang lấy rừng Hàm Yên làm căn cứ địa, kéo dài cuộc kháng chiến thêm 2 năm nữa. Cuối cùng tự thấy thế cùng lực kiệt, bà Nhu vượt biên giới sang Trung Quốc và ở lại Quảng Tây.

Từ đó không ai biết hành tung của bà ra sao nữa, tuy nhiên người ta còn kể rằng khoảng năm 1922 bà Nhu đã có lần “lẻn” về quê thăm mộ chồng, một tên cường hào gian ác ở làng tên là Vương Hữu Đài vội đi báo với công sứ Sơn Tây đem lính khố xanh về vây bắt, bà đã mưu trí thoát khỏi vòng vây, sau khi dán ở cổng làng mảnh giấy đề mấy câu thơ cảnh cáo tên chỉ điểm. Tạm dịch: “Nhắn bảo Vương Hữu Đài; Tâm ác, đáng thương thay; Chẳng để gươm ta bẩn; Chờ dân xét tội mày”.

Hiện nay dòng họ Nguyễn Thế làng Gồ đang thờ Đức tổ ca trù tên là Đinh Dự và Mãn Đường Hoa Công Chúa, được vua Khải Định phong sắc “Trai tĩnh Dực bảo”. Trong đền thờ còn lưu giữ bức hoành phi đại tự, đôi câu đối ca ngợi đức tổ nghề ca trù. Nhà thờ còn thờ những đào nương tài, sắc, nhân từ. Đó là Đức Bà Vương (Vợ vua Lê Kính Tông) và bà Đào Nhu (vợ của thủ lĩnh Tự So của dòng họ Nguyễn Thế) - Người con gái có khí phách quật cường.

Ban thờ nữ tướng Đào Nhu có bức đại tự. Danh tích lưu phương. Hai bên có đôi câu đối: “Nhất đại trung tâm trinh Pháp tặc; Thiên thu khí tiết khởi trù Thanh”.

Hàng năm chính quyền xã Phượng Cách vẫn về đền thờ dòng họ Nguyễn Thế dâng hương tưởng nhớ người có công với dân với nước. Nhân dân vẫn tuần tiết bốn mùa khói hương kính lễ các vị nữ nhân kiệt xuất của quê hương.

Tháng 10 năm 2017

Đất Phượng Xứ Đoài

Biên soạn theo cuốn “Danh nhân quê hương”

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/ca-nuong-dao-nhu-nu-tuong-danh-giac-phap.html