Cả nước tiếp tục mưa lớn, nước lũ làm sập cầu, cô lập hoàn toàn nhiều địa phương

Do ảnh hưởng các đợt áp thấp và đặc biệt ảnh hưởng của bão số 3, những ngày qua tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to, gây ngập úng tại nhiều địa phương. Riêng tại các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái đã xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng.

 Nguy cơ hình thành áp thấp nhiệt đới ngay sau bão số 3

Nguy cơ hình thành áp thấp nhiệt đới ngay sau bão số 3

Hình thành áp thấp nhiệt đới trên Vịnh Bắc Bộ

Theo bản tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, chiều nay (21/7), vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ đã dịch chuyển về phía ven biển Bắc Bộ và mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, ở ngay trên bờ biển các tỉnh từ Nam Định đến Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50km/giờ), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 50km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) gồm toàn bộ khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Đông mỗi giờ đi được 5 - 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16h ngày 22/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, ngay trên huyện đảo Bạch Long Vĩ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 8.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình: Mở thêm 1 cửa xả đáy vào lúc 16h00 ngày 21/7/2018; liên tục phát tối đa qua 08 tổ máy. Tùy theo tình hình diễn biến của mưa lũ thượng nguồn có thể tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy; đồng thời tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập. Hồi 8h ngày 21/7/2018, mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 105,29m, lưu lượng đến hồ 9.217 m3/s, tổng lưu lượng xả 5.613m3/s.

Ngày và đêm nay (21/7), các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông; riêng các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa rất to. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.

Tại Hà Nội, ngày và đêm nay có mưa to đến rất to và rải rác có dông. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh nên trong 2 - 3 ngày tới tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).
Trong khi đó vào hồi 13h hôm nay (21/7), 1 áp thấp nhiệt đới khác trên khu vực Bắc Biển Đông ở vị trí 18,6 độ Vĩ Bắc; 119,8 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) khoảng 110km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi ra ngoài Biển Đông (phía Đông Kinh tuyến 120 độ Kinh Đông). Đến 13h ngày 22/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 122,3 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) khoảng 300km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Nước lũ làm sập cầu tại Phú Thọ. Ảnh: Báo Phú Thọ

Thiệt hại do mưa lũ tiếp tục gia tăng
Thống kê sơ bộ, tính đến sáng 21/7 mưa lũ đã làm 10 người chết (Yên Bái: 8 người, Thanh Hóa: 2 người); 11 người bị mất tích (Yên Bái: 9 người, Thanh Hóa: 2 người); 14 người bị thương (Yên Bái: 9 người, Sơn La: 1 người, Thanh Hóa: 3 người, Nghệ An: 1 người).
Tại tỉnh Phú Thọ, mưa lũ đã “cuốn” trôi 1 cầu treo, đánh sập mố cầu Văn Luông. Theo đó cây cầu treo nối giữa các xã ở Văn Luông, huyện Tân Sơn với huyện Thanh Sơn bị hư hỏng hoàn toàn. Còn với cây cầu Văn Luông (xã Văn Luông, huyện Tân Sơn) bị sập ngay mố cầu bên địa phận xóm Bến Gạo. Sự việc xảy ra khoảng 10h sáng nay, rất may không gây thiệt hại về người.
Hiện chính quyền địa phương đã làm barie, bóng điện, máy phát điện và dùng lưới B40 chắn rào cách 50 - 70m để tránh người dân đến gần. Việc lưu thông của người dân đang gặp nhiều khó khăn. Xã Văn Luông có 8000 dân với gần 30km2 nhưng mỗi xóm hiện như 1 ốc đảo, mênh mông nước

Ảnh: Báo Phú Thọ

Trong phạm vi toàn tỉnh Phú Thọ, hiện tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn vẫn đang bị cô lập, nhiều nhà dân bị ngập hoàn toàn. Nước sông Bứa lên rất nhanh, gây tràn ngập một số tuyến đường, đê bao thuộc 4 xã: Quang Húc, Phương Thịnh, Tề Lễ, Hùng Đô của huyện Tam Nông. Một số khu dân cư của huyện bị chia cắt, 1 người ở khu 1 xã Tề Lễ bị lũ cuốn trôi, 830 hộ dân bị ngập nước từ 1 đến 3m phải di chuyển khẩn cấp, 1.230 hộ có nguy cơ bị ngập phải di chuyển, 150ha lúa và hoa mầu bị ngập úng, 250 ha thủy sản mất trắng hoàn toàn, 1 hộ dân xã Quang Húc bị tốc mái.

Tại huyện Cẩm Khê, toàn huyện có 158ha lúa, hơn 105ha ngô, rau màu bị ngập, 174ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản, 47ha cây trồng ven sông bị nhấn chìm; 60 nhà bị ngập, 21 nhà bị cô lập, 1 nhà bị đổ tường, hiện tại công tác di dời đã được triển khai đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Trên địa bàn thị xã Phú Thọ, huyện Yên Lập, huyện Thanh Ba, nước lũ vẫn đang lên gây ngập lụt, chia cắt nhiều xã, hư hỏng các tuyến giao thông.

Ảnh: Báo Yên Bái

Trong khi đó tại tỉnh Yên Bái, theo báo cáo của địa phương, tính đến 11h ngày 21/7, mưa lũ đã cô lập hoàn toàn 29 xã thuộc 5 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã có 29 người chết, mất tích và bị thương. 3.877 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 97 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 189 nhà bị hư hỏng từ 50 đến 70%; gần 3.591 nhà bị ngập nước, sạt lở taluy, tốc mái hư hỏng nhẹ. Về lúa và hoa màu, đã có hơn 1.915 ha bị hư hỏng, vùi lấp. Một số địa phương thiệt hại nặng như: Trấn Yên 930 ha, thành phố Yên Bái 500 ha, Văn Yên 289 ha, Văn Chấn 121 ha.
Hàng loạt tuyến giao thông bị ngập sâu, trong đó quốc lộ 32, 32C, 37; tỉnh lộ 174, 175, 175B, 163, 166, 172, 175 có nhiều điểm bị ngập sâu và sạt lở ta luy, giao thông bị ách tắc. Ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra đến nay ở Yên Bái khoảng 200 tỷ đồng.

Cầu Văn Luông bị nước lũ cuốn trôi. Clip: Ngô Xuân Thủy

* Tại tỉnh Hòa Bình, theo tổng hợp nhanh của Sở Giao thông vận tải, đến chiều 21/7, có 17 tuyến đường Trung ương và tỉnh quản lý bị tắc. Trong đó có 9 tuyến đường tỉnh gồm: ĐT.432, ĐT.433, ĐT.436, ĐT.439, ĐT.440, ĐT.446, ĐT.447, ĐT.448, ĐT.449); 8 tuyến đường Trung ương trên địa bàn tỉnh gồm: QL.6, QL.12B, đường Trường Sơn A (Bãi Lạng - Bãi Chạo), Trường Sơn A (Khăm - Chỉ), Trường Sơn A (Ve - Chám), tuyến X2, tuyến T (Khoang - Nội), tuyến C.

Các vị trí tắc trên đường Trung ương quản lý cụ thể như sau: Trên tuyến Quốc lộ 6: Tại Km 131+250 (khu vực ngã 3 Tòng Đậu), nước ngập sâu khoảng 0,5m từ 13h15 ngày 21/7, hiện tại đã cấm các xe con lưu thông qua lại. Tại Km88+500 (khu vực thị trấn Cao Phong): nước ngập sâu từ 0,2-0,4m, các phương tiện lưu thông qua lại khó khăn. Tại vị trí sạt lở Km151+740, tắc đường từ 07h00, đến 11h00 ngày 19/7/2018, hiện tại đã thông xe bằng đường tránh QL.6 cũ.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình thông tin thêm, thời tiết còn tiếp tục diễn biến mưa với cường độ lớn. Trong khi đất, đá đã ngậm nước, nguy cơ trượt sạt tắc đường là rất cao. Do đó khuyến cáo người tham gia giao thông cần đề cao cảnh giác, tuân thủ sự hướng dẫn của chính quyền và lực lượng chức năng để bảo đảm an toàn.

Trương Huyền

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ca-nuoc-tiep-tuc-mua-lon-nuoc-lu-lam-sap-cau-co-lap-hoan-toan-nhieu-dia-phuong-321313.html