Cả nước hân hoan đón Tết Tân Sửu '5K'

Giữa diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tại các địa phương, giao thừa năm nay lượng người ra đổ ra đường, đến các trung tâm vui chơi giải trí đã giảm mạnh, không còn cảnh chen chúc, gây tắc nghẽn giao thông. Người dân du xuân, vui chơi vẫn nêu cao tinh thần phòng chống dịch bệnh COVID – 19, chấp hành đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.

 Lần đầu tiên, TPHCM đón giao thừa trong hoàn cảnh đặc biệt với khung cảnh vắng vẻ, thanh bình... Ảnh TTXVN

Lần đầu tiên, TPHCM đón giao thừa trong hoàn cảnh đặc biệt với khung cảnh vắng vẻ, thanh bình... Ảnh TTXVN

TPHCM không tổ chức bắn pháo hoa trong đêm giao thừa để phòng dịch COVID-19 nhưng nhiều người dân vẫn tập trung về các tuyến đường trung tâm để chờ đón chào năm mới.

Trước đó, TPHCM đã quyết định hủy bắn pháo hoa tại 8 địa điểm trong đêm giao thừa để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Khu vực tập trung đông nhất là trước Nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ Nguyễn Huệ... Người dân đi đón giao thừa nhưng vẫn không quên đeo khẩu trang để phòng chống dịch bệnh.

Tối 30 Tết, có những tuyến đường gần như vắng bóng người. Lần đầu tiên, TPHCM đón giao thừa trong hoàn cảnh đặc biệt với khung cảnh vắng vẻ, thanh bình... Khu vực trung tâm thương mại Diamond Plaza (Quận 1), lượng người dân đổ về đây chờ đón giao thừa cũng giảm hẳn so với mọi năm.

Dù không được tham quan đường hoa Tết nhưng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhiều người dân vẫn đến đây vui chơi trong đêm cuối cùng của năm cũ. Các UBND quận, huyện thường xuyên nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm túc 5K của Bộ Y tế để phòng, chống dịch COVID-19 trong đêm giao thừa.

Tại Hà Nội, Chào đón năm mới Tân Sửu 2021, các không gian công cộng như vườn hoa, công viên, các tuyến đường Hà Nội được trang hoàng với nhiều loại hoa, cây cảnh, màu sắc rực rỡ; biểu tượng linh vật trâu vàng mang đến sự thích thú cho người dân vui xuân đón Tết. Người dân khi đi du xuân cần thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Sáng mùng 1 Tết, những đền, chùa nổi tiếng của Hà Nội thưa thớt ngày đầu năm. Người dân đi lễ đều đeo khẩu trang đầy đủ, một số người chọn cách khấn, vái từ xa.

Nhiều ngôi đền, chùa nổi tiếng như đền Voi Phục, đền Quán Thánh, chùa Hà, chùa Trấn Quốc, đền Bạch Mã... vắng vẻ tĩnh lặng.Thực hiện công tác phòng chống dịch, tất cả các đền, chùa đều trang bị nước rửa tay cho người dân. Đồng thời nhắc nhở người dân đeo khẩu trang trong suốt quá trình đi lễ.

Dù là mùng 1 Tết, đền, chùa tại Thủ đô vẫn vắng vẻ. Ảnh Báo Lao động

Trước thời khắc Giao thừa thiêng liêng, thành phố Cà Mau - thành phố cực Nam Tổ quốc đã lung linh trong những ánh đèn hoa.

Tuy vậy, do tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Cà Mau đã có chủ trương không tổ chức bắn pháo hoa và các chương trình nghệ thuật chào đón năm mới nên nhìn chung lượng người du xuân về các điểm vui chơi, giải trí có phần hạn chế hơn so với mọi năm… Người dân đều ý thức được, đây là một mùa xuân đặc biệt với "cái Tết 5K" để bình an bước vào năm mới với nhiều kỳ vọng mới, tốt đẹp hơn.

Tượng đài Cà Mau rực rỡ ánh đèn. Ảnh TTXVN

Tối 30 Tết Tân Sửu 2021, nhiều người dân trên địa bàn TP. Biên Hòa, Đồng Nai ra đường đón giao thừa, chào năm mới 2021. Tuy nhiên, so với đêm giao thừa các năm trước, giao thừa năm nay lượng người ra đổ ra đường, đến các trung tâm vui chơi giải trí đã giảm mạnh, không còn cảnh chen chúc, gây tắc nghẽn giao thông...

Nếu như đường hoa Nguyễn Văn Trị (P. Hòa Bình, TP.Biên Hòa) vào mỗi đêm giao thừa hàng năm thường đông kín người dọc suốt tuyến đường, thì năm nay không khí khác hẳn. Do tỉnh đã có thông báo hạn chế người dân ra đường để phòng chống dịch COVID-19 nên số lượng người dân đổ về đây đã giảm xuống chỉ còn khoảng 20% so với mọi năm. Người dân đến đón giao thừa ở tuyến đường hoa Nguyễn Văn Trị chủ yếu là các bạn trẻ, phần đông đều chấp hành đúng quy định phòng chống dịch, đeo khẩu trang y tế.

Đường Nguyễn Văn Trị khá thưa vắng trong đêm giao thừa. Ảnh Báo Đồng Nai

Một trong những nét văn hóa quen thuộc được người dân thực hiện trong đêm giao thừa là đi đến các đình chùa cầu chúc may mắn. Tuy nhiên, trong đêm giao thừa Tân Sửu 2021, không khí người dân đến các đình, chùa đều giảm hẳn. Tại Đình Tân Lân nằm trên đường Nguyễn Văn Trị, từ 8 giờ tối đến gần 12 giờ đêm, lượng người vào đình thắp nhang rất thưa thớt, không còn cảnh người chen lấn thắp nhang, khói nhang cũng bớt nghi ngút hơn so với những năm trước.

Mặc dù ngày 27/1, Quảng Ninh xuất hiện những ca bệnh COVID-19 đầu tiên trên địa bàn nhưng nhờ sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác, chung sức cùng chính quyền thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch của nhân dân nên tỉnh đã nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh. Nhờ vậy, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhân dân Quảng Ninh có thể yên tâm đón Tết trong trạng thái bình thường mới. Trong thời khắc giao thừa, nhân dân các địa phương đều hân hoan chào đón năm mới nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp chống dịch như: Tuân thủ khuyến cáo 5K, hạn chế ra khỏi nhà, tụ tập đông người.

Tại huyện Vân Đồn, do tiếp tục phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nên trong đêm giao thừa, mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân Tân Sửu 2021 trên địa bàn huyện Vân Đồn đã bị hủy bỏ. Thay vào đó, các đồng chí lãnh đạo huyện Vân Đồn đã chia thành nhiều đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, động viên tinh thần làm việc của các đơn vị tham gia trực Tết, như công an, quân đội, y tế, 2 chốt kiểm soát dịch tại cầu Vân Đồn 3, Trạm thu phí cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và các khu cách ly tập trung.

Các đơn vị tham gia trực trong đêm giao thừa duy trì, đảm bảo 100% quân số trực, trong đó tại 2 chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Vân Đồn đảm bảo trên 20 người trực, bao gồm công an, quân đội, dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên… kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào huyện.

Đề phòng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thay bằng tập trung đông người, ra đường đi lễ chùa trong đêm giao thừa, mọi người dân Vân Đồn đã ở nhà cùng nhau đoàn tụ, sum họp, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất đón chào năm mới 2021. Mọi người dân Vân Đồn ai cũng kỳ vọng, trong năm mới 2021 này, dịch bệnh COVID-19 sẽ sớm được dập tắt và nền kinh tế trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển và bứt phá; đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Là địa bàn giáp ranh với thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, những ngày qua, thị xã Đông Triều được coi là một trong những tâm dịch COVID-19. Sau hơn 10 ngày “chống dịch như chống giặc”, ngày 9/2, thị xã đã dừng giãn cách xã hội toàn thị xã và gỡ bỏ phong tỏa 9/14 xã, phường và tình hình dịch tại thị xã đã cơ bản được kiểm soát. Mục tiêu cao nhất của thị xã hiện nay là nhanh chóng khống chế dịch, giữ vững địa bàn an toàn, đảm bảo cho Nhân dân đón Tết trong trạng thái bình thường mới.

Giữa diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, khoảnh khắc đón Giao thừa vẫn diễn ra tưng bừng, rộn rã trên khắp mọi miền quê lúa Thái Bình.

Tại TP.Thái Bình, khác với mọi năm, năm nay do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên chương trình nhạc hội và bắn pháo hoa tạm dừng. Người dân cũng ý thức hơn trong việc phòng, chống dịch, hạn chế ra đường. Đêm chuyển giao năm cũ và năm mới, tiết trời se se lạnh, đường phố không quá tấp nập nhưng sắc xuân với cờ hoa rực rỡ, đèn trang trí vẫn lấp lánh dọc các tuyến phố. Không khí đón xuân đã lan tỏa vào từng con ngõ, trong mỗi ngôi nhà, sáng lên trong mắt của người già, trẻ nhỏ.

Để bảo đảm cho nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, thành phố đã huy động 13 xe ô tô tuyên truyền lưu động về công tác phòng, chống dịch, công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, quản lý, sử dụng pháo, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Lực lượng Quân đội, Công an huy động trên 300 cán bộ, chiến sĩ xuống đường. Công an thành phố duy trì 2 tổ tuần tra phòng chống tội phạm, 16 chốt phân luồng giao thông, 3 tổ phản ứng nhanh, 4 tổ tuần tra lưu động bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Duy trì hoạt động của 233 tổ tự quản, với gần 1.300 thành viên ở các thôn, tổ dân phố để thực hiện cắm chốt và tuần tra thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Để chào đón năm mới Tân Sửu 2021, nhiều người dân TP. Hải Phòng đã đổ ra khắp các đường phố, đặc biệt là khu Nhà hát lớn TP, khu Đồi Rồng (Đồ Sơn) để xem màn bắn pháo hoa và đón một năm mới với mong muốn nhiều điều tốt lành.

Tại khắp các con phố chính như Lạch Tray, Cầu Đất, Trần Hưng Đạo, khu Nhà hát lớn, tượng đài Nữ tướng Lê Chân... cho đến các quán cafe đều có đông người dân đi đón giao thừa, mong chờ một năm mới với nhiều điều tốt lành.

Trong đêm Giao thừa, tại những tuyến phố chính, không gian hội xuân, vui chơi dịp Tết trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế không còn đông đúc, nhộn nhịp như những năm trước.

Phần lớn người dân ở Cố đô Huế lựa chọn ở nhà để chào đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhằm đảm bảo an toàn khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Trong khi nhiều gia đình đang quây quần đoàn viên cũng nhau chào đón thời khắc Giao thừa thiêng liêng, thì nhiều lực lượng như công an, quân đội, đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế vẫn đang miệt mài làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhằm đảm bảo bình yên cho nhân dân, bảo vệ lãnh thổ biên giới của Tổ quốc.

Trần Tiệp (t/h)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/ca-nuoc-han-hoan-don-tet-tan-suu-5k/423044.vgp