Cả nước ghi nhận 50 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Số liệu thống kê đến ngày 27/10 cho thấy, trên cả nước có khoảng 200.000 ca mắc sốt xuất huyết, 50 trường hợp tử vong vì căn bệnh nguy hiểm này.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng Phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tính đến ngày 27/10, số liệu thống kê cho thấy trên cả nước có khoảng 200.000 ca mắc sốt xuất huyết, 50 trường hợp tử vong. Hiện 63 tỉnh, thành phố đều có bệnh nhân sốt xuất huyết, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Về công tác phòng chống sốt xuất huyết, ông Phạm Hùng cho rằng mặc dù ngành Y tế đã tuyên truyền rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền bằng rất nhiều hình thức, nhưng hiện nay người dân vẫn còn rất chủ quan đối với căn bệnh này.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Vi rút – Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu tháng 10 đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 bệnh nhân nhập viện vì mắc sốt xuất huyết. Năm 2019, đợt dịch sốt xuất huyết bắt đầu từ khoảng tháng 7, 8. Từ vài tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhân nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã cao hơn năm ngoái, tuy chưa bằng vụ dịch năm 2017 nhưng cũng là điều đáng báo động.

Chia sẻ về bệnh sốt xuất huyết, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng, bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn gồm giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Việc phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời nhằm cứu sống người bệnh. Nếu không được phát hiện và xử lý sớm có thể dẫn đến tử vong do xuất huyết.

Đặc biệt, Giáo sư Nguyễn Văn Kính lưu ý, sốt xuất huyết ở người lớn nguy hiểm nhất là gây tụt huyết áp và sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…

Do đó, khi người dân có các triệu chứng nghi ngờ bị sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Đặc biệt, người dân không được tự mua thuốc về điều trị bởi thuốc không được kê đơn theo phác đồ điều trị của bác sĩ sẽ rất nguy hiểm và khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện, thì việc điều trị sẽ phức tạp, khó cứu chữa.

Đối với trường hợp người bệnh bị sốt xuất huyết ở thể nhẹ được bác sĩ cho điều trị ngoại trú thì cần dùng thuốc theo đúng chỉ định, chăm sóc đúng cách và theo dõi bệnh cẩn thận và cần nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh làm việc và lao động nặng nhọc; ăn cháo loãng, súp, uống sữa giúp tiêu hóa tốt hơn. Đặc biệt, cần phải bù nước nhiều hơn bình thường, có thể sử dụng nước hoa quả, nước cam, nước oresol...

Các chuyên gia y tế cho rằng, trước thực tế chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc tự phòng bệnh để giảm nguy cơ bùng phát bệnh là diệt các ổ loăng quăng, bọ gậy. Nếu làm tốt, sẽ không có muỗi truyền bệnh, sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng. Dịch bệnh sẽ bùng phát nếu không có sự chung tay, vào cuộc của người dân.

Bởi vậy, để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, các chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp như đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước trong gia đình để muỗi không vào đẻ trứng, lật úp các dụng cụ không chứa nước, hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn…

Đồng thời, mỗi người dân cần chủ động phòng tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt, kể cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ca-nuoc-ghi-nhan-50-truong-hop-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-98888.html