Cả nước dàn trận chống COVID-19 lây lan cộng đồng

Thủ tướng lưu ý không được ngăn sông cấm chợ. Từng địa phương đều phải có kịch bản ứng phó như giai đoạn đầu chống dịch.

Sáng 29-7, chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan trong bối cảnh tình hình phức tạp.

Thủ tướng: Y tế các địa phương phải đáp ứng “hỏi đâu có đó”

Theo Thủ tướng, dịch lần này khác trước vì đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được ca F0, do đó tình hình phức tạp, diễn biến nhanh trong thời gian ngắn, nhiều nguy cơ lây nhiễm ở các địa phương, các thành phố lớn, các tỉnh, thành phố xung quanh TP Đà Nẵng.

Ngành y tế, tài chính và các địa phương cần đảm bảo năng lực cho hệ thống y tế, “hỏi đâu có đó”, nhất là phương tiện, công cụ trong xét nghiệm cũng như cán bộ có liên quan. Phải đẩy mạnh truy vết và cách ly nhanh. Các đơn vị quân đội, đặc biệt là Quân khu 5 cần tổ chức công tác cách ly cho người dân tại TP Đà Nẵng một cách tốt nhất.

Để nâng cao năng lực xét nghiệm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tăng cường thêm phương tiện, cán bộ có liên quan không chỉ cho Đà Nẵng mà các địa phương khác khi có yêu cầu.

Thủ tướng nêu rõ tùy hoàn cảnh cụ thể mà các địa phương áp dụng Chỉ thị 19 hoặc Chỉ thị 16 một cách kịp thời với các ổ dịch đã được phát hiện. đối với Đà Nẵng, Thủ tướng yêu cầu thực hiện triệt để Chỉ thị 16 trong phạm vi toàn TP. Thủ tướng lưu ý không được ngăn sông cấm chợ. Từng địa phương đều có kịch bản ứng phó như giai đoạn đầu chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý tốt biên giới, khởi tố điều tra vi phạm trong quản lý biên giới. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng tăng cường quản lý tốt các trung tâm cách ly mà mình đang quản lý. Những nơi tập trung đông người, đặc biệt phương tiện giao thông công cộng thì cần phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hay dung dịch diệt khuẩn… Những nơi có dịch bệnh không tổ chức các lễ hội lớn, kể cả vận động không tổ chức đám tang, đám cưới đông người...

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trả lời cụ thể về hai ca nhiễm COVID-19 mới ở TP.HCM. Ảnh: HL

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trả lời cụ thể về hai ca nhiễm COVID-19 mới ở TP.HCM. Ảnh: HL

TP.HCM: Người dân cần hợp tác để không phải cách ly toàn xã hội

Chiều 29-7, Sở Y tế TP.HCM phối hợp cùng Sở TT&TT đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 và công tác ứng phó của TP.

Tại cuộc họp báo, báo chí đã đặt câu hỏi liệu TP.HCM có phải tính đến giải pháp cách ly xã hội hay không, sau khi đã có hai ca nhiễm vừa mới được Bộ Y tế công bố.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho rằng đây là một trong những giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc vào mức độ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thế nào mới có thể quyết định.

“Không thể nói số lượng ca bao nhiêu là cách ly xã hội mà nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như không gian, thời gian nữa” - ông Dũng nói và cho rằng sẽ thực hiện cách ly xã hội khi có đầy đủ yếu tố khác ngoài yếu tố y tế.

Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ông Dũng cũng kêu gọi sự tự giác của chính người dân và cộng đồng. Ông cho rằng những người về từ Đà Nẵng chưa khai báo y tế cần tự giác khai báo với cơ quan y tế, người dân khi phát hiện cũng nên thông báo chính quyền. “Không bỏ sót những trường hợp người về từ Đà Nẵng” - ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, đến sáng nay đã có gần 6.000 người về từ Đà Nẵng được lấy mẫu xét nghiệm, 9.000 người đã khai báo y tế. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết có nhiều trường hợp khai báo không đúng, một người đi Đà Nẵng nhưng kéo theo cả nhà đi khai báo y tế. Ngoài ra, cũng có người về từ Đà Nẵng nhưng không khai báo.

Về năng lực xét nghiệm, ông Dũng cho biết có 13 đơn vị có khả năng làm xét nghiệm COVID-19. Tính riêng các bệnh viện có năm đơn vị có khả năng làm xét nghiệm.

Đồng tình với quan điểm này, PGS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng nếu cả hệ thống y tế sẵn sàng và đặc biệt người dân cùng tham gia phòng, chống dịch thì khả năng phải cách ly xã hội sẽ giảm đi.

Nâng cao cảnh giác để tránh trở tay không kịp

Cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân về vấn đề này. Khi tình hình xấu rồi thì sẽ trở tay không kịp, do đó không được chủ quan. Các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền một cách đầy đủ về các biện pháp phòng, chống dịch để đề cao cảnh giác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Hà Nội sẽ test COVID-19 với 21.000 người về từ Đà Nẵng

Chiều 29-7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của TP.

Ông Chung cho biết trên địa bàn đã có một ca dương tính với COVID-19 là bệnh nhân 23 tuổi ở Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm và một ca nghi nhiễm, 76 tuổi ở quận Tây Hồ.

Hiện TP đã rà soát được tổng cộng 21.000 người trở về từ Đà Nẵng từ ngày 8-7 đến nay. Trong số này có đến 87 trường hợp biểu hiện ho, sốt, khó thở (trừ hai trường hợp nhiễm và nghi nhiễm trên).

Trong những người có triệu chứng này, ngành y tế Hà Nội đã xét nghiệm được 6/87 trường hợp và đều cho kết quả âm tính với COVID-19.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) chuyển giao toàn bộ 80.000 mẫu xét nghiệm nhanh cho các quận, huyện, xã, phường để test nhanh, phát hiện người nhiễm COVID-19 cho những người trở về từ Đà Nẵng.

Cạnh đó, chủ tịch TP Hà Nội cũng yêu cầu các cấp, địa phương của TP kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch như thời gian cao điểm trước đây. Các đơn vị phải đảm bảo quân số trực 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

COVID-19 lan đến Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk, cả nước thêm 12 ca mới

Ngoài Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam, dịch COVID-19 đã xuất hiện trở lại tại TP Hà Nội và TP.HCM và mới nhất tại Đắk Lắk.

Chiều 29-7, Bộ Y tế công bố thêm bốn ca COVID-19 mới. Cụ thể:

Ca bệnh 447 (BN447): Bệnh nhân nam, 23 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội. Từ ngày 12 đến 15-7, bệnh nhân đi du lịch tại TP Đà Nẵng. Ngày 23-7, bệnh nhân bị sốt, ho, mệt. Ngày 25 đến 28-7, bệnh nhân tự cách ly ở nhà. Ngày 28-7, bệnh nhân đến khám và điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương, được lấy mẫu, kết quả ngày 29-7 dương tính với virus SARS-CoV-2.

Ca bệnh 448 (BN448): Bệnh nhân nữ, 21 tuổi, ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk. Từ ngày 22-6 đến 17-7, bệnh nhân thực tập tại BV Đà Nẵng. Ngày 20-7, bệnh nhân bị sốt, đau họng. Ngày 27-7, bệnh nhân điều trị tại BV đa khoa vùng Tây Nguyên. Ngày 28-7, bệnh nhân được lấy mẫu, kết quả ngày 29-7 dương tính với virus SARS-CoV-2.

Ca bệnh 449 (BN449): Bệnh nhân nam, 57 tuổi, quốc tịch Mỹ, sống ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Ngày 26-6, bệnh nhân sốt, ho, khó thở, đau mình và nhập viện BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng. Ngày 6 đến 20-7, bệnh nhân chuyển điều trị tại BV Đà Nẵng. Ngày 20-7, bệnh nhân chuyển đến BV Chợ Rẫy, TP.HCM. Ngày 21 đến 27-7, bệnh nhân chuyển đến BV Quốc tế City, TP.HCM.

Ca bệnh 450 (BN450): Bệnh nhân nữ, 46 tuổi, là người chăm sóc BN449. Ngày 26-7, bệnh nhân có triệu chứng sổ mũi, mỏi cơ, mệt mỏi.

Ngày 27-7, BN449 và BN450 được lấy mẫu gửi BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, kết quả ngày 28-7 dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ Y tế công bố tám ca COVID-19 mới. Tất cả ca nhiễm này đều là bệnh nhân và người chăm bệnh tại các BV ở Đà Nẵng.

Cụ thể: Ca bệnh 439 (BN439): Bệnh nhân nữ, 68 tuổi, là người nhà chăm bệnh nhân tại BV Đà Nẵng; Ca bệnh 440 (BN440): Bệnh nhân nữ, 41 tuổi, là người nhà chăm bệnh nhân tại BV Đà Nẵng; Ca bệnh 441 (BN441): Bệnh nhân nữ, 43 tuổi, là người nhà chăm bệnh nhân tại BV Đà Nẵng; Ca bệnh 442 (BN442): Bệnh nhân nữ, 55 tuổi, là người nhà chăm bệnh nhân tại BV Đà Nẵng; Ca bệnh 443 (BN443): Bệnh nhân nữ, 43 tuổi, là người nhà chăm bệnh nhân tại BV Đà Nẵng; Ca bệnh 444 (BN444): Bệnh nhân nam, 19 tuổi, là bệnh nhân tại BV Phổi Đà Nẵng; Ca bệnh 445 (BN445): Bệnh nhân nữ, 61 tuổi, là bệnh nhân tại Khoa mắt, BV C Đà Nẵng; Ca bệnh 446 (BN446): Bệnh nhân nữ, 39 tuổi, có địa chỉ tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, là bệnh nhân tại BV Giao thông vận tải, TP Đà Nẵng.

TÁ LÂM - HOÀNG LAN - TRỌNG PHÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/ca-nuoc-dan-tran-chong-covid19-lay-lan-cong-dong-927526.html