Cả nước cứ 8 giờ có 1 trẻ bị xâm hại tình dục

Theo thống kê của các cơ quan tố tụng, các vụ xâm hại tình dục trẻ em ở nước ta có xu hướng gia tăng khoảng 20% mỗi năm, cứ 8 giờ lại có một trẻ bị xâm hại tình dục.

Ngày 27-4, HĐND TP.HCM phối hợp cùng Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) đã tổ chức chương trình “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” với chủ đề “Xâm hại tình dục trẻ em – Thực trạng và giải pháp” và được phát thanh trực tiếp trên Kênh AM610Khz của VOH.

Bà Trần Hải Yến, Phó trưởng Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP.HCM thẳng thắn thừa nhận tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang gia tăng và rất nghiêm trọng. Bà Yến cho biết Thường trực HĐND TP.HCM đã chỉ đạo và giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện Luật trẻ em cũng như công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố.

Đồng thời cơ quan này cũng lắng nghe, trao đổi cùng các cơ quan chức năng và cử tri để tìm ra những giải pháp căng cơ để có thể bảo vệ trẻ em-đối tượng được pháp luật bảo vệ đặc biệt được tốt hơn.

Các khách mời tham gia buổi phát thanh trực tiếp.

Các khách mời tham gia buổi phát thanh trực tiếp.

Thực tế việc khởi tố và xử lý loại tội phạm quấy rối tình dục (QRTD) nói chung và QRTD trẻ em hiện gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Nhật Nam, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM chỉ ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như, thường không được bắt quả tang, không có người làm chứng, chỉ có lời khai ban đầu của người thực hiện hành vi phạm tội. Nhiều trường hợp người bị hại quá nhỏ hoặc nhận thức hạn chế về hành vi bị xâm hại; người bị hại bị đối tượng đe dọa nên không trình báo.

Ngoài ra là khó khăn về quan điểm đánh giá chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng còn khác nhau; chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể và đầy đủ về các loại tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục.

Cạnh đó việc trình báo chậm sự việc nên dấu vết chứng cứ vật chất thu thập được rất hạn chế, việc giám định chuyên môn còn không ít trở ngại nên không đủ căn cứ để buộc tội. Mặt khác, do người thực hiện hành vi phạm tội, người bị hại thay đổi lời khai theo hướng có lợi cho người phạm tội hoặc không hợp tác với các cơ quan điều tra.

Theo ông Nam khoảng 40 % vụ án bị tòa án trả hồ sơ vì không đủ bằng chứng hoặc chứng cứ pháp y. Số vụ án xâm hại tình dục do các cơ quan tố tụng tiến hành thụ lý thực tế không phản ánh đúng như hiện trạng của loại tội phạm này. Nhiều trường hợp, CQĐT đã khởi tố nhưng sau đó phải tạm đình chỉ vì không thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho biết đang phối hợp một cách chặt chẽ, nghiêm túc, trách nhiệm với Hội Liên hiệp phụ nữ, Sở Lao động thương binh và xã hội TP. HCM cùng các cơ quan chức năng để có thể tiếp nhận, xử lý các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em với quyết tâm đưa ra ánh sáng và phải trừng phạt nghiêm khắc loại tội phạm này. Bà Nữ cũng như các khách mời cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã hội cần lên án mạnh mẽ hơn nữa các hành vi QRTD, nhất là xâm hại tình dục trẻ em.

Theo các khách mời, thực tế không ít gia đình, bố mẹ trẻ bị xâm hại chọn cách im lặng, thỏa hiệp vì sợ người phạm tội đe dọa hoặc e ngại việc trình báo ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ sau này. Ngoài ra cũng có trường hợp vì hạn chế kiến thức về mặt pháp luật nên không ít gia đình để các vụ việc xâm hại “chìm xuồng”.

Rất nhiều câu chuyện về con, em trong gia đình của các thính giả bị xâm hại nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền xử lý rốt ráo được gửi đến chương trình. Các khách mời là lãnh đạo các của cơ quan có thẩm quyền cam kết sẽ chỉ đạo xác minh nếu sai sẽ xử lý nghiêm khắc các vụ việc mà thính giả “cầu cứu”.

Hơn 3 năm khởi tố 282 vụ án quấy rối tình dục

Theo thống kê của VKSND TP.HCM từ ngày 1-1-2016 đến ngày 31-3-2019 đã khởi tố 282 vụ án liên quan đến quấy rối tình dục nói chung và xâm hại trẻ em nói riêng. Các cơ quan chức năng đã giải quyết 270 vụ; trong số đó đình chỉ, tạm đình chỉ 101 vụ (chiếm tỉ lệ hơn 30 % số vụ án đã khởi tố). “BLHS cần sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định hành vi QRTD là một tội độc lập; cho phép cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đặc thù riêng để tiến hành thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội nguy hiểm này”- ông Nguyễn Nhật Nam, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM đề xuất.

MINH CHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/ca-nuoc-cu-8-gio-co-1-tre-bi-xam-hai-tinh-duc-830667.html