Cả nước có gần 5,9 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp

Sáng 19/9, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017, trong đó công bố thông tin cả nước có hơn 5,86 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp.

Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, kết quả cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2017 phác họa đầy đủ sự biến động, phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, số lượng lao động, cơ cấu ngành, vùng của nền kinh tế, đóng góp của từng ngành kinh tế cho sự phát triển của cả nước, từng địa phương qua 5 năm. Từ đó, làm cơ sở cho các ngành, các cấp rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin...

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm thông báo kết quả "Tổng điều tra kinh tế năm 2017"

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm thông báo kết quả "Tổng điều tra kinh tế năm 2017"

Theo đó, tính đến thời điểm 1/7/2017, cả nước có hơn 5,86 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tăng 13,7%, tương đương 0,7 triệu đơn vị và thu hút 26,9 triệu lao động, tăng 18,6%, tương đương 4,2 triệu lao động so với năm 2012. Bình quân mỗi năm tăng 2,6% về đơn vị, 3,5% về lao động.

Số lượng đơn vị và lao động trong khu vực kinh tế tăng nhanh hơn khu vực hành chính, sự nghiệp thể hiện xu hướng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2017, số đơn vị kinh tế tăng 13,9%, lao động tăng 19,9% so với năm 2012; bình quân mỗi năm số đơn vị kinh tế tăng 2,6%, lao động tăng 3,7%. Số đơn vị hành chính sự nghiệp năm 2017 tăng 2,3% và lao động tăng 11,3% so với năm 2012; bình quân mỗi năm tăng 0,4% về số đơn vị và 2,2% về lao động, trong đó các đơn vị hành chính tăng không đáng kể, chủ yếu là các đơn vị sự nghiệp

Doanh nghiệp có tốc độ tăng cao nhất cả về số lượng đơn vị và lao động, với gần 517,9 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 176,3 nghìn doanh nghiệp - tăng 51,6% so với năm 2012. Khối doanh nghiệp thu hút hơn 14 triệu lao động, tăng 28,2% so với năm 2012.

Đơn vị kinh tế tập thể hiện có 13,6 nghìn, giảm 0,1% về số lượng và giảm 15,6% về lao động so với năm 2012. Số lượng các hợp tác xã thuộc ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm chủ yếu với 51,1%, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 19,5%, dịch vụ chiếm 29,4%. Các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể có 5,1 triệu cơ sở với 8,7 triệu lao động, tăng 11,2% về số lượng cơ sở và 9,5% về lao động so với năm 2012.

Đơn vị hành chính, sự nghiệp phát triển theo hướng tăng nhanh khu vực sự nghiệp. So với năm 2012, số đơn vị hành chính, sự nghiệp tăng 2,3% và lao động tăng 11,3%. Trong khi, các đơn vị hành chính tăng nhẹ với 0,1% về số lượng và 5,8% về lao động thì các đơn vị sự nghiệp tăng khá hơn với mức tăng 2,4% về số đơn vị và 14,7% về lao động.

Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tiếp tục phát triển. Tại thời điểm 1/7/2017 cả nước có 42,7 nghìn cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, tăng 19,5%, với 140,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành và người trông coi làm việc thường xuyên tại các cơ sở này, tăng 7,9% so với năm 2012.

Theo vùng kinh tế, vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn là nơi tập trung đông nhất số đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp với trên 1,5 triệu đơn vị và thu hút 8,04 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 26,4% về số đơn vị và 29,9% về lao động. Tiếp theo vùng Đông Nam Bộ chiếm tỷ trọng 19,4% về số đơn vị và 27,9% về lao động. Vùng Đông Nam Bộ có quy mô lớn nhất cả nước về số doanh nghiệp với 216,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 41,7% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, thu hút 5,3 triệu lao động, chiếm 37,7%.

Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển nhanh, tính đến 1/7/2017, số lượng các đơn vị hoạt động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất tới 81,1% và cao hơn mức 78,7% của năm 2012.

Toàn cảnh họp báo công bố kết quả "Tổng điều tra kinh tế năm 2017"

Cũng theo kết quả cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017, độ tuổi và trình độ lao động hiện đang làm việc trong các đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp và tôn giáo tại thời điểm 1/7/2017 đã có sự thay đổi tích cực. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo giảm từ 34,7% năm 2012 giảm xuống còn 29,7% của năm 2017. Trong đó, tỷ lệ lao động có trình độ đại học tăng từ 17,9% năm 2012 lên 18,4% năm 2017. Khu vực hành chính, sự nghiệp: tỷ lệ lao động có trình độ đại học là 49,7%, trên đại học 7,2%.

Đối với khu vực doanh nghiệp, các ngành có lao động ở trình độ đại học và trên đại học chiếm trên 50% gồm: Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin truyền thông, giáo dục và đào tạo, hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ…

Trong các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, tỷ lệ lao động chưa được đào tạo còn khá cao chiếm 59,9% tổng số lao động của khu vực này và tỷ lệ này cũng đã giảm hơn so với các kỳ tổng điều tra trước đây (năm 2012 chiếm 67,2%, năm 2007 chiếm 85%).

Theo nhóm tuổi, lực lượng lao động từ 31 đến 45 tuổi chiếm tỷ trọng cao nhất với 42,7%, nhóm từ 30 tuổi trở xuống chiếm 35,2%. Trong khu vực doanh nghiệp, lao động chiếm tỷ trọng lớn nhất ở nhóm từ 16 đến 30 tuổi với 47,7%, đơn vị hành chính, sự nghiệp nhóm lao động có độ tuổi 31 đến 45 tuổi chiếm tỷ trọng cao nhất với 49,8%. Lao động của khu vực hợp tác xã và cá thể tập trung chủ yếu ở nhóm từ 31 đến 45 tuổi. Số lao động có độ tuổi trên 60 chiếm 2,8%, tăng hơn so với mức 0,5% của kỳ tổng điều tra 2012, chủ yếu làm việc ở các cơ sở tôn giáo và một số ở các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và hợp tác xã.

Tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của nền kinh tế hiện nay đó là: Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cá thể. Đồng thời, có giải pháp loại trừ nhũng nhiễu của các sở, ban ngành và cá nhân ở các cấp hành chính đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp…

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho hay, với tầm quan trọng và hiệu quả của doanh nghiệp FDI, Chính phủ cần khai thác cơ hội của CMCN 4.0, xu hướng chuyển dịch dòng vốn quốc tế, các hình thức đầu tư mới để tạo dựng tối đa lợi thế của Việt Nam chủ động thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, từ các nước nắm giữ công nghệ nguồn, có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao để đầu tư vào Việt Nam.

Chính Phủ cần có giải pháp kiểm soát và thu đúng thu đủ thuế của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt có giải pháp hữu hiệu chống kê khai lỗ, chuyển giá của các doanh nghiệp FDI

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, nền kinh tế đứng vững, phát triển thành công trong xu thế của cách mạng công nghiệp phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ lao động có trình độ, biết đổi mới sáng tạo, biết đưa ra ý tưởng mới. Vì vậy Chính phủ phải đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, trong đó tập trung đào tạo đội ngũ thực hành giỏi để đáp ứng nhu cầu lao động trong xu thế vận hành của cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là nhiệm vụ để thực hiện 3 khâu then chốt của nền kinh tế: đổi mới thể chế; xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Nguyễn Hoan

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ca-nuoc-co-gan-59-trieu-don-vi-kinh-te-hanh-chinh-su-nghiep-515273.html