Cả nước có 83,3% người DTTS tham gia lực lượng lao động

Theo Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam DTTS cao hơn nữ DTTS 7,8 điểm phần trăm, của khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị 12,9 điểm phần trăm.

Tính đến thời điểm ngày 01-4-2019, dân số của 53 DTTS là 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Sau 10 năm, từ năm 2009 đến năm 2019, quy mô dân số của 53 DTTS đã tăng gần 1,9 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 của 53DTTS là 1,42%, cao hơn tỷ lệ tăng bình quân của dân tộc Kinh (1,09%) và tỷ lệ tăng bình quân của cả nước (1,14%).

Trong tổng số 14,1 triệu người DTTS, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới, tương ứng là 50,1% so với 49,9%. Tỷ số giới tính của 53 DTTS là 100,4 nam/100 nữ, cao hơn tỷ số giới tính của cả nước (99,1 nam/100 nữ) và tỷ số giới tính của dân tộc Kinh (98,8 nam/100 nữ).

Có 8,03 triệu người DTTS từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động. Ảnh: TL

Có 8,03 triệu người DTTS từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động. Ảnh: TL

Tỷ lệ lực lượng lao động là người DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (viết gọn là CMKT) từ sơ cấp trở lên là 10,3%; thấp hơn 12,8 điểm phần trăm so với mức chung của cả nước (23,1%). Đây là hạn chế của lực lượng lao động là người DTTS trong việc tiếp cận thị trường lao động và nâng cao năng suất lao động tạo thu nhập.

Trong tổng số người có việc làm, lao động là người DTTS làm việc theo nhóm nghề “Lao động giản đơn” vẫn thu hút nhiều lao động DTTS nhất với tỷ lệ 68,6% và chủ yếu là lao động giản đơn trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản (92,2% lao động giản đơn làm việc trong khu vực này). Tuy nhiên, so với năm 2015, tỷ trọng lao động làm công việc giản đơn đã giảm 6,8 điểm phần trăm.

Số lao động “Tự làm” và “Lao động gia đình” chiếm khoảng ba phần tư tổng số lao động DTTS có việc làm; trong đó, “Lao động gia đình” không được trả công trả lương chiếm 38,8%. Người DTTS làm “Chủ cơ sở” chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,5%).Xem xét vị thế việc làm của các DTTS dưới 10.000 người cho thấy, đa số lao động có việc làm của các dân tộc này là “Lao động gia đình” không được trả lương, trả công và “Tự làm” - nhóm các công việc yếu thế, không ổn định và hầu hết không có bảo hiểm xã hội.

Minh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ca-nuoc-co-833-nguoi-dtts-tham-gia-luc-luong-lao-dong-200220.html