Cả nước có 42 khoa, trung tâm có thiết bị xạ trị bệnh ung thư

Xạ trị là một trong 3 phương pháp điều trị kinh điển (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị) và ngày càng tỏ rõ tầm quan trọng không thể thiếu trong điều trị bệnh ung thư.

Các bác sỹ xạ trị cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện K. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các bác sỹ xạ trị cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện K. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các bác sỹ xạ trị cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện K. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay trên cả nước đã có 42 khoa, trung tâm có thiết bị xạ trị với tổng số 75 máy xạ trị gia tốc các thế hệ.

Một số trung tâm lớn có thể triển khai các kỹ thuật xạ trị hiện đại như: Xạ trị theo hình khối u (3D-CRT), xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ trị hướng dẫn ảnh (IGRT), xạ trị điều biến theo thể tích hình cung (VMAT), xạ trị có kiểm soát theo nhịp thở (ABC), Gamma knife…

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Hội thảo quốc gia tiến bộ trong xạ trị ung thư, do Bệnh viện K và Hội Ung thư Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 27/11, tại Hà Nội.

Ông Thuấn cho hay từ cơ sở đầu tiên là Viện Curie Đông Dương (tiền thân của Bệnh viện K) được thành lập năm 1923, nơi nhà bác học Marie Curie từng đặt chân tới và mang những ống radium đầu tiên đặt tại nơi đây làm cơ sở điều trị phóng xạ ở Đông Dương, đến nay các cơ sở y tế đã triển khai phối hợp điều trị đa phương thức nhất là hóa xạ trị kết hợp trong nhiều loại bệnh ung thư với mục đích bảo tồn cơ quan, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh đồng thời tăng kiểm soát bệnh cũng như thời gian sống thêm sau điều trị.

Cùng với trang thiết bị, đội ngũ nhân lực trong công tác xạ trị ung thư ngày càng lớn mạnh và chuyên sâu, chuyên nghiệp với 226 bác sỹ xạ trị, 156 kỹ sư vật lý xạ trị và 266 kỹ thuật viên vận hành máy xạ trị trên cả nước đã cho thấy sự phát triển không ngừng của chuyên ngành xạ trị Việt Nam.

Giáo sư Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K phân tích ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Công tác phòng chống ung thư hiện nay vẫn là một thách thức lớn đối với nền y học trên thế giới, không những đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật chuyên môn hiện đại, cập nhật của các y bác sỹ mà còn đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân người bệnh, gia đình, sự hỗ tích cực từ xã hội, cộng đồng.

Xạ trị là một trong 3 phương pháp điều trị kinh điển (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị) ngày càng tỏ rõ tầm quan trọng không thể thiếu trong điều trị bệnh ung thư.

Theo giáo sư Quảng, ưu thế của xạ trị là gần như không có chống chỉ định và có thể áp dụng cho mọi giai đoạn bệnh, kể cả với mục đích điều trị triệt căn đến điều trị giảm nhẹ triệu chứng cho ung thư giai đoạn cuối. Hiện tại theo ước tính trong điều trị ung thư nói chung, xạ trị đóng góp khoảng 50%.

Đây cũng là hội thảo quốc gia đầu tiên về chuyên ngành xạ trị nhằm kết nối cán bộ y tế làm công tác xạ trị trong cả nước và các chuyên gia quốc tế về hội tụ nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cũng như cùng nhau cập nhật những kiến thức mới nhất về xạ trị của thế giới.

Hội thảo nhằm mục tiêu đưa ra đường lối và chiến lược phòng chống ung thư đồng thời tạo cơ hội học tập, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm một cách toàn diện trong lĩnh vực xạ trị ung thư: Cập nhật những tiến bộ về xạ trị ung thư, hóa xạ trị đồng thời, kiểm soát chất lượng công tác xạ trị, triển vọng và định hướng phát triển chuyên ngành xạ trị trong tương lai.”

Trước đó, trong khuôn khổ các chương trình hội thảo, ngày 26/11, Bệnh viện K đã tổ chức các chương trình đào tạo liên tục theo các chuyên đề: “Thực hành lập kế hoạch xạ trị Monaco dành cho bác sỹ xạ trị” về xạ trị ung thư vòm và ung thư hạ họng thanh quản; Quy trình và nguyên tắc lập kế hoạch xạ trị u nguyên bào thần kinh đệm đa hình.../.

Tiến sỹ Nguyễn Tiến Quang - Bí Thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản lý bệnh viện K nói về việc chuyển giao nhiều kỹ thuật xạ trị hiện đại cho cơ sở y tế tuyến dưới:

Thùy Giang (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ca-nuoc-co-42-khoa-trung-tam-co-thiet-bi-xa-tri-benh-ung-thu/679180.vnp