Ca nhiễm vượt 20 triệu, bao giờ thế giới đẩy lùi Covid-19?

Số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu hôm 10/8 đã vượt mốc 20 triệu, theo Reuters. Tổng giám đốc WHO nói rằng không bao giờ là quá muộn để đẩy lùi đại dịch.

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều chuyên gia lẫn người dân đau đầu với câu hỏi rằng liệu nhân loại có đang đẩy lùi đại dịch lịch sử của thế kỷ 21 hay không.

Gần 6 tháng đã trôi qua kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra thông báo về sự lây lan của chủng virus mới gây ra tình trạng báo động trên quy mô toàn cầu.

Cuối tháng 1, gần 10.000 ca nhiễm Covid-19 và hơn 200 ca tử vong đã được ghi nhận. Tất cả trường hợp dương tính với chủng virus mới đều nằm bên trong lãnh thổ Trung Quốc.

Kể từ thời điểm đó, cả thế giới chứng kiến sự chuyển biến to lớn ít ai tưởng tượng nổi. Nhìn lại quá trình chống dịch trên quy mô toàn cầu trong gần nửa năm qua, câu hỏi “liệu thế giới có đang thực sự đẩy lùi Covid-19 hay không” nhiều khả năng vẫn còn bỏ ngỏ.

 Đại dịch lịch sử của thế kỷ 21 đã cướp đi mạng sống của hơn 700.000 người. Ảnh: Pilar Olivares.

Đại dịch lịch sử của thế kỷ 21 đã cướp đi mạng sống của hơn 700.000 người. Ảnh: Pilar Olivares.

Đã có hơn 20 triệu ca dương tính với Covid-19 và đại dịch này đã tước đi sinh mạng của hơn 732.000 người tính đến ngày 10/8.

Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 10/8, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, gọi đây là những con số "đau đớn" và mất mát lớn của nhân loại.

"Nhưng không bao giờ là quá muộn để đẩy lùi đại dịch", ông Tedros trấn an. "Thông điệp là phải ngăn chặn, ngăn chặn và ngăn chặn".

“Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn đỉnh dịch, tình hình hết sức nghiêm trọng và căng thẳng”, tiến sĩ Margaret Harris thuộc WHO nói.

Nguyên tắc then chốt

Tác động của Covid-19 lên các khu vực trên thế giới rất khác nhau, do đó có thể khiến người ta hoàn toàn mù mờ về diễn biến dịch ở những nơi nằm bên ngoài biên giới quốc gia của mình.

Nhưng một nguyên tắc về đại dịch này có thể áp dụng với bất kỳ ai ở bất kỳ địa điểm nào: virus corona lây lan và phát triển với tốc độ chóng mặt khi những đối tượng nhiễm bệnh và chưa nhiễm bệnh tiếp xúc gần với nhau.

Nguyên tắc này đóng vai trò then chốt trong việc quyết định cách tiếp cận và phương hướng chống dịch mà các quốc gia áp dụng, cũng như sự thành bại của cuộc chiến chống lại chủng virus phức tạp đang gây ra những diễn biến ngày càng phức tạp trong thời gian gần đây.

Tiếp xúc trực tiếp giữa người bệnh và người chưa nhiễm là cách lây lan virus với tốc độ chóng mặt. Ảnh: Getty.

Chính nguyên tắc lây lan khi tiếp xúc gần này đang đẩy nhanh sự bùng phát dịch mất kiểm soát ở khu vực Mỹ Latin - tâm dịch mới của thế giới. Cơ chế lây truyền dịch này cũng đang khiến Hong Kong phải xét nghiệm rất nhiều người hay Hàn Quốc buộc phải giám sát tài khoản ngân hàng và điện thoại của người dân.

Trong khi đó, Australia và châu Âu đang phải chật vật giữa việc ngăn chặn làn sóng lây lan virus mới bùng phát và tránh phải tái áp dụng các quy định giãn cách xã hội để không làm ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống người dân và các hoạt động kinh tế.

“Chủng virus này đang lây lan khắp hành tinh, lây từ người sang người, ảnh hưởng lên toàn thế giới, như một hình thức nhắc nhở rằng chúng ta đều có mối liên hệ với nhau”, tiến sĩ Elisabetta Groppelli thuộc Đại học London nhận xét.

Chưa dừng lại ở đó, virus corona còn khiến các cơ quan quốc tế đau đầu vì đặc biệt khó truy dấu, gây ra nhiều triệu chứng nhẹ khiến bệnh nhân chủ quan song biến chứng đủ khủng khiếp để tước đi sinh mạng của người nhiễm phải. Các tác động của nó đủ lớn để đánh sập các hệ thống bệnh viện ở hầu hết quốc gia trên thế giới.

“Chủng virus này là mầm bệnh hoàn hảo để gây ra đại dịch trong thời đại hiện nay. Chúng ta đang sống trong thời đại của virus corona”, tiến sĩ Harris nhận định.

New Zealand lập kỳ tích với hơn 100 ngày không ca nhiễm cộng đồng

Trong số những quốc gia đã khống chế dịch thành công bằng việc hạn chế lây nhiễm virus từ người này sang người khác, New Zealand được chú ý nhiều nhất. Chính phủ nước này tiến hành chống dịch từ rất sớm: ngay từ khi số ca nhiễm vẫn còn rất ít, New Zealand đã đóng cửa biên giới và tiến hành cách ly xã hội, nhờ đó mà quốc gia này đã trải qua hơn 100 ngày mà không có ca nhiễm mới nào. Cuộc sống ở đây cơ bản đã trở lại bình thường.

Thực hiện đúng những nguyên tắc cơ bản song mấu chốt cũng là cách để giúp những quốc gia đang phát triển có thể đối phó với đại dịch.

New Zealand là môt trong những quốc gia cơ bản đã khống chế thành công đại dịch với hơn 100 ngày không có ca nhiễm mới. Ảnh: AFP.

Mông Cổ, quốc gia có biên giới dài nhất với Trung Quốc, nơi đại dịch bùng phát, đã chống dịch tương đối tốt, dẫu quốc gia này bị cho là sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch.

Mãi đến tháng 7, Mông Cổ mới ghi nhận trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-19 cần được chăm sóc y tế đặc biệt. Cho đến nay, nước này mới chỉ có 293 ca dương tính với virus và chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào.

“Mông Cổ đã chống dịch rất tốt mặc dù nguồn lực khá hạn chế. Họ đã tiến hành xác định các ca nhiễm, truy ra những người từng tiếp xúc với bệnh nhân và cách ly những trường hợp này”, giáo sư David Heymann thuộc Viện vệ sinh và y học nhiệt đới London cho biết.

Chính phủ nước này cũng nhanh chóng đóng cửa trường học, hạn chế các chuyến bay quốc tế và tuyên truyền rộng rãi việc đeo khẩu trang cũng như dùng nước rửa tay.

Mặt khác, giáo sư Heymann cho rằng những quốc gia “thiếu lãnh đạo chính trị” và “quan chức y tế không có chung tiếng nói với lãnh đạo chính trị” là môi trường lý tưởng để virus sinh trưởng.

"Cách ly xã hội chính là trạng thái bình thường mới"

Tuy nhiên, những quốc gia cơ bản đã khống chế được sự lây lan của virus đang dần nhận ra rằng đại dịch chưa hề kết thúc. Chỉ cần chủ quan và lơ là mất cảnh giác, làn sóng lây nhiễm mới sẽ lại bùng phát và cuộc sống còn lâu mới trở lại trạng thái bình thường.

“Các quốc gia đang phát hiện ra rằng gỡ bỏ lệnh phong tỏa thực chất lại khó hơn việc áp dụng khi dịch mới manh nha”, tiến sĩ Groppelli nói.

Australia là một trong số những nước đang lên kế hoạch gỡ bỏ quy định cách ly xã hội song tình trạng hiện nay lại không mấy khả quan: Victoria đang trải qua giai đoạn tồi tệ của đại dịch còn Melbourne đã tái áp dụng tình trạng giãn cách xã hội hồi đầu tháng 7, nhưng virus vẫn lây lan với tốc độ chóng mặt nên chính phủ thậm chí phải thắt chặt quy tắc an toàn còn nghiêm ngặt hơn cả những quy định được áp dụng trong khoảng thời gian trước đó.

Quang cảnh vắng vẻ vì tình trạng phong tỏa ở Australia. Ảnh: Reuters.

Châu Âu cũng đang dần nới lỏng tình trạng giãn cách xã hội, nhưng Tây Ban Nha, Pháp và Hy Lạp đều ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong tuần đầu tiên của tháng 8. Lần đầu tiên kể từ tháng 5, Đức có hơn 1.000 ca dương tính mới chỉ trong một ngày.

Đeo khẩu trang từng là một điều kỳ quặc ở châu Âu, nay lại trở nên phổ biến ở lục địa già. Thậm chí, một số khu nghỉ mát ven biển còn yêu cầu du khách đeo khẩu trang khi tham quan nghỉ dưỡng.

Lời cảnh báo gửi đến tất cả quốc gia trên thế giới: khống chế được dịch trong quá khứ không hề đảm bảo chống dịch thành công trong tương lai.

Hong Kong từng được đánh giá cao trong công tác dập tắt làn sóng lây nhiễm đầu tiên, nay đã trải qua tới ba đợt bùng phát khác nhau, chính quyền phải ban bố tình trạng phong tỏa trở lại.

Tưởng chừng đã chiến thắng đại dịch, Hong Kong nay lại lao đao vì những làn sóng tái bùng phát mới. Ảnh: AP.

“Mọi người vẫn chưa hiểu rằng cách ly xã hội chính là trạng thái bình thường mới mà chúng ta phải chấp nhận để sống chung với đại dịch”, tiến sĩ Harris nói.

Ẩn số châu Phi

Châu Phi đã ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm Covid-19, khiến tình hình chống dịch của lục địa này có vẻ đang trong trạng thái khá tệ, bất chấp các quốc gia châu Phi ban đầu đã khống chế sự lây nhiễm của virus tương đối tốt.

Thêm vào đó, do những hạn chế nhất định về nguồn lực, thống kê về số ca nhiễm và tử vong ở lục địa đen cũng không hoàn toàn phản ánh được bức tranh đại dịch thực tế đang diễn ra ở đây.

Tuy nhiên, tồn tại một câu hỏi vẫn còn đang bỏ ngỏ chưa lời giải về Covid-19 ở châu Phi: tại sao tỷ lệ tử vong vì đại dịch ở châu lục này thấp hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới?

Châu Phi đang chịu ảnh hưởng tương đối nặng nề bởi đại dịch. Ảnh: Anadolu Agency.

Một số cách lý giải đã được đưa ra, song vẫn cần những nghiên cứu cụ thể để đi đến kết luận về hiện tượng khó giải thích này:

- Các loại virus cùng họ corona có thể phổ biến ở châu Phi, giúp người dân ở đây hình thành kháng thể, do đó chống chọi với bệnh dịch tốt hơn.

- Người dân ở các quốc gia phát triển gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn, như bệnh tiểu đường hay béo phì có thể khiến tình trạng bệnh viêm phổi cấp nặng hơn, dẫn đến tử vong.

- Các quốc gia châu Phi đang dần phát triển và không hẳn là hoàn toàn lạc hậu như trước. Họ đã biết ứng dụng công nghệ trong phòng dịch và áp dụng các quy tắc đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, châu Phi gặp phải trở ngại tương tự với vấn đề về nước sạch ở những khu vực như Ấn Độ, Đông Nam Á hay các vùng lân cận đang làm đặt ra nhiều thách thức trong việc vệ sinh tay, ngăn ngừa virus.

“Nhiều người có nước sạch để rửa tay, nhưng nhiều người thì không”, tiến sĩ Groppelli nói. “Đây là một sự khác biệt không nhỏ, có thể chia thế giới làm hai nửa. Và vẫn còn đó dấu hỏi lớn về cách thế giới kiểm soát virus khi vaccine vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm”.

Ngôi sao MMA xoạc chân chặn nam hành khách không mang khẩu trang Võ sĩ nổi tiếng Alain Ngalani đã dùng chân xoạc ngang, để chặn không cho nam hành khách ngồi kế mình vì không mang khẩu trang chống dịch Covid-19.

Đại Hoàng
Theo BBC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ca-nhiem-vuot-20-trieu-bao-gio-the-gioi-day-lui-covid-19-post1118178.html