Ca nhiễm HIV đầu tiên trên thế giới được phát hiện vào năm nào?

HIV là viết tắt của 'Human immunodeficiency virus', một loại virus tấn công hệ miễn dịch. Virus này truyền từ người sang người qua các dịch cơ thể như máu, tinh trùng, dịch âm đạo…

Ca nhiễm HIV đầu tiên trên thế giới được phát hiện vào năm nào?

Ca nhiễm HIV đầu tiên được xác định vào năm 1959, từ mẫu máu của một người đàn ông ở vùng hiện tại là Kinshasa ở Cộng hòa Congo. Mẫu máu được phân tích và phát hiện ra virus HIV. Trước đó, nhiều trường hợp đã tử vong vì những bệnh bình thường cho thấy có thể HIV là nguyên nhân, nhưng đây là lần đầu tiên mẫu máu khẳng định bệnh nhân nhiễm loại virus này.

Từ đó, các nhà khoa học đã lập “cây phả hệ” cho thấy tuyến đường lây lan HIV trên thế giới và truy ra nơi phát sinh căn bệnh đáng sợ này. Nghiên cứu kết luận rằng những trường hợp đầu tiên trong đó SIV biến đổi thành HIV ở con người diễn ra trong khoảng năm 1920 ở Kinshasa, Congo. Đây cũng là khu vực có các dải HIV đa dạng về gen nhất thế giới, cho thấy những lần khác nhau SIV lây sang người. Nhiều ca bệnh AIDS đầu tiên cũng được ghi nhận ở đây.

Các khu vực quanh Kinshasa có nhiều đường giao thông. Đồng thời cũng là nơi có hoạt động mại dâm diễn ra mạnh mẽ vào thời điểm đó. HIV lây lan dần theo con đường di cư và mại dâm. Đến 1937, loại virus đáng sợ này đã tới Brazzaville cách Kinshasa 120 km về phía Tây.

Sự lây lan của virus HIV

Trong những năm 1960, HIV từ châu Phi đã sang Haiti và vùng Caribbean khi lượng người Haiti làm việc ở Congo vào thời điểm đó trở về quê hương. Từ Haiti, virus HIV đến Mỹ vào khoảng năm 1970 và lây lan ra các thành phố lớn. Đến những năm 1980, virus chết người này đã có mặt ở 5 châu lục trên thế giới.

Ban đầu, căn bệnh này chưa có tên chính thức. Đến tháng 9/1982, bệnh được đặt tên là AIDS. Năm 1983, các nhà nghiên cứu ở viện Pasteur (Pháp) mới tách và xác định được virus HIV. Với tên gọi ban đầu là Lymphadenopathy-Associated Virus (LAV); virus này được khẳng định là nguyên nhân gây bệnh AIDS. Các nhà khoa học ở Viện Ung thư quốc gia Mỹ cũng tìm ra cùng một loại virus và đặt tên là HTLV-III. Sau này, LAV và HTLV-III được công nhận là một. Còn tên gọi hiện hành của virus này là HIV.

Nhờ sự phát triển của y học, các bệnh nhân HIV hoàn toàn có thể duy trì sự sống trong hàng chục năm; và tiếp tục mong chờ một ngày nào đó sẽ có phương pháp chữa khỏi căn bệnh này hoàn toàn.

Người nhiễm HIV có thể sống lâu như người thường?

Năm 1987, loại thuốc kháng retrovirus đầu tiên điều trị HIV có tên Azidothymidine (AZT) được đưa vào sử dụng. Đến nay, nhiều loại thuốc được dùng kết hợp trong các liệu pháp kháng retrovirus và trị liệu kháng retrovirus hoạt tính cao. Chúng hoạt động trên cơ chế ngăn cản virus HIV nhân lên; cho hệ miễn dịch cơ hội phục hồi; và chống lại các viêm nhiễm và bệnh liên quan đến HIV. Các liệu pháp này giúp giảm nguy cơ truyền bệnh, trong đó có từ mẹ sang thai nhi.

Điều đáng ngạc nhiên là một số người có khả năng miễn dịch bẩm sinh với HIV; nhờ một đột biến trong gene CCR5. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm tiêm tế bào gốc có chứa gene CCR5 đột biến cho chuột nhiễm HIV. Kết quả cho thấy các tế bào này có khả năng chống lại và tiêu diệt virus. Đồng thời có thể nhân lên và tạo ra nguồn tế bào kháng HIV lâu dài. Quy trình này đang được tiến hành thử nghiệm trên người và mở ra hy vọng mới cho người nhiễm HIV.

Trung Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/video-ca-nhiem-hiv-dau-tien-tren-the-gioi-duoc-phat-hien-vao-nam-nao-16922101110595066.htm