Cả nam và nữ nhà báo cũng phải đối diện với nạn quấy rối tình dục

Một số nam, nữ nhà báo, phóng viên đã từng bị nguồn tin hay thậm chí cả những người trong tòa soạn quấy rối, sàm sỡ.

Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: An An

Thông tin trên được đưa ra tại buổi Tọa đàm Báo chí về đề tài bình đẳng giới do Học viện Báo chí và tuyên truyền, FoJo, Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển và Diễn đàn Nhà báo nữ Việt Nam tổ chức vào chiều 22.5 tại Hà Nội.

Thông qua phong trào Metoo, bức tranh về nạn quấy rối tình dục thể hiện khá đậm nét trên báo chí hiện nay. Phát biểu tham luận tại tọa đàm, bà Trần Lệ Thùy – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển, đồng sáng lập Diễn đàn nhà báo nữ chia sẻ nhiều câu chuyện nhức nhối: “Tôi đã được nghe rất nhiều tình huống, trong số đó có một nữ phóng viên phải bỏ việc ba lần vì nạn quấy rối trong tòa soạn. Một phóng viên của một tờ báo lớn kể rằng cô suýt bị nguồn tin là một người trả lời phỏng vấn cưỡng bức và từ đấy cô không bao giờ đồng ý đến khách sạn để phỏng vấn.

Nhiều phóng viên nữ lại cho rằng có người thăng tiến dễ dàng do có quan hệ không rõ ràng với sếp. Thậm chí có phóng viên nam phải bỏ chạy khi bị nguồn tin sàm sỡ. Oái ăm thay, một nam phó tổng biên tập nói rằng ông luôn phải mở cửa và mở rèm khi tiếp nhân viên nữ vì sợ mang “vạ”, bà Trần Lệ Thùy chia sẻ.

Theo FoJo, quấy rối tình dục là vấn đề quan ngại lớn đối với nhiều phóng viên nữ với 27% cho biết họ đã từng bị quấy rối. Mặc dù Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và phát triển cho rằng con số thực tế có thể cao hơn vì đây vẫn là vấn đề nhạy cảm, khó nói và do văn hóa Việt Nam khiến người ta ngại chia sẻ. Bên cạnh đó, có 2 phóng viên nam cho biết đã từng bị quấy rối tình dục.

Các nguồn tin cấp cao, đồng nghiệp hoặc cấp trên thường được xem là thủ phạm chính với các hành vi gạ gẫm, khiếm nhã cho tới sờ soạng, cưỡng bức. Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn khi phóng viên phải đi ăn với nguồn tin (kể cả phóng viên nam và nữ), nhằm duy trì mối quan hệ xã hội mà phóng viên đã thiết lập với nguồn tin và các vụ việc thường xảy ra trong hoặc sau quá trình ăn nhậu.

Bà Trần Lệ Thùy cho rằng cần có các chính sách bình đẳng giới, chống quấy rối, bảo vệ nhà báo bên trong và cả bên ngoài tòa soạn để hạn chế lực cản ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng công việc và sức khỏe tinh thần của nhà báo.

“Trong thời gian tới Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển và Diễn đàn Nhà báo nữ sẽ tích cực hỗ trợ các nhà báo trong việc tăng cường bình đẳng giới trong tòa soạn và hỗ trợ đưa thông tin báo chí có hiểu biết để phòng chống và giảm thiểu hậu quả các hành vi bạo lực, quấy rối đối với nhà báo”. – bà Thùy cho biết thêm.

An An - Bích Ngọc

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/ca-nam-va-nu-nha-bao-cung-phai-doi-dien-voi-nan-quay-roi-tinh-duc-608558.ldo