Ca mổ u não ở Việt Nam bằng robot thông minh

Chỉ trong 90 phút, khối u được lấy ra khỏi não của bệnh nhân với sự hỗ trợ của Robot Modus V Synaptive.

 Các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM tiến hành ca mổ u não cho bệnh nhân bằng Robot Modus V Synaptive. Đây là robot mổ não thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo, hiện đại trên thế giới. Trước đó, Thầy thuốc ưu tú, BSCKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, được ghi nhận là Kỷ lục gia châu Á sau ca mổ đầu tiên với robot này.

Các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM tiến hành ca mổ u não cho bệnh nhân bằng Robot Modus V Synaptive. Đây là robot mổ não thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo, hiện đại trên thế giới. Trước đó, Thầy thuốc ưu tú, BSCKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, được ghi nhận là Kỷ lục gia châu Á sau ca mổ đầu tiên với robot này.

Bệnh nhân Đặng Văn S., 49 tuổi, ở Ninh Thuận, nhập viện trong tình trạng động kinh, đau đầu, yếu liệt nửa người bên trái. Ông được chẩn đoán u ác tính ở não.

Sau xét nghiệm đủ điều kiện phẫu thuật, bệnh nhân được chụp MRI DTI để đánh giá sự tương quan giữa khối u với các bó dẫn truyền thần kinh. Trước một ngày, các bác sĩ thực hiện kế hoạch mổ với robot cho người bệnh này.

Đây là ca mổ thứ 21 được thực hiện với sự trợ giúp của Robot Modus V Synaptive. Ê-kíp ngoài bác sĩ Chu Tấn Sĩ còn có bác sĩ Trần Lương Anh, bác sĩ Phan Vân Đình tham gia phụ mổ. Bác sĩ gây mê Nguyễn Thị Lan Anh, kỹ thuật viên Nguyễn Mạnh Thảo Quyên, kỹ thuật viên dụng cụ Nguyễn Tấn Đức hỗ trợ vòng trong và Lê Phạm Uyên Kha hỗ trợ vòng ngoài.

“Bệnh nhân được gây mê nội khí quản tại phòng mổ. Một số ca phẫu thuật với Robot Modus V Synaptive có thể không cần gây mê, bệnh nhân vẫn có thể nói chuyện với y bác sĩ. Tuy nhiên, bệnh nhân S. được đánh giá không phù hợp mổ tỉnh. Gây mê là lựa chọn an toàn nhất”, bác sĩ Chu Tấn sĩ đánh giá.

"Trước khi bệnh nhân vào phòng mổ, kỹ thuật viên đã khởi động robot, điều chỉnh các thông số. Tôi ngồi vào ghế, bắt đầu kiểm tra một lượt tất cả dụng cụ mổ. Thật may vì tôi có ê-kíp tuyệt vời. Họ chuẩn bị rất chu đáo, đầy đủ, hầu như tôi không phải chờ đợi bất cứ dụng cụ nào khi cần thiết”, bác sĩ Sĩ nói.

Trước khi mổ, bác sĩ sẽ cho “đôi mắt robot” nhận diện những “đôi mắt phụ” của chúng đang được gắn lên dụng cụ phẫu thuật. Những thiết bị này thực chất là quả cầu nhựa được phủ lớp cản quang.

“Sau thao tác này, chỉ cần tôi rà cây bút có gắn “đôi mắt” đến đâu, “cánh tay robot” gắn camera phóng đại sẽ lần theo đến đó”, bác sĩ Sĩ vừa nói vừa hướng dẫn.

Cánh tay robot chứa chip điện từ thông minh, gồm kính hiển vi, camera điều khiển bởi giọng nói, tay chân phẫu thuật viên hoặc lập trình sẵn trước mổ. Cánh tay này sẽ đi theo bất cứ nơi vào có gắn “đôi mắt” mà nó đã nhận diện trước đó. Sau thao tác nhận điện dụng cụ mổ và định vị khu vực mổ, robot lúc này đã nắm được chắc chắn vị trí khối u, đường mổ thuận lợi nhất theo kế hoạch đã được vạch sẵn.

Bệnh nhân được che chắn lại toàn bộ vùng mắt trở xuống. Bác sĩ phẫu thuật chỉ nhìn thấy và thao tác mổ với vùng sọ trong phẫu trường với bán kính khoảng 4 cm. Một đường dao được rạch cẩn thận trên vùng da đầu. Hộp sọ được mở ra. Phẫu thuật viên tiếp tục rạch thêm đường dao để mở lớp màng não.

Kỹ thuật viên bên ngoài điều chỉnh độ phóng đại 50% trên màn hình từ “bụng robot”. Lúc này, phẫu thuật viên có thể nhìn thấy rõ từng mao mạch. Bác sĩ Sĩ cho biết trước đó, bác sĩ phải được đào tạo liên tục và thực hành trên xác nhiều lần mới có thể tiến hành thuần thục khả năng “tay phẫu thuật một nơi, mắt nhìn màn hình nơi khác ”.

Màn hình bên trái là hình ảnh mô phỏng phim MRI có vị trí khối u. Phần màu cam là khối u trong não. Phần được tô nhiều màu sắc là các bó sợi thần kinh. Nếu phẫu thuật viên can thiệp ngoài vùng khối u, chạm vào bó sợi thần kinh này, robot sẽ lập tức phát tín hiệu cảnh báo.

Tay trái bác sĩ cầm ống hút gắn bút định vị có đường kính 3 mm. Trong suốt cuộc mổ, những “đôi mắt định vị” này sẽ xác định ống hút đang ở vị trí nào của khối u, từ đó giúp người mổ điều chỉnh đường đi đúng hướng. Tay phải bác sĩ cầm dụng cụ mổ tích hợp thực hiện gắp, cắt khối u và cầm máu. Nếu u nhỏ, bác sĩ sẽ nhanh chóng gắp ra ngoài. Nếu kích thước to, khối u được cắt nhỏ và gắp ra lần lượt.

Một phần nhỏ của khối u được gắp ra ngoài.

Bác sĩ sẽ lấy hết toàn bộ khối u trong não người bệnh một cách nhanh chóng nhờ màn hình phóng đại có độ phân giải cao. Với sự hỗ trợ thông minh từ robot, bác sĩ sẽ thực hiện cuộc mổ theo lập trình có sẵn, từng mao mạch thần kinh, kể cả não người bệnh cũng hiện ra rõ ràng.

Sau khi hoàn tất, bác sĩ sẽ kiểm tra lại toàn bộ phẫu trường lần cuối để đảm bảo toàn bộ khối u đã được lấy ra, trước khi cầm máu và khâu lại màng não bằng chỉ tự tiêu. Bác sĩ sử dụng nẹp vít cố định nắp sọ trở lại vào trong hộp sọ người bệnh.

Thao tác cuối cùng là may lại da đầu và vệ sinh lại vùng đầu, tóc cho người bệnh trước khi băng đầu.

Sau phẫu thuật, các bác sĩ sẽ bàn giao bệnh nhân cho nhân viên phòng hồi sức. Tại đây, bệnh nhân được điều dưỡng chăm sóc toàn diện. Khi bệnh nhân tỉnh, có thể tự thở sẽ được, điều dưỡng sẽ rút ống thở. Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, phụ trách gây mê cho bệnh nhân - đánh giá bệnh nhân sẽ tỉnh lại trong khoảng 25-30 phút sau mổ.

Bác sĩ Sĩ cho biết nếu bệnh nhân được cho tỉnh sớm quá, não có thể bị phù. Thông thuờng, bệnh nhân có thể tỉnh lại chỉ trong thời gian ngắn sau mổ. Khối u sẽ được gửi xét nghiệm tế bào học để xác định lành tính hay ác tính.

Quỳnh Danh - Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ca-mo-u-nao-o-viet-nam-bang-robot-thong-minh-post1094414.html