Cà Mau: Xuất khẩu tôm 'vừa lo vừa mừng'

Cà Mau là một trong những tỉnh, thành phố có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước (khoảng 302 nghìn ha), với sản lượng tôm nuôi hàng năm đạt trên 300 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt gần 1,2 tỷ USD.

Năm 2019 sản lượng tôm nguyên liệu liên tục phát triển đã giúp ngành công nghiệp chế biến tôm của tỉnh tăng trưởng khá, góp phần phát triển chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,09% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hiện nay trước tình hình dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn đã khiến ngành xuất khẩu tôm Cà Mau gặp không ít khó khăn và thách thức.

Khó khăn vì dịch Covid -19

Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh tăng 6,09% so với cùng kỳ, sản lượng chế biến tôm ước đạt 157.419 tấn. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.168,1 triệu USD, đạt 97,34% kế hoạch. Trong đó, tôm chế biến ước đạt 1.115,24 triệu USD. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid -19 trong những ngày gần đây và những động thái của Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng, xuất khẩu thủy sản sẽ chịu những tác động tiêu cực.

Ông Trần Hoàng Em - Tổng thư ký Hội Chế biến thủy sản xuất khẩu (CASEP) tỉnh Cà Mau - cho biết: Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu trong toàn tỉnh đạt trên 1,15 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng khoảng 6-7%, tương đương hơn 102 triệu USD. Riêng tháng 1/2020, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 6,99 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng khiến cho việc xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn.

Năm 2020, ngành tôm Cà Mau sẽ có nhiều kỳ vọng xuất khẩu sang thị trường châu Âu

Năm 2020, ngành tôm Cà Mau sẽ có nhiều kỳ vọng xuất khẩu sang thị trường châu Âu

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Trong đó có nhiều doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn như Công ty TNHH Anh Khoa, Công ty Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Hòa Trung, Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Minh Cường, Công ty Cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Đoàn…

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương - ông Trần Văn Trung - Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa - cho biết: Công ty chủ yếu xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc (gần 99%), tuy nhiên trước tác động từ dịch Covid-19, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc thông quan sản phẩm đến thị trường Trung Quốc. “Từ Tết đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh hàng hóa của công ty không thể xuất sang thị trường Trung Quốc, lượng hàng hóa tồn đọng tại kho rất nhiều khiến công ty gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, mong Chính phủ cũng như các ban ngành tìm hiểu những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản”, ông Trung kiến nghị.

Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại Cà Mau, nếu dịch Covid -19 kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường Trung Quốc và lan sang các thị trường lân cận, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Nguy cơ bị hủy các đơn hàng do các nước thực hiện các biện pháp đi lại và đóng cửa kinh doanh sẽ gây khó khăn về tài chính, hàng hóa tồn kho đối với doanh nghiệp trong nước.

Tin vui từ EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020 sẽ tạo kỳ vọng cho con tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu nhiều hơn khi thuế giảm mạnh.

Thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu và thị trường châu Âu (EU) cũng sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12 - 20% xuống còn 0% ngay khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu ở Cà Mau đang tranh thủ nắm bắt cơ hội, lợi thế này để gia tăng kim ngạch xuất khẩu đối với ngành hàng tôm và một số ngành hàng chế biến xuất khẩu chủ lực khác của tỉnh.

Theo Sở Công Thương Cà Mau, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong tháng 1/2020 đạt kết quả khả quan, ước tính khoảng 60 triệu USD, đạt 5% kế hoạch, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 59 triệu USD, tăng 8% so cùng kỳ năm trước và chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, Trung Quốc, châu Âu và một số thị trường khác.

Ông Nguyễn Văn Đô - Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau - cho biết: Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của tình hình thế giới để tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu, trong đó có mặt hàng tôm. Bên cạnh đó, Sở sẽ có kế hoạch triển khai phổ biến, tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại, đầu tư (CPTPP, EVFTA, IPA,…) mang lại để tranh thủ mở rộng thị trường, hợp tác đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - đã yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị có liên quan theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 để kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để chủ động kế hoạch sản xuất, chế biến các mặt hàng phục vụ xuất khẩu. Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình giá cả thị trường, trong đó có giá cả tôm nguyên liệu.

Hoàng Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ca-mau-xuat-khau-tom-vua-lo-vua-mung-133165.html