Cà Mau: Thiếu trầm trọng lao động có tay nghề cao

Mỗi năm có đến 20.000 người đi lao động ngoài tỉnh, trên 35.000 người có nhu cầu việc làm nhưng tỉnh giải quyết rất hạn chế. Trong khi đó, nhiều ngành nghề rất cần LĐ có tay nghề cao nhưng tỉnh không đáp ứng được.

Công nhân kỹ thuật tại Cty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau hầu hết không có người Cà Mau do không đáp ứng nhu cầu về tay nghề

Bất cập này được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo về thực trạng và giải pháp lao động việc làm tại Cà Mau vừa tổ chức gần đây.

Theo Sở LĐTBXH Cà Mau, mỗi năm tỉnh giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 37.000 LĐ. Trong đó, xuất khẩu lao động khoảng 50 người, cung ứng lao động ngoài tỉnh khoảng 20.000 người. Thu nhập bình quân đầu người từ 1.142 USD năm 2005 tăng lên 1.695 USD năm 2016, bình quân tăng hằng năm trên 15%. Qua đó góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo từ 12,14% năm 2011 giảm còn 7,96% vào cuối năm 2016.

Hầu hết người có việc làm tại Cà Mau đều là lao động phổ thông (ảnh Nhật Hồ)

Tuy nhiên, tỷ lệ lao động giữa khu vực nông thôn và thành thị còn chênh lệch khá lớn. Lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp chiếm khoảng 58% trong tổng lực lượng lao động. Trong khi đó nhóm ngành nghề công nghiệp, xây dựng và thương mại chỉ chiếm 20–22%. Nhu cầu việc làm của người lao động hằng năm khoảng 35.000 người nhưng nhu cầu tuyển dụng trong tỉnh mỗi năm khoảng 10.000 người. Vì thế tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thất nghiệp chiếm đến 36%.

Dù vậy, tỉnh này tồn tại bất cập là: Dù thiếu trầm trọng LĐ có tay nghề cao nhưng lại quá thừa trình độ cử nhân. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm, hoặc tìm được việc làm nhưng chưa phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Khảo sát của Trường Đại học Bình Dương chi nhánh Cà Mau cho thấy, trong 296 sinh viên ra trường có đến 182 sinh viên làm việc chưa phù hợp với chuyên ngành đào tạo, chiếm đến 61%.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực lao động – việc làm để kết nối với các thành phố lớn thông tin chính xác về cung cầu lao động để có giải pháp đào tạo. Đồng thời sửa đổi cơ chế chính sách trong việc đào tạo nâng cao chất lượng lao động, phát triển thị trường lao động, nhất là thị trường xuất khẩu lao động; tạo mối liên kết hợp tác giữa cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp tuyển dụng lao động; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động để đảm bảo người lao động có việc làm ổn định, gắn bó dài lâu.

NHẬT HỒ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/ca-mau-thieu-tram-trong-lao-dong-co-tay-nghe-cao-577502.ldo