Cà Mau thấp thỏm lo sạt lở đường khi mùa mưa bão đến

Những cơn mưa đầu mùa có thể góp phần gây ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún đất trên địa bàn tỉnh Cà Mau, làm hư hỏng nhiều công trình, đường sá.

Vào đầu tháng 2/2020, tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) bị sụt lún nghiêm trọng, khiến giao thông qua khu vực rất khó khăn

Vào đầu tháng 2/2020, tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) bị sụt lún nghiêm trọng, khiến giao thông qua khu vực rất khó khăn

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, từ đầu mùa khô 2019-2020 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra gần 1.200 vị trí sụt lún, tổng chiều dài gần 30km, phổ biến trên địa bàn vùng ngọt tỉnh Cà Mau.

Sụt lún xảy ra trên nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như: Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (giai đoạn 1); Co Xáng - Cơi Năm – Đá; đường đê biển Tây, đường huyết mạch về các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc…

Trong 10 năm qua, Cà Mau đã mất gần 9.000ha đất rừng, có trên 16.000 hộ dân sinh sống ven biển và khoảng 129.000ha đất sản xuất nông nghiệp luôn trong tình trạng bị đe dọa trước nguy cơ vỡ đê.

Vừa qua, trong hội nghị bàn giải pháp khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn được tổ chức tại Cà Mau, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin thêm, nguyên nhân gây nên tình trạng sụt lún được xác định là do mất phản áp của nước vào thành bờ sông.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: đặc điểm địa chất yếu, một số công trình hạ tầng nằm gần bờ sông, gia tải lớn, lòng sông sâu... gây ra sạt lở, sụt lún.

“Tình trạng khai thác nước ngầm đã ảnh hưởng đến tình trạng sụt lún, nguồn nước ô nhiễm. Để giải quyết phần nào tình trạng trên, Cà Mau đã đề nghị Trung ương đầu tư hệ thống thủy lợi liên vùng một cách đồng bộ”, ông Sử cho hay.

Hiện trường vụ sạt lở đất trên tuyến Kênh 17 (xã Tam Giang, huyện Năm Căn, Cà Mau) vào tối 4/7 làm ảnh hưởng và thiệt hại 14 căn nhà của 10 hộ dân, ước tính tổng thiệt hại gần 1 tỷ đồng

Ông Sử nhận định, những năm qua, địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, nước biển dâng, hạn hán… Từ đó, đã gây ra tình trạng sụt lún, sạt lở đất ven sông, xói lở ven biển đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Năm Căn là một trong những huyện của tỉnh Cà Mau chịu nhiều thiệt hại do tình trạng sạt lở đất ven sông trong mùa mưa bão do đặc thù của người dân nơi đây là sinh sống tập trung ven sông, dọc theo các tuyến kênh, nên mức độ thiệt hại trong mùa mưa bão là rất lớn.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Năm Căn cho biết, cơ sở hạ tầng, nhất là nhà ở của người dân đa phần là nhà cấp 4 và nhà tạm, nên khi có bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy xảy ra thiệt hại là không tránh khỏi.

“Để chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão năm nay, đến thời điểm này có 8/8 xã, thị trấn trên địa bàn đã thành lập đội phản ứng nhanh trong phòng chống thiên tai với 350 thành viên”, ông Trung cho hay.

Theo nhận định của các chuyên gia, tình hình nắng hạn lâu ngày sẽ khiến cho nền đất tại các khu vực ven sông mất liên kết. Do đó, những cơn mưa đầu mùa có thể góp phần gây ra nhiều vụ sạt lở, sụt, lún đất trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đặc biệt là tại các tuyến đường bị sụt, lún nghiêm trọng thời gian qua.

Gia Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ca-mau-thap-thom-lo-sat-lo-duong-khi-mua-mua-bao-den-d471738.html