Cà Mau: Tập trung khắc phục những 'điểm đen' ô nhiễm

Những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều khu đô thị, cụm dân cư và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn ra ngày càng nghiêm trọng, khó kiểm soát. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Cà Mau đang gấp rút triển khai kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện môi trường sống cho nhân dân.

Ô nhiễm từ đất liền ra đảo

Thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) nằm ngay cửa sông tiếp giáp với biển, nhà cửa và cơ sở sản xuất chen chúc ven sông nên hầu như quanh năm, hai bên bờ sông lúc nào cũng tràn ngập rác thải, nhất là chất thải rắn khó phân hủy, như: Túi nhựa, thùng xốp... Trên bờ, nhiều bãi rác tự phát hình thành khắp nơi do địa phương thiếu phương tiện thu gom, khiến tình trạng ô nhiễm càng thêm trầm trọng.

Tuy nhiên, đó chỉ là “phần nổi” của câu chuyện ô nhiễm ở huyện Trần Văn Thời. Có mặt tại Cụm công nghiệp Sông Đốc (nằm trên địa bàn thị trấn Sông Đốc và một số xã lân cận), chúng tôi được nghe người dân thẳng thắn bày tỏ bức xúc. Ông Trần Hiền Lương, Tổ phó Tổ tự quản tài nguyên môi trường xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời) nói: “Người dân trong xã, nhất là ở ấp Trùm Thuật A chịu hết nổi rồi. Hầu như nhà nào cũng có người bị viêm xoang do hít phải khói, bụi cùng mùi hôi thối từ các cơ sở sản xuất của cụm công nghiệp”. Ông Nguyễn Hận (khóm 12, thị trấn Sông Đốc) than phiền: "Ở đây ngày hay đêm gì cũng vậy, chúng tôi không ai dám mở cửa nhà. Vì mở cửa là khói bụi xộc vào bám đầy vật dụng. Quần áo phơi ngoài sân cũng ám mùi hôi thối”. Ông Nguyễn Văn Hiếu, ấp Trùm Thuật A, kể: "Ngay cả nước mưa hứng từ mái nhà đổ xuống chúng tôi cũng không dám sử dụng vì bốc mùi tanh...".

Do nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều hộ dân ở đảo Hòn Chuối (khóm 1, thị trấn Sông Đốc) đã bỏ nghề nuôi cá trong bè lồng.

Theo báo cáo của UBND huyện Trần Văn Thời, Cụm công nghiệp Sông Đốc và khu vực tiếp giáp hiện có 12 cơ sở sản xuất công nghiệp (3 cơ sở chế biến thủy sản và 9 cơ sở sản xuất bột cá). Tình trạng ô nhiễm kéo dài và ngày càng trầm trọng là do hoạt động của các cơ sở này phát sinh nhiều bụi, khói, mùi hôi, không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở đều nằm ven sông nên khó kiểm soát việc xả thải. Mặc khác, do đặc điểm sản xuất bột cá với công nghệ lò hơi đốt trấu nên phát sinh nhiều bụi, khí thải.

Từ thị trấn Sông Đốc, chúng tôi quá giang tàu đánh cá của ngư dân vượt gần 48 hải lý ra đảo Hòn Chuối (khóm 1, thị trấn Sông Đốc). Ông Lê Văn Phương, Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản của khóm 1 than vãn: "Môi trường xuống cấp lắm, bằng chứng là cá bớp nuôi trong lồng bè trên đảo vừa qua bị chết rất nhiều do bệnh mù mắt và bệnh ngoài da. Theo kết quả kiểm tra ban đầu của ngành chức năng cho thấy nguồn nước quanh đảo bị ô nhiễm nặng".

Kiểm soát, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm

Hiện nay, ngoài Cụm công nghiệp Sông Đốc, UBND tỉnh Cà Mau xác định được một số khu vực trọng điểm về ô nhiễm là: Các tuyến sông trong nội ô TP Cà Mau, Khu công nghiệp Hòa Trung (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) cùng các khu dân cư tập trung trong nội ô TP Cà Mau và thị trấn Sông Đốc.

Tại các tuyến sông, nguyên nhân gây ô nhiễm là do tập trung đông nhà cửa, cơ sở sản xuất, hoạt động mua bán của các phương tiện giao thông thủy… đã phát sinh nguồn thải lớn vào sông, rạch, trong khi hầu hết các tuyến sông đều bị bồi lắng, khả năng thoát nước kém nên các chất gây ô nhiễm tích tụ ngày càng lớn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Chí Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau) cho biết: "Tại các khu, cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Phần lớn cơ sở sản xuất trên địa bàn mang tính nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp không đủ diện tích bố trí thu gom nước thải. Theo thống kê, đến nay, hầu hết các cơ sở đều chưa lắp đặt hệ thống thu gom, xử lý mùi hôi. Từ thực trạng đó, Chi cục Bảo vệ môi trường đang yêu cầu các cơ sở sản xuất đến hết năm 2018 phải xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống xử lý khí thải và mùi hôi. Chúng tôi cũng vận động các cơ sở lắp đặt camera giám sát, truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, quản lý, kiểm tra; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc xả thải của các cơ sở sản xuất trong phạm vi quản lý".

Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời khẳng định: "Từ tháng 5-2018, UBND huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành yêu cầu các cơ sở sản xuất phải đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn. Nếu đến hết năm 2018, cơ sở nào không có hệ thống xử lý nước thải theo quy định sẽ bị xem xét đình chỉ hoạt động".

Theo ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường đã được UBND tỉnh triển khai, giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, địa phương thực hiện nhằm tập trung giải quyết nhanh; kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần cải thiện môi trường sống, bảo vệ sản xuất, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ca-mau-tap-trung-khac-phuc-nhung-diem-den-o-nhiem-539369