Cà Mau tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, từ năm 2010 đến 2020, địa phương này đã thực hiện đào tạo trên 370 nghìn người với tổng kinh phí thực hiện trên 186 tỷ đồng.

Cùng với đó, Cà Mau cũng xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm và giai đoạn 05 năm, ngành nghề đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu của xã hội; ban hành danh mục nghề đào tạo và mức chi hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên.

Tỉnh cà Mau đã đạt mục tiêu đề ra về số lượng lao động nông thôn được đào tạo nghề và có việc làm sau học nghề, cụ thể trong giai đoạn 2010 - 2015, đạt 70% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 80% có việc làm sau học nghề; cùng với đó, từ kết quả thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, còn góp phần quan trọng thực hiện đạt 100% chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra (50%) và góp phần thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ lao động được đào tạo và có việc làm của 35/35 xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh Cà Mau.

Để chuẩn bị tốt cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của giai đoạn tiếp theo, tỉnh Cà Mau đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở kết quả điều tra và căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn mới,…để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn 5 năm và hằng năm, trong đó cần xác định cụ thể mục tiêu, chỉ tiêu đào tạo, dự kiến nguồn lực và phương án đào tạo.

Đồng thời, rà soát, sắp xếp hợp lý quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, vừa đảm bảo phát huy hiệu quả hoạt động, vừa đảm bảo năng lực đào tạo, trong đó có đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, chỉ đạo sử dụng, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo đã được đầu tư, trang bị; cũng như rà soát, tổng hợp, đề xuất tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết đào tạo, đồng thời bố trí đầy đủ đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên cơ hữu để đảm bảo năng lực đào tạo trong thời gian tới.

Cùng với đó, Cà Mau cũng chú trọng thực hiện xã hội hóa, nhất là huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách; liên kết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phục vụ cho công tác đào nghề cho lao động nông thôn.

 Tỉnh Cà Mau tiếp tục mở rộng các ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn. (Ảnh: K.V)

Tỉnh Cà Mau tiếp tục mở rộng các ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn. (Ảnh: K.V)

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh cho biết, thời gian qua, nhờ làm tốt công tác khảo sát nhu cầu lao động và căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có những bước phát triển mới, theo đó đã đào tạo những nghề phù hợp với từng địa phương, đảm bảo được khả năng giải quyết việc làm. Đó là những mô hình đào tạo như nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi cá nước ngọt, đan thủ công, may, thêu… mang lại nhiều hiệu quả.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động, Cà Mau đã chọn ra những khâu đột phá. Theo đó, đột phá trong chương trình và nội dung đào tạo, đột phá trong đội ngũ giảng viên, và đột phá trong việc đổi mới cơ sở vật chất cho đào tạo giảng dạy…

Cùng với đó, tỉnh Cà Mau cũng tiếp tục mở rộng ngành nghề, tăng số lượng và hiệu quả đào tạo theo yêu cầu sử dụng lao động của 3 trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề nhằm đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu đa dạng của xã hội; trong đó sẽ tập trung vào những ngành nghề trọng yếu như: điện tử, công nghệ thông tin, các ngành nghề dịch vụ chất lượng cao như du lịch, thương mại… để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao được tỉnh Cà Mau tập trung phát triển với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, bên cạnh đó là sự tham gia tích cực, có hiệu quả của toàn xã hội. Từng bước hình thành đội ngũ nguồn nhân lực có tay nghề tương xứng với yêu cầu vị trí công việc, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp.

Đồng thời, tỉnh Cà Mau còn tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao; trong đó định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên cơ sở nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của thị trường lao động, lấy tín nhiệm thị trường lao động đối với người học sau khi tốt nghiệp là tiêu chí để đánh giá uy tín, chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực có tay nghề cao; rà soát, xác định thế mạnh theo lĩnh vực ngành nghề đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực hiện phân công nhiệm vụ đào tạo theo từng lĩnh vực, ưu tiên các nghề trọng điểm cấp quốc gia, cấp khu vực, các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh./.

K.V

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/ca-mau-tap-trung-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-567230.html