Cà Mau tái cơ cấu nông nghiệp - Bài 1: Phát triển kinh tế dưới tán rừng

Rừng ngập mặn Cà Mau vốn có hệ sinh thái đa dạng. Đây là điều kiện tốt để người dân phát triển kinh tế. Trong những năm gần đây, người dân trồng rừng vốn không còn 'đơn điệu' với rừng, mà còn biết kết hợp rừng với phát triển gỗ, nuôi tôm hữu cơ, tôm sinh thái dưới tán rừng, sản xuất lúa hữu cơ đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu…

Làm nên biểu tượng “Con tôm ôm cây đước”

Rừng phòng hộ ngập mặn ven biển huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Rừng phòng hộ ngập mặn ven biển huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có hơn 70.000 ha rừng ngập mặn. Từ 6 năm trở về trước, người dân vùng rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau chỉ đơn thuần phát triển sinh kế từ việc nuôi thủy sản nhỏ lẻ để kiếm thêm thu nhập, chưa phát triển thành quy mô lớn như hiện nay.

Chính vùng đất Cà Mau với một hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, đa dạng, nhiều tổ chức quốc tế đã đến khảo sát, tìm hiểu để đưa vào những dự án phát triển rừng tự nhiên bền vững cho vùng đất Cà Mau. Vào năm 2013, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã thực hiện dự án MAM (Dự án phục hồi rừng ngập mặn, dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải) nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ dưới tán rừng, với tỷ lệ 60% diện tích rừng, 40% diện tích thả tôm, trên tổng diện tích 14.000 ha rừng.

Dự án này đã hướng dẫn người dân sinh sống trong khu vực rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau cách sản xuất tôm sinh thái, vừa nâng cao thu nhập, vừa giúp bảo vệ được hệ sinh thái dưới tán rừng. Cho đến nay, dự án MAM đã kết thúc và đạt kết quả khả quan, nhưng những người dân nơi đây vẫn tiếp tục hướng đi phát triển kinh tế bền vững này.

Đến với rừng ngập mặn Cà Mau, có thể thấy bạt ngàn, xanh mướt những cây đước, cây mắm với những bộ rễ tua tủa cắm sâu, cắm chặt vào đất.

Theo ông Lê Minh Tỵ, ngụ tại ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho biết, ngay trong rừng đước, nhiều hộ dân huyện Ngọc Hiển đã học tập cách đào vuông, thả tôm sú, phát triển kinh tế. Bằng cách nuôi tôm trong rừng ngập mặn, các hộ nuôi tôm chỉ mất chi phí mua tôm giống, hoặc tôm tự sinh sản, không mất chi phí thức ăn cho tôm.

Con tôm thường sống len lỏi trong rễ cây đước, bám vào rễ cây, ăn rong rêu, từ đó mà lớn lên. Chính vì vậy, con tôm được nuôi trong rừng đước sinh trưởng khỏe mạnh, ít dịch bệnh, lại an toàn cho người tiêu dung bởi hệ sinh thái rừng. Người dân Cà Mau hiện nay có biểu tượng “con tôm ôm cây đước” chính là muốn nói con tôm sạch, tôm sinh thái lớn một cách tự nhiên trong rừng đước.

Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã tích cực phát triển diện tích tôm hữu cơ, tôm sinh thái rừng lên 17.000 ha; trong đó, diện tích tôm sinh thái rừng có chứng nhận ASC (Chứng nhận của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản châu Âu) là 1.200 ha. Dự kiến, diện tích sản xuất tôm rừng sẽ phát triển lên 19.000 ha vào năm 2020, diện tích có chứng nhận ASC là 6.000 ha và phát triển lên 10.000 ha vào năm 2025, ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Phát triển rừng trồng hiệu quả đã góp phần giải quyết sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân U Minh Hạ. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung danh mục cây trồng cho rừng sản xuất tại Cà Mau để giúp cải thiện kinh tế cho người dân trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Cụ thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo công ty lâm nghiệp và các hộ gia đình đưa cây keo lai vào sản xuất tại rừng U Minh Hạ. Đối với tràm bản địa, các doanh nghiệp và hộ gia đình đã thực hiện chọn giống, lên liếp, chăm sóc…

Tính đến hết năm 2018, diện tích keo lai đạt 9.600 ha và tram bản địa đạt 9.400 ha. Hai loại cây này giúp chu kì kinh doanh rút ngắn từ 15 năm thu hoạch xuống còn 5 năm thu hoạch, hiệu quả sinh khối gấp từ 2 đến 3 lần, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng từ 70 triệu đồng/năm lên 180 triệu đồng/năm, ông Trần Văn Thức cho biết thêm.

Cây lúa hữu cơ “làm bạn” với rừng

Cùng với con tôm và rừng ngập mặn, tỉnh Cà Mau còn phát triển chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất rừng U Minh Hạ, tạo nên sản phẩm hữu cơ giá trị cao, vươn ra thị trường thế giới. UBND tỉnh Cà Mau đã kêu gọi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư chuyển đổi đất rừng thành đất sản xuất lúa hữu cơ, không phá vỡ hệ sinh thái rừng vốn có. Điển hình là nông trại lúa hữu cơ Viễn Phú, trên diện tích 320 ha tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú Organic and HealthyFood chia sẻ, cách đây 20 năm ông Khải đã đau đáu với nguyện vọng tạo ra sản phẩm hữu cơ cho người tiêu dùng. Vùng đất hoang sơ đầy năn, lác và lau sậy U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau đã được ông Khải lựa chọn, đầu tư sản xuất lúa hữu cơ.

Có thể nói, nông trại Viễn Phú là nông trại tiên phong của Việt Nam sản xuất lúa hữu cơ. Cũng từ đây, sản phẩm lúa hữu cơ Viễn Phú là sản phẩm hữu cơ đầu tiên của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, được thế giới biết đến kể từ năm 2014, bằng con đường xuất khẩu thông qua trung gian, với cơ chế đặc thù được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt riêng cho Viễn Phú.

Hiện nông trại Viễn Phú không chỉ sản xuất lúa hữu cơ, cung cấp cho thị trường thế giới, mà còn được cải tạo để sản xuất rau hữu cơ và thủy sản hữu cơ, mang lại giá trị kinh tế cao, an toàn cho người tiêu dùng. Những sản phẩm này hiện nay được người tiêu dùng trong nước ưu tiên lựa chọn vì sự an toàn cho sức khỏe, nguồn dinh dưỡng cao.

"Có thể nói, một góc rừng U Minh Hạ ngày xưa chỉ có năn và lau sậy, ngày nay đã trở thành nơi tạo ra những sản phẩm thực phẩm bổ ích cho sức khỏe người tiêu dùng, nhưng hệ sinh thái rừng lại không bị phá vỡ", ông Khải chia sẻ.

Cánh đồng lúa hữu cơ 80 ha tại xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau được doanh nghiệp liên kết bao tiêu. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Khi sản phẩm hữu cơ được người tiêu dùng đón nhận mạnh mẽ, người sản xuất có thêm động lực để đầu tư. Bán đảo Cà Mau nằm ở phía Nam của đồng bằng sông Cửu Long, các hoạt động sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện tự nhiên. Do đó, các kế hoạch chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cũng phải thích ứng với điều kiện tự nhiên này.

Trong thời gian gần đây, chính quyền địa phương huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cũng đã kêu gọi doanh nghiệp để thực hiện liên kết, triển khai sản xuất lúa hữu cơ tại các xã Trí Lực, Thới Bình và xã Tân Lộc Bắc, thay vì sản xuất lúa gạo thông thường như trước đây. Đây được xem là mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu lúa sạch Thới Bình.

Kể từ khi người dân Thới Bình bắt đầu áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ, sản phẩm tạo ra an toàn, chất lượng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Cũng từ đây, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo hữu cơ như Đại Dương Xanh đã tìm đến liên kết, thu mua, bao tiêu đầu ra với giá cao hơn giá thị trường.

Bài 2: Những mối liên kết chặt chẽ

Hồng Nhung - Thanh Trà - Thế Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/ca-mau-tai-co-cau-nong-nghiep-bai-1-phat-trien-kinh-te-duoi-tan-rung-20191127124003648.htm