Cà Mau sẽ trở thành trung tâm công nghiệp chế biến thủy sản

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, là tỉnh giàu tiềm năng về kinh tế biển và thủy sản, Cà Mau đang vượt qua nhiều thách thức về biến đổi khí hậu để khai thác hiệu quả thế mạnh, làm giàu từ kinh tế biển.

.

Thưa ông, lợi thế của tỉnh Cà Mau trong tương quan phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là gì?

Là một trụ trong “Tứ giác động lực” phát triển ĐBSCL, Cà Mau được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, lĩnh vực du lịch và Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm.

Thêm nữa, tỉnh có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển là 254 km, thuộc hành lang ven biển phía Đông của vùng biển Tây Nam bộ, lại nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, nhất là trong vùng vịnh Thái Lan, là những khu vực có trữ lượng dầu khí lớn, có tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch biển, đảo. Tất cả những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trên đã tạo cho Cà Mau những lợi thế so sánh không dễ có được trong tương quan phát triển kinh tế vùng.

Người dân Cà Mau cần cù, năng động, thân thiện, phóng khoáng, đậm khí chất miền Tây sẽ là một lực hút không nhỏ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khi đến vùng đất cực Nam của Tổ quốc.

Trong điều kiện khó khăn như sạt lở bờ biển, thiên tai diễn biến phức tạp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng năm 2019 của tỉnh Cà Mau ra sao?

Cà Mau là tỉnh cực Nam vùng ĐBSCL, chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, đặc biệt trong thời gian gần đây, tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông diễn ra trầm trọng. Nhờ sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan Trung ương; sự nỗ lực, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau 9 tháng của năm 2019 có chuyển biến tích cực và tiếp tục phát triển so với cùng kỳ.

Theo đó, sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp của tỉnh tiếp tục ổn định, tổng sản lượng thủy sản tăng 4,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 7,9%; sản lượng sản xuất của các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng đã thúc đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,9%; thu ngân sách tăng 21,5% và đạt 90,8% dự toán.

Chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng lên và thu hút được nhiều du khách đến tham quan (khách du lịch đến Cà Mau trong 3 quý năm 2019 đạt 1.157.423 lượt, tăng 15,4% so cùng kỳ, đạt 69,7% kế hoạch; tổng doanh thu đạt trên 1.860 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ, đạt 77% kế hoạch).

Điều gì khiến Cà Mau đạt được thành tích như trên, thưa ông?

Đạt được thành tích trên là do tỉnh đã quyết liệt tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tiếp tục đổi mới theo hướng bám sát nhiệm vụ, sát thực tiễn, kiểm tra thực chất hiệu quả từng nhiệm vụ cụ thể, đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên sâu sát địa phương, cơ sở, tăng cường đối thoại, trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; chủ động cung cấp thông tin, giải quyết dứt điểm những vấn đề dư luận xã hội quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý. Trong đó, tỉnh quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo thể chế và môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư, thực hiện hoàn thành 20/30 nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch đề ra.

Thời gian qua, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân được nâng lên; kết quả đánh giá mức độ hài lòng rất cao, đạt trên 88%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn đạt trên 99,6%... tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư.

Điểm nhấn để Cà Mau định hướng chiến lược phát triển bền vững, hiệu quả trong liên kết vùng là gì, thưa ông?

Cà Mau sẽ bám sát vào mục tiêu, đề án của Chính phủ về ưu tiên hàng đầu cho phát triển ĐBSCL, quy hoạch của tỉnh gắn chặt hữu cơ với quy hoạch vùng và cả nước , trong đó lấy con người làm trung tâm, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm cuộc sống ổn định cho người dân, bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của ĐBSCL.

Một trong nhiều mục tiêu nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh vùng ĐBSCL là Quy hoạch Tổng thể ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung phát triển các tiểu vùng bán đảo Cà Mau, bao gồm khu vực tỉnh Cà Mau và khu vực phía Nam tỉnh Kiên Giang là một mắt xích quan trọng trong tổng hòa mối liên kết vùng. Tại tiểu vùng này, sẽ tập trung phát triển công nghiệp năng lượng, hóa chất, công nghiệp dịch vụ dầu khí tại khu vực Khánh An, Năm Căn (Cà Mau); các trung tâm thương mại, dịch vụ tại TP. Cà Mau, Sông Đốc, Năm Căn. Hoàn thiện hệ thống thủy lợi. Mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp gắn với chế biến, xuất khẩu.

Phát triển lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng quốc gia Đất Mũi, U Minh Hạ, U Minh Thượng, du lịch sinh thái rừng ngập mặn. Khu vực hải đảo bao gồm các huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) và một số đảo của tỉnh Cà Mau.

Cà Mau định hướng phát triển nuôi trồng và đánh bắt hải sản, du lịch biển, tập trung ở khu vực, các đảo ven bờ Cà Mau, Hà Tiên. Đầu tư mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ cho các đảo gắn với các khu neo đậu trú bão. Hoàn thành công tác quy hoạch, triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Năm Căn. Thu hút đầu tư, phát triển Khu kinh tế Năm Căn gắn với Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, cảng Năm Căn, cụm công nghiệp đóng tàu - Khu công nghiệp Năm Căn và Khu du quốc gia Mũi Cà Mau…

Tỉnh Cà Mau đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến thủy sản; song song đó, phát triển ngành hóa chất, phân bón và năng lượng tái tạo, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp vùng.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ca-mau-se-tro-thanh-trung-tam-cong-nghiep-che-bien-thuy-san-d112039.html