Cà Mau: Phát triển sản xuất lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

Mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” được triển khai tại 2 xã của huyện Thới Bình và thành phố Cà Mau đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

Mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” tại xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình

Mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” được triển khai tại ấp 9, xã Tân Lộc Bắc và ấp Tân Thuộc, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau. Quy mô sản xuất ở 02 địa điểm là 05 ha, với 10 hộ dân tham gia. Giống lúa và phân bón thực hiện mô hình do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền hỗ trợ 100%.

Khi thực hiện mô hình này, nông dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận, có chất lượng tốt, phù hợp với yêu cầu xuất khẩu. Giảm lượng giống gieo sạ theo tập quán hiện tại của nông dân từ 150 – 170 kg/ha xuống gieo sạ còn 80 kg/ha. Đồng thời, thực hiện công thức bón phân cân đối, sử dụng phân bón NPK lót đầu vụ và phân bón chuyên dùng trên lúa theo công thức phân bón của Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền. Áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất và biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất cây lúa.

Trong mô hình nông dân được cung cấp phân chuyên dùng bón lót Đầu Trâu Mặn – Phèn, giúp cây nâng cao pH đất, giảm phèn nên rễ lúa phát triển tốt. Công thức phân sử dụng trong mô hình có hàm lượng dinh dưỡng cân đối, phù hợp với vụ lúa hè thu tại Cà Mau, do đất có thời gian nghỉ kéo dài, cày ải phơi đất giúp cây lúa hấp thu các chất dinh dưỡng có trong đất tốt hơn. Hàng tuần, cán bộ kỹ thuật chỉ đạo mô hình còn trực tiếp xuống đồng ruộng thăm đồng cho nông dân theo từng thời kỳ phát triển của cây lúa, trao đổi thảo luận tại đồng ruộng giúp nông dân nhận biết và nắm rõ tình hình, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.

Nông dân thực hiện mô hình được tập huấn ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật từ khâu làm đất, sử dụng giống lúa, lượng giống và quy trình ngâm ủ giống; cách sử dụng dụng cụ đo độ mặn và pH, quản lý dịch hại tổng hợp và sử dụng thuốc khi cần thuốc theo đúng nguyên tắc; đồng thời, bón phân cân đối theo nhu cầu cây lúa, ứng dụng đúng quy trình sử dụng phân bón chuyên dùng trên lúa; đặc biệt là việc bón lót phân Đầu trâu Phèn mặn, nên giảm ngộ độc phèn giai đoạn đầu trên ruộng lúa.

Lúa trong mô hình lá có màu xanh bền, lá thẳng đứng

Các hộ dân thực hiện mô hình này đều cho rằng, sản xuất theo mô hình này cây lúa phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, lá lúa có màu xanh bền, lá thẳng đứng, cứng cây, ít sâu bệnh gây hạ, chi phí thấp, năng suất vượt trội. Năng suất trung bình của ruộng trong mô hình ước đạt từ 5,5 – 7,6 tấn/ha, trong khi đó năng suất bình quân của ruộng lúa truyền thống khoảng 5,3 tấn/ha. Giá thành sản xuất của mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu chỉ có 1.428 đồng/kg, giảm 911 đồng/kg so với sản xuất truyền thống. Lợi nhuận trong mô hình đạt trên 24,6 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất truyền thống khoảng 11 triệu đồng/ha.

Triển khai mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu” không chỉ góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, ổn định đời sống kinh tế, mà còn hướng dẫn cho nông dân các biện pháp kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả, các giải pháp canh tác thông minh, giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính, đảm bảo cho việc phát triển bền vững các loại cây trồng vật nuôi khác trên cùng diện tích, bảo vệ được sức khỏe cho người sản xuất. Đồng thời, góp phần tăng sự liên kết của các hộ sản xuất trong vùng, từng bước tiến tới hợp tác sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường, giúp cho người nông dân an tâm sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

CTTĐTCM

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/ca-mau-phat-trien-san-xuat-lua-thong-minh-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau/