Cà Mau long trọng tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương

Sáng 14/4 (mùng 10/3 âm lịch), tại khu di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền thờ Vua Hùng (ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân huyện Thới Bình long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Lễ Giỗ tổ Hùng Vương với ý nghĩa nhằm tôn vinh công đức Quốc tổ Hùng Vương, các bậc tiền nhân đã có công dựng nên bờ cõi và các anh hùng dân tộc đã có công dựng nước. Đây là hoạt động thường xuyên của nhân dân tỉnh Cà Mau trong nhiều năm nay.

Thông qua lễ hội này nhằm tuyên truyền, giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam nói chung, huyện Thới Bình nói riêng; cổ vũ các tầng lớp nhân dân trong huyện hướng về cội nguồn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc...

Đền thờ Vua Hùng (ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau).

Đền thờ Vua Hùng (ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau).

Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, ngay từ sáng sớm, rất đông người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau và các tỉnh lân cận đã tụ hội về đền thờ Vua Hùng (ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) để thắp hương, dâng hoa tươi tưởng nhớ công ơn các vị Vua Hùng.

Rất đông người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau và các tỉnh lân cận đã tụ hội về đền thờ Vua Hùng.

Ông Trịnh Tài Nhiều (83 tuổi, thành viên ban Quản lý di tích đền thờ Hùng Vương) cho biết, hàng năm, cứ vào ngày 10/3 âm lịch, các cấp chính quyền cùng bà con địa phương lại tụ họp về đền thờ Vua Hùng để dâng hương nhằm tỏ lòng tri ân và tưởng nhớ đến cội nguồn; tưởng nhớ tổ tiên ta đã dựng xây nên sự nghiệp, cơ đồ ngày nay.

Tiết mục văn nghệ chào mừng lễ Giỗ tổ Hùng Vương.

“Chúng tôi thờ cúng các Vua Hùng nhằm thể hiện tinh thần ‘uống nước nhớ nguồn’, ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’. Để cho đời đời con cháu giữ gìn và noi theo nét đẹp văn hóa dân tộc của người Việt Nam…”, ông Nhiều chia sẻ.

Thế hệ học sinh xếp hàng chuẩn bị thấp hương ghi nhớ công ơn các vị Vua Hùng.

Theo ông Nhiều, năm nào cũng vậy, vật phẩm dâng lên các vị Vua Hùng là những lễ vật dân dã do bà con địa phương tự làm ra như: Bánh chưng, bánh dày, mâm ngũ quả, hoa tươi,…Bà con nơi đây luôn ý thức về cội nguồn của mình.

Đay cũng là dịp để cổ vũ các tầng lớp nhân dân trong huyện Thới Bình hướng về cội nguồn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc...

Theo chia sẻ của các cụ cao niên, đền thờ Hùng Vương đã tồn tại hơn 150 năm nay. Trước đây, đền này được làm bằng cây, lá tạm bợ, qua các cuộc chiến tranh nhiều lần bị tàn phá nhưng vẫn được người dân tu sửa. Vào năm 2006, người dân địa phương đã đứng ra quyên góp, cùng sự giúp sức của các mạnh thường quân và chính quyền địa phương đền thờ Hùng Vương mới được xây dựng cơ bản như ngày hôm nay.

Việt Tâm

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ca-mau-long-trong-to-chuc-le-gio-to-hung-vuong-a429880.html