Cà Mau: Giải bài toán hạ tầng giao thông để phát triển du lịch

Vấn đề liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Cà Mau với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh nằm trên tuyến đường hành lang ven biển phía Nam của Thái Lan, Campuchia là rất quan trọng.

Cột cờ Hà Nội trên quê hương Đất Mũi Cà Mau sẽ là điểm nhấn quan trọng thúc đẩy ngành du lịch của địa phương phát triển trong thời gian tới. (Ảnh: Thế Anh-TTXVN)

Cột cờ Hà Nội trên quê hương Đất Mũi Cà Mau sẽ là điểm nhấn quan trọng thúc đẩy ngành du lịch của địa phương phát triển trong thời gian tới. (Ảnh: Thế Anh-TTXVN)

Nằm ở địa đầu cực Nam Tổ quốc và nằm trên tuyến đường hành lang phát triển kinh tế phía Nam của chương trình hợp tác phát triển vùng Mekong mở rộng, Cà Mau có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á. Do vậy, hợp tác và hội nhập là chiến lược rất quan trọng đối với du lịch Cà Mau.

Tỉnh đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách mời gọi, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch. Hàng loạt công trình du lịch mang nhiều ý nghĩa vừa được đầu tư xây dựng như Mũi Cà Mau với điểm cuối đường Hồ Chí Minh, Cột cờ Mũi Cà Mau, Đền thờ Lạc Long Quân, tượng Mẹ...

Giải bài toán kết nối giao thông

Đứng trước xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa với hội nhập quốc tế, du lịch địa phương muốn phát triển cần phải tiếp thu và chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Do đó, vấn đề liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Cà Mau với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh nằm trên tuyến đường hành lang ven biển phía Nam của Thái Lan, Campuchia là hết sức quan trọng.

Việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch, hình thành các tour du lịch trải nghiệm, cải thiện nâng cao sản phẩm du lịch, thu hút các doanh nghiệp lữ hành và đầu tư xây dựng nhiều khách sạn lưu trú hạng sao đạt tiêu chuẩn quốc tế... đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về lĩnh vực phát triển du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn gặp rất nhiều hạn chế về mặt giao thông.

''Người Thái chúng tôi rất thích tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái và để thưởng thức ẩm thực đặc trưng của Cà Mau, đặc biệt là cua Cà Mau, tôm Cà Mau. Du lịch Cà Mau vẫn chưa thu hút được khách du lịch quốc tế vì hạ tầng giao thông chưa phát triển. Ví dụ như tôi muốn đến Cà Mau phải bay từ Thái Lan đến Thành phố Hồ Chí Minh sau đó ngồi xe nhiều giờ mới đến được Cà Mau, mất thời gian và tốn kém nhiều chi phí'', ông Peerapol Triyakasem, Chủ tịch Công ty Du lịch Virgo Solution, Thái Lan chia sẻ.

Đề xuất giải pháp thu hút du khách nước ngoài đến Cà Mau, ông Peerapol Triyakasem cho rằng, Cà Mau cần quan tâm phát triển, kết nối đồng bộ về giao thông đường bộ, đường hàng hải và đường hàng không. Đặc biệt là phát triển du lịch hàng hải vì chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều so với du lịch hàng không.

Là tỉnh có nhiều cảng cá, cửa biển được xem là lợi thế lớn, tỉnh cần đầu tư nâng cấp phát triển thành những điểm du lịch hấp dẫn mang tầm quốc tế và để kết nối du lịch giữa Cà Mau, Thái Lan và Campuchia...; trong đó cảng cá Sông Đốc phát triển mạnh nghề khai thác thủy sản cũng sẽ là điểm đến tham quan, trải nghiệm lý tưởng của du khách quốc tế.

Theo ông Peerapol Triyakasem, nếu ngành du lịch Cà Mau và Thái Lan hợp tác, kết nối du lịch hàng hải sẽ tạo điểm nhấn, bước tiến quan trọng để phát triển du lịch của Cà Mau trong thời gian tới. Ý tưởng này không chỉ góp phần vào phát triển du lịch của tỉnh Cà Mau mà còn cho cả Đồng bằng sông Cửu Long.

Bàn vấn đề này, ông Phan Đình Huệ, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, Chuyên gia tư vấn phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, định hướng đến năm 2025, Cà Mau hợp tác với các hãng tàu mở tuyến nối Phú Quốc-Campuchia và Thái Lan; sau năm 2025 sẽ tiếp tục mở tác tuyến đi các nước khác trong khu vực.

Đến thời điểm này, Cà Mau quan tâm đẩy mạnh kết nối phát triển du lịch với các tỉnh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương có Chương trình ký kết với hợp tác với Cà Mau như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một tỉnh quốc tế như tỉnh Trat (Thái Lan), tỉnh Khăm Muộn (Lào), tỉnh Koh Kong (Campuchia).

Tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cho chủ trương đầu tư mở rộng sân bay Cà Mau, cảng biển Hòn Khoai để phát triển kinh tế-xã hội, thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế.

Cùng với đó, tỉnh cần kêu gọi đầu tư dịch vụ trên bờ như vận chuyển, lưu trú, ăn uống, giải trí, bán hàng và quan tâm đào tạo nguồn nhân lực. Mở tuyến tàu biển tuy gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, vốn, nguồn nhân lực... nhưng khi phát triển được sản phẩm du lịch này sẽ tạo nên sự khác biệt, mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh.

Du lịch sinh thái đang là điểm nhấn quan trọng thu hút du khách đến thăm Đất Mũi Cà Mau. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Lợi thế lớn về phát triển du lịch sinh thái

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân, địa phương có đặc điểm văn hóa đặc sắc và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch biển đảo, du lịch địa lý, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa - lễ hội.

Đề cập những thế mạnh phát triển du lịch của địa phương, ông Tiêu Minh Tiên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, ngành Du lịch Cà Mau xác định rõ phát triển du lịch mang tính lâu dài, bền vững nhất chính là du lịch sinh thái.

Tỉnh đang thực hiện quy hoạch, đầu tư và kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch theo hướng tập trung khai thác tiềm năng du lịch sinh thái thành một ngành dịch vụ quan trọng của tỉnh.

Cơ sở hạ tầng du lịch Cà Mau từng bước hoàn thiện, từ thành phố Cà Mau đi đến tận xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển và kết nối được với một số khu, điểm du lịch. Tỉnh lấy Khu Du lịch Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Khu Du lịch Vườn Quốc gia U Minh Hạ để làm điểm nhấn cho phát triển du lịch.

Trong đó, Khu du lịch trọng điểm Mũi Cà Mau đã ''thành hình, thành hài'' đang dần đầu tư phát triển để tiến tới là Khu Du lịch quốc gia mang tầm vóc của khu vực.

Cà Mau là một trong 4 tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có ngư trường đánh bắt thủy hải sản lớn nhất Việt Nam, có tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái với trên 100.000 ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Khu Ramsar thế giới.

Tỉnh sở hữu Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau với diện tích hơn 42.000 ha và Vườn Quốc gia U Minh Hạ với diện tích hơn 8.200 ha. Hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng ngập ngọt đã tạo cho Cà Mau hệ động vật, thực vật đặc trưng, tạo tiềm năng sinh thái tự nhiên rất đa dạng, phong phú.

Thêm nữa, tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển, chiều dài bờ biển dài 254km, có nhiều cụm đảo như: Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc... Tỉnh có đường Hồ Chí Minh trên bộ mà điểm cuối là Mũi Cà Mau và đường Hồ Chí Minh trên biển gắn với huyền thoại đoàn tàu không số tập kết, vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam phục vụ kháng chiến.

Cùng với đó, sản lượng thủy sản khai thác, đánh bắt của tỉnh đạt khoảng 600.000 tấn/năm, trong đó khai thác tôm đạt khoảng 210.000 tấn/năm. Do vậy, lợi thế ẩm thực của tỉnh là rất lớn, có điều kiện để kết nối, thu hút du khách đến Cà Mau.

Cùng với đó, ngành Du lịch Cà Mau chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch với yêu cầu đặt ra là phải mang tính chuyên nghiệp; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tư duy về du lịch của cộng đồng, xã hội để góp phần bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái; phát huy nét đẹp văn hóa ứng xử hài hòa, thân thiện của người dân Cà Mau đối với du khách./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ca-mau-giai-bai-toan-ha-tang-giao-thong-de-phat-trien-du-lich/612948.vnp