Cà Mau đưa ra nhiều giải pháp phục hồi chế biến và xuất khẩu thủy sản

Những tháng đầu năm giá tôm nguyên liệu ở Cà Mau bị sụt giảm mạnh, nhưng tỉnh vẫn duy trì phát triển khá ổn định diện tích ao nuôi và sản lượng tôm.

Nông dân Cà Mau thu hoạch cua nuôi trong vuông để xuất biển. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Nông dân Cà Mau thu hoạch cua nuôi trong vuông để xuất biển. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Tỉnh Cà Mau đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phục hồi chế biến xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất, nuôi trồng sau đại dịch COVID-19. Điều này nhằm góp phần thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng 7%/năm theo kế hoạch đề ra năm 2020.

Sáu tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt khoảng 374 triệu USD, bằng 31,2% kế hoạch, giảm 12,2% so cùng kỳ năm 2019; trong đó, xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 350 triệu USD, đạt 30,5% kế hoạch, giảm 14,9% so cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, những tháng đầu năm giá tôm nguyên liệu ở Cà Mau bị sụt giảm mạnh, nhưng tỉnh vẫn duy trì phát triển khá ổn định diện tích ao nuôi và sản lượng tôm.

Cụ thể, diện tích ao nuôi tôm thâm canh của tỉnh đạt 8.610 ha và diện tích ao nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt 146.000 ha. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 293.000 tấn, bằng 48,8% so kế hoạch năm; trong đó, sản lượng tôm ước đạt 97.700 tấn, tăng 4,7% so cùng kỳ năm trước.

Để nhanh chóng khôi phục, thúc đẩy phát triển lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương chủ động các biện pháp phấn đấu sản lượng thủy sản đạt 600.000 tấn/năm; trong đó, chế biến tôm đạt 147.500 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 1,2 tỷ USD.

Tỉnh Cà Mau hiện có hơn 305.000 ha đất nuôi trồng thủy sản. Để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Ủy ban Nhân dân tỉnh định hướng tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh theo hướng đảm bảo về chất lượng, năng suất gắn với bảo vệ môi trường.

Đồng thời, khuyến khích người dân áp dụng các mô hình, biện pháp nuôi tôm phù hợp, nuôi tôm thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, dịch COVID-19 trong nước đã được kiểm soát tốt, do vậy, tỉnh Cà Mau tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để nắm bắt kịp thời diễn biến, xu thế sản xuất, tiêu dùng, thương mại do tác động của dịch COVID-19. Cùng đó, chủ động theo dõi, nắm chặt tình hình sản xuất, xuất khẩu và các thị trường tiêu thụ thủy sản thế giới.

Từ đó, cơ quan chức năng tỉnh kịp thời cung cấp thông tin hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản và khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất phù hợp nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết sản xuất - chế biến-xuất khẩu theo chuỗi giá trị đối với ngành hàng chủ lực của tỉnh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại ngoài nước, xuất khẩu ngay khi có cơ hội, đặc biệt là tận dụng cơ hội khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực để tăng cường xuất khẩu vào các nước EU và một số thị trường tiềm năng khác.

Sáu tháng qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp đã khiến gần 26.000 ha tôm nuôi ở Cà Mau bị nhiễm bệnh, tăng hơn 20.200 ha so cùng kỳ năm trước; mức độ thiệt hại năng suất từ 30-50%.

Mặt khác, tình hình tiêu thụ thủy sản của tỉnh bị sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp giảm sức mua hoặc mua với giá thấp, dẫn đến giá cả mặt hàng thủy sản giảm từ 20-30% so cùng kỳ năm trước; riêng giá tôm sú nguyên liệu giảm đến 30%, tôm thẻ chân trắng giảm 15%.

Trong những tháng đầu năm, tỉnh Cà Mau vừa dồn sức cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa gồng mình ứng phó với thiên tai, hạn hán diễn biến hết sức phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống, sản xuất và nuôi trồng của người dân trên địa bàn.

Qua đó, tỉnh phát sinh tăng chi ngoài kế hoạch hơn 343 tỷ đồng; trong đó, tăng chi cho phòng, chống dịch COVID-19 khoảng 236 tỷ đồng và tăng chi hơn 107 tỷ đồng vào việc khắc phục hạn hán, thiếu nước, sạt lở, sụt lún.

Tuy vậy, bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh trong 6 tháng qua vẫn có một số điểm sáng. Đó là giá trị giải ngân vốn đầu tư công tăng gấp 1,8 lần so cùng kỳ năm trước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại từng bước được khôi phục và hoạt động trở lại./.

Kim Há (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ca-mau-dua-ra-nhieu-giai-phap-phuc-hoi-che-bien-va-xuat-khau-thuy-san/651504.vnp