Cà Mau dời ngày tưởng niệm bão Linda để ứng phó cơn bão mới

Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Cà Mau cho biết, do phải tập trung các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) nên tỉnh Cà Mau quyết định tạm dời ngày tổ chức lễ tưởng niệm 3.000 nạn nhân bị thiệt mạng trong cơn bão Linda, từ ngày 2 sẽ tổ chức vào ngày 3-11.

Lực lượng chức năng Cà Mau kêu gọi, hướng dẫn tàu cá vào nơi tránh, trú bão an toàn.

Lực lượng chức năng Cà Mau kêu gọi, hướng dẫn tàu cá vào nơi tránh, trú bão an toàn.

Hàng loạt điểm trường ven biển ở Cà Mau thông báo cho học sinh tạm nghỉ do ảnh hưởng của ATNĐ nguy hiểm (có khả năng mạnh thành bão) đang tiến gần vào Cà Mau…

Thông tin trên được lãnh đạo nhiều địa phương ven biển Cà Mau, như: U Minh, Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Đầm Dơi, Trần Văn Thời cho biết vào tối 1-11. Thông báo khẩn mà UBND nhiều huyện gửi Phòng Giáo dục - Đào tạo và lãnh đạo trường nói rõ, học sinh sẽ tạm nghỉ học vào sáng thứ 5 (ngày 2-11).

Sáng 2-11, học sinh khối mầm non và tiểu học nhiều địa phương ven biển ở Cà Mau sẽ được tạm nghỉ.

Cụ thể, huyện Ngọc Hiển cho toàn bộ học sinh từ bậc học mầm non, tiểu học và THCS tạm nghỉ; huyện Năm Căn, học sinh các trường học thuộc địa bàn xã Tam Giang, Tam Giang Đông và Lâm Hải cũng được nghỉ. Huyện U Minh cho học sinh bậc học mầm non trên địa bàn toàn huyện được tạm nghỉ, còn bậc tiểu học thì được tạm nghỉ tại địa bàn hai xã là Khánh Hội, Khánh Tiến.

Ở huyện Đầm Dơi, học sinh tạm nghỉ trên địa bàn ba xã Nguyễn Huân, Tân Tiến và Tân Thuận; huyện Trần Văn Thời, học sinh ở năm địa phương là Phong Điền, Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc và thị trấn Sông Đốc được tạm nghỉ. Còn ở huyện Phú Tân, học sinh mẫu giáo trên địa bàn toàn huyện được tạm nghỉ, riêng học sinh khối tiểu học được tạm nghỉ ở các xã: Nguyễn Việt Khái, Phú Tân, Tân Hải và thị trấn Cái Đôi Vàm.

Thông tin nhanh với phóng viên, ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh (Cà Mau) cho biết: “Việc cho học sinh tạm nghỉ ở các khối mầm non, tiểu học để tránh ATNĐ nguy hiểm bởi các em chưa đủ sức khỏe và khả năng tự bảo vệ mình trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra”.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, tại cuộc họp khẩn chủ động các phương án ứng phó với ATNĐ trên biển đông đang đổ bộ vào Cà Mau, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Cà Mau chỉ đạo: chính quyền các huyện, TP tùy vào tình hình thực tế tại địa phương có thể xem xét cho học sinh ở những vùng nguy hiểm tạm nghỉ học. Thẩm quyền xem xét cho học sinh tạm nghỉ do Chủ tịch UBND huyện quyết định.

Trong ngày 1-11, nhiều đoàn công tác của tỉnh Cà Mau đã xuống tận nhiều địa phương ven biển để chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và xử lý các tình huống xảy ra khi ATNĐ đổ bộ vào đất liền. Tại huyện Đầm Dơi, vào 17 giờ cùng ngày, Đoàn kiểm tra khu vực 4 do Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác triển khai ứng phó ATNĐ.

Thông tin nhanh với đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Nguyễn Chí Thuần cho biết: Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện đã triển khai công tác phòng, chống thiên tai đến các xã, thị trấn, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban trực tiếp phụ trách chỉ đạo địa bàn. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã ven biển xác định các tuyến dân cư cần di dời vào nơi an toàn và sẽ triển khai khi nhận thấy có tình huống nguy hiểm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Thống, Phó Trưởng Ban PCLB-TKCN huyện Đầm Dơi, cho biết: Trên địa bàn huyện Đầm Dơi có 172 phương tiện với 722 ngư dân. Đến 14 giờ chiều cùng ngày, tất cả các tàu cá đã vào bờ trú ẩn an toàn và lệnh cấm không cho phương tiện ra khơi được ban hành. “Lực lượng chức năng các xã ven biển là Tân Thuận, Tân Tiến và Nguyễn Huân đang nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân chằng néo nhà cửa, chủ động bồi trúc, gia cố bờ bao vuông, đầm nuôi trồng thủy sản, bảo vệ sản xuất” – ông Thống thông tin thêm.

Tàu cá ở miền biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) vào nơi trú ẩn an toàn.

Được biết, công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai cũng được các địa phương ven biển còn lại ở Cà Mau tích cực triển khai. Bởi ngoài ATNĐ đổ bộ vào Mũi Cà Mau vào rạng sáng mai (2-11) thì trên vùng biển Đông cũng đã hình thành ATNĐ mới, di chuyển nhanh theo hướng Tây, dự báo sẽ mạnh lên thành bão (cơn bão số 12) trong những ngày tới đây, khả năng sẽ đổi hướng Tây Nam bởi đang có đợt không khí lạnh đang tăng cường từ phía Bắc, nguy cơ ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Bộ, nhất là các tỉnh vùng ĐBSCL.

* Toàn tỉnh Cà Mau có hơn 4.600 tàu cá, trong đó có khoảng 2.300 tàu khai thác xa bờ. Đến chiều 1-11, còn 156 tàu cá (145 tàu xa bờ) với 1.007 thuyền viên đang hoạt động trên biển. Bằng nhiều cách thức, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Cà Mau và các đơn vị liên quan đã kết nối liên lạc được với 128 tàu cá (836 thuyền viên), 28 tàu còn lại với 171 thuyền viên chưa liên lạc được. Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang nỗ lực kêu gọi các tàu nên nhanh chóng di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Theo dự báo thì vào rạng sáng 2-11, ATNĐ (có thể mạnh lên thành bão) sẽ tiến vào mũi Cà Mau, sau đó di chuyển theo hướng về đảo Thổ Chu của tỉnh Kiên Giang. Cơn ATNĐ nêu trên trùng với thời điểm Cà Mau chuẩn bị tưởng niệm 20 năm các nạn nhân bị thiệt mạng trong cơn bão số 5 (bão Linda) vào ngày 2-11-1997. Do phải tập trung các phương án ứng phó với ATNĐ nên tỉnh Cà Mau quyết định tạm dời ngày tổ chức lễ tưởng niệm, từ ngày 2 sẽ tổ chức vào 3-11, đồng thời xem xét cho học sinh khối mầm non và tiểu học ở một số vùng nguy hiểm tạm nghỉ vào sáng mai (ngày 2-11).

Cơ quan chức năng Cà Mau nhận định, ngoài gây dông, gió mạnh, ATNĐ có thể làm nước biển dâng cao từ 1,6 - 2,2 m, ảnh hưởng đến các cụm dân cư ven biển, ven cửa sông và các công trình, hạ tầng sản xuất ven biển; làm ngập úng lúa, hoa màu, ngập tràn bờ bao, đê bao, đầm tôm và gây tràn toàn bộ hệ thống đê điều ven biển… Do vậy, công tác ứng phó với ATNĐ đang được chính quyền tỉnh Cà Mau khẩn trương vào cuộc, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Ghi nhận đến cuối giờ chiều cùng ngày, các huyện ven biển Cà Mau thời tiết âm u, cường độ gió ngày càng mạnh dần lên nhưng trời chỉ có mưa nhẹ. Chính quyền địa phương xuống tận nơi hướng dẫn, giúp đỡ người dân chằng néo nhà cửa và cương quyết không cho tàu cá ra khơi.

HỮU TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/34575602-ca-mau-doi-ngay-tuong-niem-bao-linda-de-ung-pho-con-bao-moi.html