Cà Mau: Doanh nghiệp tố 'bị hành' khi mua căn nhà công sản 56 tỷ

Bị UBND tỉnh Cà Mau nợ tiền thi công xây dựng hạ tầng cơ sở nên Công ty TNHH Hiệp Thành chấp nhận mua tài sản công do tỉnh này bán đấu giá với giá cao để cấn trừ. Thế nhưng, sau khi mua tài sản công, Hiệp Thành lại khốn khổ trong thủ tục sang tên.

Căn nhà nay tạm thời được cho thuê mặt bằng

Căn nhà nay tạm thời được cho thuê mặt bằng

Chấp nhận mua giá cao để cấn trừ nợ

Căn nhà số 18 đường Ngô Quyền, phường 2, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thuộc quyền sở hữu của Đảng bộ thị xã Cà Mau, tỉnh Minh Hải (nay là TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) có diện tích 1.124,93m2.

Do không còn nhu cầu sử dụng nên UBND tỉnh Cà Mau quyết định bán căn nhà này để thu tiền cho ngân sách địa phương. Ngày 28/11/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định 147/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch Dương Tiến Dũng ký về việc phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá căn nhà. Quyết định phê duyệt giá khởi điểm như sau: Tổng giá trị quyền sử dụng đất và kiến trúc trên đất là 56,4 tỷ đồng. Trong đó, phần giá trị kiến trúc hơn 1,629 tỷ đồng. Giá trị QSDĐ là 54,7 tỷ đồng (mỗi m2 có giá 48,7 triệu đồng).

Quyết định này nêu rõ: Trình tự, thủ tục và phương thức bán; quản lý, sử dụng tiền thu được từ bán căn nhà thực hiện theo qui định tại Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009; Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009.

* Cấp sổ đỏ 50 năm, hay ổn định lâu dài?

* Bốn sở ngành quan điểm khác nhau

* Chủ tịch tỉnh đòi ôm hồ sơ ra Hà Nội nhờ T.Ư phân xử

Căn nhà được định giá và mang bán đấu giá đúng luật định. Các cơ quan thẩm quyền được giao trách nhiệm thi hành theo Quyết định 147 đã thực hiện đúng qui trình theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Qua ba lần bán đấu giá, không ai đăng ký mua vì những tổ chức và cá nhân đủ điều kiện mua tài sản này cho rằng: Giá khởi điểm đấu giá tài sản quá cao.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khung giá đất ở trên toàn tuyến đường Ngô Quyền - Công Trường Bạch Đằng - Lý Bôn, thuộc phường 2 TP Cà Mau, từ năm 2012 (thời điểm định giá đấu giá) đến nay không đổi là 10,5 triệu/m2.

Theo một số ý kiến, giá đất bán đấu giá căn nhà số 18 cao gấp gần 5 lần giá đất tỉnh quy định và gần gấp đôi giá đất mua bán trên thị trường vào thời điểm đó. Do đó, sau ba lần rao bán nhưng không ai mua.

Lần thứ tư đấu giá, giá không đổi nhưng Cty Hiệp Thành chấp nhận mua. Sở dĩ Hiệp Thành chấp nhận mua vì Công ty này thi công xây dựng hạ tầng cơ sở cho tỉnh Cà Mau nhưng chủ đầu tư còn nợ tiền. Hiệp Thành mua tài sản này để cấn trừ nợ. Ông Nguyễn Hiền Lương, Giám đốc Hiệp Thành nói: “Khi quyết định đấu giá tài sản này, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ tính pháp lý của tài sản. Đó là tài sản của Nhà nước bao gồm QSDĐ được định đoạt bởi Thị ủy Cà Mau, tài sản được bán đấu giá theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các qui định pháp luật khác liên quan, cụ thể là Nghị định 52, Thông tư 245”.

Ngày 31/10/2013, bên bán - Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau và bên mua - Cty Hiệp Thành ký kết hợp đồng công nhận kết quả bán đấu giá tài sản. Hai bên thông báo kết quả này cho chủ sở hữu tài sản là UBND TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Từ đầu năm 2014 đến đầu năm 2015, Hiệp Thành đã thanh toán đủ số tiền mua tài sản và nhận tài sản để quản lý và sử dụng. Hai bên đã thanh lý hợp đồng, giao dịch mua bán tài sản đấu giá này đã hoàn tất đúng qui định.

Rắc rối trong cấp giấy CNQSDĐ

Thế nhưng, hiện nay thủ tục sang nhượng quyền sử dụng tài sản này từ người bán sang người mua gặp rắc rối, chưa thể thực hiện được, bởi các cơ quan thẩm quyền tỉnh Cà Mau đang lâm vào tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Còn Hiệp Thành thì chạy ngược chạy xuôi theo sau.

Ngày 29/5/2018 PV đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên - Môi trường (TN - MT) tỉnh để tìm hiểu vì sao cơ quan này không chuyển nhượng QSDĐ từ Thị ủy Cà Mau sang cho Hiệp Thành theo kết quả bán đấu giá tài sản nhà nước? Ban Giám đốc Sở này cho rằng: Theo điểm 1 khoản 4 Điều 84 Luật Đất đai 2003, khoản 2 Điều 55 và điểm đ khoản 1 Điều 56 Luật đất đai 2013 thì Hiệp Thành trúng đấu giá khu đất căn nhà và sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê thì được Nhà nước giao đất và cấp giấy CNQSDĐ với thời hạn sử dụng đất không quá 50 năm. Hiệp Thành không chấp thuận phương án trên mà yêu cầu cấp giấy thời hạn lâu dài ổn định theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Sở này sau đó có Công văn 198 ngày 16/4/2018 báo cáo UBND tỉnh: “Sở gặp vướng mắc trong việc áp dụng qui định của pháp luật về đất đai để thực hiện cấp giấy CNQSDĐ cho Cty Hiệp Thành”.

Bình luận về “ khẳng định” và “vướng mắc” trong vận dụng luật của Sở TN - MT, một chuyên gia pháp luật cho biết: Vướng mắc là do Sở TN – MT vận dụng luật sai. Khi ký Quyết định 147 bán đấu giá tài sản này, UBND tỉnh căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, căn cứ Nghị định 52/2009/NĐ-CP, căn cứ Thông tư 245/2009/TT-BTC, căn cứ Quyết định 28/2010/QĐ-UBND ngày 12/11/2010 về quản lý tài sản nhà nước thuộc tỉnh Cà Mau. Quyết định 147 không căn cứ vào Luật Đất đai nên việc Sở TN – MT vận dụng Luật Đất đai để giải quyết và cho rằng có vướng mắc là không tuân thủ theo quyết định của UBND tỉnh. Nếu Sở TN - MT vận dụng Luật Đất đai, thì Quyết định 147 vi phạm pháp luật, không có hiệu lực, UBND tỉnh Cà Mau bán đấu giá sai và phải bồi thường.

“Sổ đỏ” cấp cho Thị ủy Cà Mau và được UBND tỉnh Cà Mau bán đấu giá theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

Cà Mau có “hành” doanh nghiệp?

Hiện nay, các sở ngành có thẩm quyền tỉnh Cà Mau đang bế tắc khi vận dụng luật để giải quyết vấn đề. Bế tắc do không thống nhất trong quan điểm: UBND tỉnh bán đấu giá tài sản nhà nước hay bán đấu giá quyền sử dụng đất công.

Theo đó, trong giấy chứng nhận QSDĐ mà Thị ủy Cà Mau được cấp năm 1994 ghi; Mục đích sử dụng: xây dựng văn phòng; Thời gian sử dụng: lâu dài. Nhiều ý kiến cho rằng QSDĐ căn nhà như vậy là thuộc sở hữu Thị ủy và có quyền định đoạt. Một luật gia bình luận: “Tổ chức thuộc nhà nước mà có quyền sở hữu QSDĐ muốn sang nhượng thì phải tuân theo pháp luật do Nhà nước ban hành. Cụ thể là Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản luật khác liên quan”.

Một cán bộ Cty Hiệp Thành, nói: “Căn nhà 18 Ngô Quyền là tài sản nhà nước mang đấu giá với giá trị đất ở và thời gian sử dụng lâu dài thì Hiệp Thành mới tham gia đấu giá, mua để phục vụ mục đích là xây dựng trụ sở công ty. Hiệp Thành là công ty không có chức năng kinh doanh bất động sản nên nếu chúng tôi tham gia đấu giá QSDĐ công để kinh doanh nhà ở là vi phạm luật. Sở TN - MT vận dụng Luật Đất đai rồi quy chụp chúng tôi là đối tượng được giao đất, thuê đất có thời hạn theo dạng đấu giá QSDĐ công là ép buộc chúng tôi vi phạm pháp luật. Đơn giản, Hiệp Thành mua trúng đấu giá tài sản nhà nước, trong đó có QSDĐ”.

Theo tìm hiểu, hiện nay các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau có hai luồng quan điểm. Ông Lương đưa ra dẫn chứng: “Khi Hiệp Thành làm thủ tục sang tên QSDĐ thì chuyên viên Sở TN - MT yêu cầu nộp “phê duyệt kết quả trúng đấu giá theo Luật đất đai”. Sở Tư pháp lại trả lời: Tài sản bán theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì không cần phê duyệt kết quả trúng đấu giá”.

“Sáu tháng sau, chuyên viên văn phòng UBND tỉnh yêu cầu Cục Thuế phạt Hiệp Thành vì đóng tiền trúng đấu giá chậm. Cục Thuế Cà Mau trả lời: Không thể phạt Cty Hiệp Thành vì trong hợp đồng mua bán không ấn định thời gian cụ thể phải nộp đủ tiền. Hơn nữa, tài sản chưa bàn giao cho bên mua nên không đủ điều kiện để phạt chậm nộp tiền”.

“Gần một năm sau, bộ phận tham mưu cho UBND tỉnh lại “tham mưu”, do tài sản bán đấu giá là đất ở nên không bán cho doanh nghiệp được”.

“Sau khi UBND tỉnh họp, chuyên viên văn phòng UBND tỉnh cho rằng: đất này không phải đất ở mà UBND TP Cà Mau bán đất ở là sai”.

Do các cơ quan tỉnh Cà Mau không giải quyết xong vụ việc, Sở Tư pháp làm công văn xin ý kiến Bộ Tư pháp. Ngày 3/11/2017 Cục Bổ trợ Tư pháp - Bộ Tư pháp có Công văn số 1103/BTTP - ĐGTS gửi Sở Tư pháp Cà Mau về việc hướng dẫn nghiệp vụ đấu giá tài sản. Công văn nêu: “Trường hợp tài sản bán đấu giá nhà số 18 Ngô Quyền là tài sản nhà nước thì việc xác định điều kiện tham gia đấu giá của tổ chức, cá nhân được thực hiện theo qui định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

Vậy tại sao các cơ quan, ban ngành liên quan tỉnh Cà Mau lại “làm khó” doanh nghiệp khi họ đã mua đấu giá trúng tài sản nhà nước? Câu hỏi đó được Chủ tịch tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải trả lời: “Không tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề thì Sở TN - MT, Sở Tư pháp cùng UBND TP Cà Mau mang hết hồ sơ ra Hà Nội xin ý kiến Bộ Tư pháp và Bộ TN – MT”.

Ngày 30/5/2018, ông Hải chủ trì cuộc họp tìm hướng xử lý vấn đề nhưng cuộc họp gần như bế tắc vì không tìm ra hướng giải quyết. Chủ tịch Hải chỉ đạo kết thúc buổi họp và trả lời như nêu trên.

PLVN sẽ thông tin tiếp vụ việc.

Ngọc Long

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-cau/ca-mau-doanh-nghiep-to-bi-hanh-khi-mua-can-nha-cong-san-56-ty-396527.html