Cà Mau đào kênh mới hạn chế sụt đường: Khó hiểu!

Cà Mau chốt phương án đào kênh mới, lấp kênh cũ để giải quyết việc sụt lún xảy ra tại khu vực đê biển Tây trong thời gian qua.

Ngày 2/3/2020, theo thông tin trên tờ Sài Gòn Giải phóng, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết tỉnh đã thống nhất phương án khắc phục sự cố sụt lún đê biển Tây.

Theo đó, tỉnh sẽ đào một con kênh khác phía sau khu dân cư hiện hữu và song song với thân đê (cách thân đê hơn 100m về phía trong nội đồng).

Phần đất đào lên sẽ dùng để lấp đầy con kênh hiện hữu nằm dọc theo chiều dài công trình đê biển Tây (đoạn Đá Bạc đến cống Kênh Mới). Trường hợp không đủ đất, tỉnh sẽ bơm thêm một lượng bùn bổ sung để lấp đầy kênh.

Mặt khác, kênh mới đào sẽ đảm nhiệm, nhiệm vụ trữ nước cung cấp nước cho vùng sản xuất phía trong đê và giúp lưu thông thủy của bà con.

Trước phương án này, TS Nguyễn Đình Hòa - Hội Đập lớn và Nguồn nước bày tỏ sự khó hiểu.

Đương đê biển Tây Cà Mau sụp lún nghiêm trọng trong thời gian qua.

Đương đê biển Tây Cà Mau sụp lún nghiêm trọng trong thời gian qua.

"Bản chất của việc sụt lún đường đê biển Tây như được nhận định ban đầu là do hạn hán. Vậy để giải quyết căn bản của vấn đề là phải giải quyết tình trạng hạn hán. Còn việc đào chỗ mới lấp chỗ cũ thực chất chỉ là tát bùn sang ao. Điều trong trong là giải được câu hỏi: Nước ở đâu để đổ vào kênh, mương?" - ông Hòa bày tỏ.

Theo ông Hòa, việc đào kênh mới để giải quyết tình trạng sụt lún tuyến đê biển Tây nếu không được bù nước mà lại để xảy ra tình trạng hạn hán như với kênh cũ thì trong tương lai cũng không có gì đảm bảo khu vực lân cận kênh sẽ bị sụt, lở.

Nguy hiểm hơn, việc sụt lở ấy không chỉ xảy ra với đường giao thông khi con kênh mới đào nằm gần khu dân cư, ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ dân sống bên cạnh.

Trước đó, sáng 18/2, đê biển Tây (đoạn từ Kênh Mới đến Đá Bạc, thuộc Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau) bị sụt lún khiến toàn bộ mặt lộ bê tông trên thân đê sụt xuống, có đoạn sâu trên 2m. Hiện đê biển Tây vẫn còn khoảng 300m có nguy cơ bị sụt lún cao.

Dự án nâng cấp đê biển Tây từ Tiểu Dừa (giáp ranh với tỉnh Kiên Giang) đến Cái Đôi Vàm dài trên 72km, nguồn vốn trên 1.690 tỷ đồng. Đoạn bị sụt lún đưa vào sử dụng khoảng cuối năm 2018 và còn trong thời gian bảo hành.

Khi sụt lún xảy ra, UBND tỉnh Cà Mau đề xuất phương án đưa nước mặn vào tạo phản áp giảm thiểu sụp lún. Tuy nhiên, đề xuất này không được Bí thư tỉnh Cà Mau thống nhất.

PGS.TS Doãn Minh Tâm - Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam cho rằng, việc tuyến đường bị sụt, lở có thể do yếu tố con người.

Có hai điểm cần lưu ý tại đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc. Một là, đoạn đường này chỉ cách kênh xáng Minh Hà vài thước, đoạn đường dài hơn 29km nhưng lại chỉ có 2 điểm sụt lún với chiều dài khoảng chừng 20m.

"Điều đó cho thấy có những điểm bất thường. Nếu là do mực nước kênh xáng Minh Hà xuống thấp thì cả đoạn đường đã bị sụt, lún chứ không phải chỉ đoạn nhỏ. Tính diện tích đường gặp sự cố so với cả tuyến đường thì thấy rõ có yếu tố con người trong việc này" - PGS.TS Doãn Minh Tâm cho biết.

Thứ 2 là tình trạng kênh xáng Minh Hà khô cạn đã được nói đến từ nhiều năm trước, trước cả khi dự án đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc được triển khai. Chính vì thế, nếu nguyên nhân sụp đường là do dòng kênh này thiếu nước thì yếu tố này hoàn toàn có thể dự báo trước.

"Tại sao đơn vị tư vấn thiết kế, phê duyệt không tính toán được điều này để đưa ra phương án thi công đảm bảo độ bền của công trình?

Hơn nữa, đoạn đường mới đi vào hoạt động từ năm 2019, chắc chắn chưa phải chịu nhiều tải trọng nên áp lực từ bề mặt đường chưa lớn khiến thân lề đường phải sạt lở" - vị chuyên gia bày tỏ.

em xét tại hiện trường sụp lún trên đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, PGS.TS Doãn Minh Tâm còn nhận thấy thân lề đường đắp bằng đất còn nguyên khối. Vậy, nhà thầu thi công lấy đất ở đâu? Đất khô hay đất ướt? Đắp như thế nào? Có đắp đất ướt vào không?

Tại một khu vực sụp, lún khác thì thân nền đường toàn là cát mịn. Vậy, người thiết kế ở đây đã tính toán nền đường trên đất yếu hay chưa? Trong trường hợp đắp cát, có đắp đường để chặn cát trôi ra ngoài hay không, vì đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc là tuyến đường mới, nền đường mới.

“Tôi cho rằng, đây là sự cố công trình sụt trượt đất trên nền đất yếu và mang tính cục bộ, không mang tính tổng thể do điều kiện tự nhiên gây ra”, ông Tâm nói.

Ngọc Khánh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ca-mau-dao-kenh-moi-han-che-sut-duong-kho-hieu-3397872/