Cà Mau: Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra sau phản ánh của báo

Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Thanh tra kiểm tra nội dung bài viết 'Cà Mau: Dân tố chính quyền 'ép' phải trả đất' của Báo Công lý & Xã hội phản ánh.

Cụ thể, văn bản của Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ, ngày 05/05/2021, Báo Công lý và Xã hội có đăng bài :Cà Mau: Dân tố chính quyền “ép” phải trả đất”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao cho Chánh Thanh tra tỉnh nghiên cứu nội dung bài báo phản ánh, ra soát lại hồ sơ vụ việc, trên cơ sở dự thảo văn bản tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phúc đáp báo chí trước ngày 21/05/2021.

Trước đó, Báo Công lý và Xã hội có bài phản ánh Huỳnh Thị Út có quyền sử dụng thửa đất số 464, diện tích 7.700m2, (khóm 3, Phường 8, TP. Cà Mau), được UBND thị xã Cà Mau cấp GCN QSDĐ vào ngày 14/7/1993. Nguồn gốc đất được xác nhận do bà Út tự khai phá vào năm 1963.

Ông Thường bên phần đất buộc phải nhường cơm xẻ áo

Ông Thường bên phần đất buộc phải nhường cơm xẻ áo

Năm 1997, ông Nguyễn Hùng Việt (ngụ cùng địa phương) bất ngờ gửi đơn tranh chấp quyền sử dụng đất với bà Út. Ông Việt cho rằng trong phần đất bà Út đã được cấp GCN QSDĐ có 1.300m2 của dì ruột ông là bà Nguyễn Hồng Ngọc và năm 1990 thì bà Ngọc ủy quyền cho ông thay bà sử dụng những phần đất đai mà bà Ngọc đã được đứng tên thừa hưởng.

Theo ông Việt, phần đất tranh chấp nằm trong phần đất của bà Ngọc sang lại của người cháu tên Trần Phước Thọ vào năm 1971. Theo giấy chuyển nhượng giữa ông Trần Phước Thọ và bà Nguyễn Hồng Ngọc làm tại Sài Gòn (TP.HCM) vào ngày 16/3/1971, thể hiện ông Thọ chuyển nhượng cho bà Ngọc phần đất có diện tích 1ha, tọa lạc tại làng An Xuyên. Vị trí thửa đất phía bắc giáp đất ông Nguyễn Ích Khiêm; nam giáp đất bà Trần Thị Phương; đông giáp kinh Rạch Rập và tây giáp khu dân cư.

Ngày 16/5/1998, dựa theo đề xuất “nhường cơm xẻ áo” của Chủ tịch UBND Phường 8, Chủ tịch UBND thị xã Cà Mau ban hành quyết định thu hồi đất của bà Út giao cho ông Việt. Ngay trong nội dung quyết định này đã thể hiện sự mâu thuẫn rất lớn về nguồn gốc đất cụ thể, phần đất do bà Ngọc sang nhượng lại của ông Thọ vào năm 1971, sau đó bà Ngọc ủy quyền lại cho ông Việt. Trong khi lại xác định phần đất này bà Út cặm chiếm vào năm 1963, đến năm 1993 hộ bà Út đăng ký và được cấp GCNQSDĐ. Nghĩa là bà Út đã vào chiếm trước khi việc chuyển nhượng xảy ra tới 8 năm và tới 34 năm sau mới xảy ra tranh chấp.

Sau khi có quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND thị xã Cà Mau, bà Út qua đời, con bà Út là ông Nguyễn Văn Thường (62 tuổi) thay bà Út đi khiếu nại. Ngày 3/7/2000, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành quyết định giữ nguyên quyết định giải quyết tranh chấp của UBND thị xã Cà Mau. Ông Thường không chấp nhận và tiếp tục khiếu nại.

Ngày 11/7/2013, Thanh tra tỉnh Cà Mau có báo cáo kết quả xác minh do ông Lê Tân Thuận, Phó Chánh Thanh tra ký. Theo báo cáo, nguồn gốc phần đất tranh chấp chưa khẳng định là của ông Bùi Vĩnh Xương như trình bày của ông Thường. Trong khi ông Việt trình bày nguồn gốc của ông Đinh Văn Chịa nhượng lại cho ông Trần Văn Thới, ông Thới qua đời để lại cho con là ông Thọ. Đến năm 1971, ông Thọ cho dì của mình là bà Nguyễn Hồng Ngọc, sau đó năm 1990 bà Ngọc ủy quyền cho ông Việt. Tuy nhiên, qua xác minh, Thanh tra xác định không tìm thấy tên ông Lâm Văn Chịa và bà Lâm Thị Khuê cũng như ông Huỳnh Công Cẩn- người chuyển nhượng đất cho ông Chịa bà Khuê - đứng bộ tại xã An Xuyên, tỉnh Bạc Liêu thời điểm đó.

Văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Từ kết quả xác minh trên, Thanh tra tỉnh Cà Mau kết luận thực tế hộ bà Huỳnh Thị Út có tự chiếm khai phá phần đất 1ha và cắt một phần chuyển nhượng qua nhiều lần. Ngay phần đất đang tranh chấp là một vùng đất trống, ao trũng không có nhà cửa. Phần đất này có nguồn gốc không phải của hộ bà Út, cũng không phải của hộ ông Việt, nên Quyết định giải quyết tranh chấp số 349/QĐ-UB ngày 3/7/2000 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau là hợp lý theo tình hình thực tế nhường cơm xẻ áo và đúng với tinh thần kiến nghị giải quyết của UBND Phường 8 cũng như UBND TP Cà Mau. Thanh tra tỉnh Cà Mau kiến nghị giữ nguyên quyết định “nhường cơm xẻ áo” của UBND tỉnh Cà Mau vào năm 2000.

“Các cơ quan chức năng đã kết luận nguồn gốc đất không phải của ông Việt thì tại sao buộc gia đình tôi phải giao đất cho ông Việt? Còn việc nhận định đất không phải nguồn gốc của mẹ tôi nên buộc “nhường” cho ông Việt càng vô lý. Vì đất này mẹ tôi thừa nhận tự khai phá từ năm 1963 thì làm sao có nguồn gốc của mẹ tôi được. Thời điểm mẹ tôi khai phá là đất vô chủ nên suốt mấy chục năm không có ai tranh chấp và đã xác lập quyền sở hữu bằng GCN QSDĐ. Ngoài ra, thanh tra tỉnh nói đất này bỏ trống không cải tạo là chưa đúng bản chất sự việc. Bởi từ khi bị ông Việt tranh chấp, chính quyền địa phương không cho gia đình tôi đụng chạm gì tới phần đất này nên nó bị bỏ hoang đến nay gần 23 năm”, ông Thường nói.

Hơn 20 năm nay, gia đình ông Thường liên tục yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét lại sự việc cho thấu tình đạt lý, để gia đình ông sử dụng phần đất vốn dĩ được chứng minh là của mình bằng giấy tờ cụ thể. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng ở Cà Mau vẫn dựa vào quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vào năm 2000 để buộc gia đình ông Thường phải giao đất cho người mà theo ông cho là “từ trên trời rơi xuống”.

Thành Nhớ

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/ca-mau-chu-tich-ubnd-tinh-chi-dao-kiem-tra-sau-phan-anh-cua-bao-82647.html