Cá mập Mỹ cướp lợi ích của đồng minh Đức ra sao?

Mỹ đã sử dụng đòn bẩy chính trị thông qua đạo luật trừng phạt CAATSA để cướp mối lợi hàng chục tỷ euro của đồng minh Đức ở Iraq.

Iraq xin Mỹ không áp đặt CAATSA

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iraq Ahmed Mahjoub mới đây đã cho biết, Iraq đang chuẩn bị yêu cầu Washington miễn trừ cho Baghdad khỏi các lệnh cấm vận của Mỹ vì làm ăn với Iraq, theo Đạo luật “Chống những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt” (gọi tắt là CAATSA).

Vị phát ngôn viên này tiết lộ rằng, Iraq có thể yêu cầu Washington loại trừ hoàn toàn khỏi các lệnh trừng phạt, như Jordan đã được hưởng quy chế này vào đầu những năm 90, khi lệnh cấm vận đã được áp đặt lên Iraq.

Mahjoub cũng nhấn mạnh rằng, chính phủ Iraq có các khoản nợ đáng kể trong quan hệ thương mại và kinh tế với Iran; do đó, Baghdad hy vọng rằng Washington sẽ thể hiện sự cảm thông trong tình huống này.

Đồng thời, nhà ngoại giao nói thêm rằng chính quyền Iraq chống lại ý tưởng cô lập bất kỳ quốc gia nào, bởi tin rằng điều này là hoàn toàn không hiệu quả. Ngay cả Iraq cũng đã trải qua điều tương tự khi Mỹ đã có những nỗ lực để cô lập chế độ Iraq trong quá khứ, nhưng cuối cùng nó không ảnh hưởng đến chế độ Saddam Hussein, mà là dân thường Iraq.

Vào tháng 9, chủ tịch Phòng Thương mại Iraq-Iran Yahya Eshaq nói rằng, hai nước đã cam kết giao dịch thương mại bằng đồng euro và các đồng tiền quốc gia của hai bên, để tránh lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran trong lĩnh vực giao dịch tiền tệ bằng đồng USD.

Trump dọa áp đặt CAATSA khiến không chỉ các đối thủ, mà nhiều đồng minh của Washington phải bỏ các giao dịch với Nga và Iran để quay sang mua hàng của Mỹ

Vào tháng 5, Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Iran (IND - Iran Nuclear Deal), còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) và tái khôi phục các biện pháp trừng phạt chống lại Tehran. Hàng loạt các hạn chế kinh tế đầu tiên có hiệu lực vào tháng 8 và giai đoạn 2 đánh vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ Iran sẽ có hiệu lực vào tháng 11.

Ngoài ra, Mỹ còn đồng thời áp đặt sự trừng phạt đối với bất kỳ nước nào làm ăn với các công ty Iran, thông qua đạo luật CAATSA và Baghdad hoàn toàn có thể nằm trong danh sách trừng phạt của Washington nếu tiếp tục giao dịch dầu mỏ và các mặt hàng khác với Tehran.

Vậy việc Iraq tự tin “xin” Mỹ loại bỏ các biện pháp trừng phạt của CAATSA đối với mình dựa trên cơ sở nào, trong bối cảnh hàng loạt các công ty lớn của châu Âu đã phải giảm khối lượng, thậm chí dừng hẳn giao dịch thương mại và dầu mỏ đối với Iran?

Điều này xuất phát từ những mối lợi mà Iraq đã phải cắn răng trao lại cho Mỹ, nó cũng đồng nghĩa với việc Baghdad phải hủy bỏ những giao dịch với các đối tác khác và trong đó, một số đồng minh của Washington, điển hình là Đức cũng đã trở thành nạn nhân của con cá mập Mỹ.

Iraq hủy thầu với Đức, trao cho công ty Mỹ

Hồi tháng 9, Hãng tin Welt của Đức dẫn tuyên bố của Siemens cho biết, tập đoàn Đức đã đề xuất một chương trình khung tái thiết toàn diện cho Iraq, với phạm vi kinh tế rất lớn, mang lại nhiều lợi ích lớn cho Baghdad.

Công ty khổng lồ Siemens của Đức đã dành nhiều thời gian và tâm sức thuyết phục chính phủ Iraq để giành được hợp đồng trị giá 15 tỉ dollars khôi phục và xây dựng cơ sở hạ tầng điện ở nước bị chiến tranh tàn phá này.

Thương vụ này lẽ ra đã thành công mỹ mãn cho cả 2 bên cho đến khi Washington can thiệp và buộc Baghdad phải chọn General Electric của Mỹ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ca-map-my-cuop-loi-ich-cua-dong-minh-duc-ra-sao-3367872/