Cả làng rủ nhau nuôi cầy vòi hương

Từ chỗ chỉ 1 gia đình nuôi thử tại xã Hành Thiện, (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), đến nay mô hình nuôi cầy vòi hương đã lan rộng ra khắp làng và các khu vực lân cận.

Ông Hồ Duy Trung (sinh năm 1975, thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) là người đầu tiên nuôi cầy vòi hương.

Cầy vòi hương.

Cầy vòi hương.

"Năm 2007, vô tình có một cặp cầy vòi hương, tôi nảy ý định nuôi thử xem có hiệu quả không. Lúc đầu chỉ nuôi như thú cưng thôi. Cũng phải trải qua nhiều phen gian truân mới đến ngày hôm nay"- ông Trung kể.

Nhớ lại chặng đường "thuần hóa" cầy vòi hương, ông Trung cho biết đã tốn khá nhiều tâm sức để nghiên cứu, tìm hiểu.

Ông Hồ Duy Trung- người tiên phong nuôi cầy vòi hương ở Nghĩa Hành.

“Cầy vòi hương là giống hoang dã, có đặc điểm ăn vào ban đêm và ngủ ban ngày, trên rừng nó chỉ ăn trái cây nhưng mình thay đổi dần tập tính để phù hợp điều kiện nuôi nhốt. Lúc đầu tôi nấu cơm cho ăn, sau này nuôi nhiều thì nấu cháo cá, cho ăn thêm trái cây thêm. Cầy vòi hương không kén, ăn cũng ít nên chẳng tốn mấy. Tính ra chi phí thức ăn mỗi con từ 2.000-3.000 đồng/ ngày”- ông Trung chia sẻ.

Ngoài cháo, thức ăn cho cầy vòi hương còn là trái cây tươi.

Cầy vòi hương được nuôi trong ô chuồng và bắt đầu sinh sản sau khi nuôi từ 12-15 tháng. Nếu ổn định, mỗi năm, 1 con cầy vòi hương cái có thể mang lại thu nhập 20 triệu đồng từ việc bán con giống và xuất thương phẩm. Hiện tại, đối với chồn hương nuôi thương phẩm có trọng lượng đạt từ 3kg/con trở lên, bình quân giá bán 1,7 triệu/kg hơi.

“Nhớ nhất là năm 2017, hồi đó đàn cầy vòi hương khoảng 60 con, tôi mang lên Tây Nguyên để cho ăn thử cà phê, sản xuất cà phê chồn và phát hiện gặp vấn đề lớn là giống hoang dã này cần phải được cấp phép để nuôi. Sau đó về quê tức tốc đi xin phép, bây giờ thì ổn rồi. Tôi lập sổ theo dõi số lượng cầy vòi hương trong chuồng nuôi, định kỳ cơ quan chức năng sẽ đi kiểm tra”- ông Trung kể.

Từ những con ban đầu, đến nay đàn cầy vòi hương của ông Trung đã tăng lên gần 120 con (cả bố và mẹ), mỗi con đều có mã số trại nuôi đăng ký.

Mỗi con cầy vòi hương đều có mã số đăng ký.

“Cầy vòi hương chưa có thuốc thú y để phòng, điều trị bệnh. Bí quyết chính là không mang con giống từ nơi khác về để tránh mầm bệnh, chỉ nhân giống tại chỗ”- ông Trung nói.

Thấy mô hình nuôi cầy vòi hương hiệu quả, cộng thêm việc ông Trung sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, các hộ dân ở Phú Lâm Tây bắt đầu học theo, xây dựng chuồng trại, mua cầy vòi hương con về nuôi.

Khu vực chuồng nuôi cầy vòi hương của ông Hồ Duy Quang.

Ông Hồ Duy Quang (thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện) cho biết: “So với nuôi các con trâu, bò, heo thì nuôi cầy vòi hương hiệu quả kinh tế khá hơn hẳn. Con giống bán ở khắp các tỉnh, thành. Hiện nay nhu cầu mua con giống rất cao, số lượng ở xã Hành Thiện không đủ cung cấp ra thị trường. Sau hơn 2 năm, từ 2 cặp giống tôi đã có 17 con, sắp tới sẽ nuôi nhiều hơn”.

Để xây dựng chuỗi thương phẩm an toàn, bền vững, góp phần tăng thu nhập cho thành viên và phát triển kinh tế của địa phương, mới đây, xã Hành Thiện thành lập HTX nông nghiệp chăn nuôi cầy vòi hương Thiện Phát với 36 thành viên, vốn điều lệ 6,9 tỷ đồng.

Đây là HTX chăn nuôi cầy vòi hương đầu tiên được thành lập trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, nhằm sản xuất và cung ứng cầy vòi hương giống, cầy vòi hương thương phẩm.

Bà Phạm Thị Bích Hoa- Chủ tịch UBND xã Hành Thiện cho biết: “Trong số các xã viên, ngoài người dân ở Hành Thiện, còn có một số người ở địa phương khác cũng đăng ký tham gia. Trong điều kiện những năm gần đây, dịch bệnh ở heo, bò diễn biến phức tạp, người dân chưa dám tái đàn thì việc nuôi cầy vòi hương đang rất có triển vọng, được nhiều người lựa chọn”.

Mô hình nuôi cầy vòi hương đang được người dân Hành Thiện ưa chuộng.

Theo bà Hoa, sau khi thành lập HTX, UBND xã sẽ phối hợp với các ngân hàng, tạo mọi điều kiện để các xã viên có điều kiện vay vốn xây dựng chuồng trại, tái sản xuất chăn nuôi. Đề xuất Hạt kiểm lâm huyện cùng các ban, phòng ở huyện quan tâm, hỗ trợ về thủ tục theo quy định để người dân xuất bán cầy vòi hương giống cũng như sản phẩm từ HTX ra thị trường toàn quốc.

Chưa hài lòng với kết quả đạt được, ông Hồ Duy Trung- hiện là Giám đốc HTX chăn nuôi cầy vòi hương Thiện Phát còn ấp ủ dự định mở rộng thêm quy mô, chọn lọc và trồng cà phê để hướng tới sản xuất cà phê chồn- một loại cà phê có giá trị kinh tế rất cao và được thị trường ưa chuộng.

“Xa hơn nữa, tôi còn muốn từ mô hình này tiến tới khai thác xạ hương. Đây là cách tăng đàn cầy vòi hương để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với bán thương phẩm, con giống. Dĩ nhiên nó là chặng đường dài và nhiều gian nan, nhưng tôi tin sẽ làm được”- ông Trung khẳng định.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ca-lang-ru-nhau-nuoi-cay-voi-huong.html