Cả làng lên Hà thành lập chợ buôn bán, dựng khu phố riêng sầm uất
Ở số nhà 90 Hàng Đào, trung tâm buôn bán và lâu đời bậc nhất của Hà Nội, vẫn còn lưu giữ ngôi đình do người làng Đan Loan lập ra. Trong đình còn 4 tấm bia ghi nhận quá trình tôn tạo và trùng tu công trình.
Tấm bia có niên đại sớm nhất dựng vào tháng 9 năm Vĩnh Thịnh thứ hai (1706) còn ghi: “dân làng ta xưa nay nhiều người đi buôn các tỉnh, nhưng trú ngụ ở Hà thành nhiều hơn, cũng sống về nghề buôn bán và nổi tiếng nghề nhuộm”.
Làng Đan Loan xa xưa có tên gọi làng Đọc, thuộc Tống Minh Luân, huyện Đường An, nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Vốn là một làng nhỏ nằm giữa vùng châu thổ sông Hồng.
Lịch sử làng đã ghi: Vào thời nhà Đường cai trị nước ta, có một viên quan tên là Triệu Xương cùng vợ là Phương Dung công chúa đi qua vùng này, thấy làng quê trù phú, dân làng chịu khó cấy cày, lại ham đọc sách, nên ngự lại làng, dạy cho dân biết nghề nhuộm vải và tơ lụa, là nghề gia truyền bên Trung Quốc. Từ đó, dân làng Đọc có thêm nghề nhuộm (còn gọi là nghề ruộm). Dân làng nhớ công ơn nên thờ ông bà Triệu Xương làm Thành hoàng làng.
Tuy nhiên, theo một số nhà sử học, làng Đoan Loan được tách từ làng Hòa Lan, nơi có nhiều gia đình làm nghề y và vàng mã. Sau khi mới lập làng, một số người Đoan Loan vẫn theo nghề cũ, tiếp tục lên vùng núi rừng phía Bắc buôn bán thuốc rồi dần dần tìm ra công thức pha chế thuốc nhuộm điều và chuyển sang nghề nhuộm.
Trong khi người dân chỉ biết nhuộm hai màu chính là màu nâu (nhuộm bằng củ nâu) và màu đen, thường gọi là màu thâm (nhuộm nâu rồi ngâm vào bùn hẩu sẽ thành màu đen). Người làng Đọc biết nhuộm nhiều màu sắc, nào màu đỏ, màu hồng, màu xanh, màu tía... do biết cách pha màu nên người ta có thể nhuộm các màu theo ý muốn.
Nghề nhuộm đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội thời đó nên người làng Đọc đã có cơ hội làm giàu. Nhiều gia đình đã ra thành phố mở những cửa hiệu nhuộm. Những người còn ở lại làng thì với gánh đồ nghề nhẹ nhàng trên vai họ đã đi khắp chợ cùng quê để nhuộm thắm, nhuộm hồng, nhuộm tía và để tiền thiên hạ chảy về làng Đọc. Dân gian vùng này có câu ca: Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Trằm.
Vào thời Tiền Lê, những người thợ tài giỏi của làng đã được vua Lê mời vào cung nhuộm vải và tơ lụa, để làm tàn, lọng, áo mũ và nhuộm cả những sợi tơ tằm để làm tua, làm hoa gắn vào mũ áo của vua và các quan lại trong triều. Từ đó làng Đọc được gọi tên mới là làng Đan Loan. (Theo chữ Hán: Đan là màu đỏ, Loan là con chim Phượng mái màu Đỏ). Có nghĩa là nơi tạo ra nhiều màu sắc, với màu đỏ là màu rực rỡ nhất, những người thợ nhuộm của làng tần tảo, chịu thương, chịu khó như con chim loan bay đi khắp mọi nơi làm đẹp cho đời.
Không sử sách nào ghi người đặt tên cho làng, nhưng đây là cái tên vừa đẹp, vừa hợp với một làng thợ nhuộm. Chỉ nhắc đến hai từ Đan Loan, người ta đã hình dung ra những sắc màu rực rỡ, và những người thợ nhuộm tài hoa. Dù cho trong thiên hạ đã nhiều người học được nghề nhuộm, nhưng với bí quyết do cụ tổ nghề truyền lại thì màu sắc do chính tay người Đan Loan nhuộm vẫn chiếm được cảm tình của khách hàng, đáp ứng được sở thích từ vua chúa đến thứ dân.
Cho nên, dân làng Đan Loan có câu đối:
Thiên hạ thanh hồng do ngã thủ
Triều đình chu tử tự ngô gia
(Sắc màu xanh đỏ trong thiên hạ đều do tay ta.
Quần áo tía hồng ở triều đình cũng từ nhà ta mà có).
Từ thế kỷ XV, người dân làng Đan Loan ra Thăng Long hành nghề nhuộm ngày một đông, và lợi dụng có nhiều người làng làm quan trong phủ chúa Trịnh, nên họ đã kéo nhau về làm chủ phường Thái Cực (phố Hàng Đào ngày nay), lập ra một chợ riêng có tên Hoa Lộc để người làng buôn bán, chủ yếu hàng vải lụa, cạnh tranh trực tiếp với chợ Cửa Đông cũng vỗn buôn bán vải lụa.
Sự việc dẫn đến chợ Cửa Đông phải cử người thưa kiện. Sau khi xem xét, quan phủ Thừa Chính đã cho chợ Hoa Lộc được bán vải màu hồng, còn chợ Cửa Đông chỉ được bán vải màu tạp sắc. Đó là vào thời điểm của những năm đầu 1700. Phố Hàng Đào trở thành phố riêng của dân làng Đan Loan và họ giàu lên nhanh chóng".
Khi người Pháp đến Hà Nội, chúng không khỏi ngỡ ngàng đặt cho phố này cái tên thật đúng với thực chất của nó: Rua de la soie (phố tơ lụa). Đến các ngày phiên chợ hàng tơ, phố Hàng Đào bỗng trở nên lộng lẫy, rực rỡ hẳn lên như "chốn hang động của Ali Ba Ba".
Thế kỷ 18- 19 là thời kỳ phát triển cao độ của nghề buôn và nhuộm vải của người Đan Loan. Lúc này chợ Hoa Lộc, phố Hàng Đào thực sự là riêng của người Đan Loan.
Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi thuốc nhuộm hóa học tràn vào, nghề nhuộm cổ truyền bị phá sản, hầu hết những người Đoan Loan chuyển sang buôn bán thuốc nhuộm. Theo đà phát triển của nghề buôn bán, người Đan Loan mở được các cửa hiệu nổi tiếng như Đan Phong, Mỹ Lai Thanh, Đan Thanh, Tô Châu,... có trụ sở ở phố Hàng Đào. Riêng hiệu Đan Phong còn có tàu biển chạy sang Hồng Công, Nhật Bản mua thuốc nhuộm, vải vóc về bán.
Từ khi nền công nghiệp hiện đại phát triển, nhiều loại vải được nhuộm, hấp hoặc in hoa trước khi xuất xưởng, thì nghề nhuộm thủ công bị thu hẹp lại. Tuy vậy, người dân Đan Loan vẫn không bỏ nghề cổ truyền của mình. Người Đan Loan không muốn cái nghề độc đáo của làng mình bị thất truyền, họ đang tìm mọi cách để giữ gìn và phát triển.
Trong cuốn sách Tự truyện của doanh nghiệp Vũ Thị Lan (người con của làng Đan Loan, lập ra Cơ sở kinh doanh thuốc nhuộm Phú Cường từ năm 1978, nay là Công ty Cổ phần Công Nghiệp – Thương Mại Tân Phú Cường với ngành nghề chính là dệt, may và nhuộm) đã kể lại: Lúc này mới giải phóng, để hợp với thời cuộc, hợp với y phục lao động, người ta phải nhuộm cho màu sắc bớt rực rỡ đi. Như vậy, thời kỳ này nghề nhuộm là vua của mọi nghề, một nghề mà tôi nghĩ nói theo cụ Tú Xương thì "vừa nhuộm vừa la cũng đắt hàng". Cũng vào dịp này, trên thị trường thuốc nhuộm rất hiếm, nhất là thứ thuốc nhuộm đen. Tình hình ấy đã kích thích tôi một nỗi đam mê quyết tâm cháy bỏng là phải làm sao nhanh chóng tự pha chế ra thuốc nhuộm đen để làm chủ thị trường. Tôi cấp tốc đi khắp nơi lùng mua các loại thuốc từ xanh đậm, xanh lá cho đến vàng, đỏ, tím, hồng về mày mò cố tìm cách pha cho được ra màu đen, nâu sậm. Tôi đã thành công, đã tự chế ra những mẫu thuốc đang cần. Không ngờ, sau đó tôi còn tiến thêm bước nữa là từ đây tôi có thể chế ra màu gì cũng được. Kết quả đó đã là quan trọng, song phấn khởi hơn là sau đó không lâu một số hãng nhuộm lớn của quốc doanh và nhiều lò nhuộm tư nhân đã đến tận cửa hàng của tôi mua thuốc do tôi pha chế. Và từ đó, tức là từ một ngày tốt lành của năm 1977, cái lò nhuộm thủ công nhỏ nhoi của tôi chính thức nâng thành một cửa hàng có bảng hiệu, nơi giao nhận hàng tử tế... Tôi cũng không ngờ thuốc nhuộm do tôi pha chế đã ngày càng có uy tín trên thị trường và bán chạy lắm. Có ai đó đã gọị tôi là "nữ hoàng thuốc nhuộm" của Thành phố Hồ Chí Minh".
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/lang-nhuom-vai-dan-loan-611692.html