Ca khúc 'Tiến về Sài Gòn...' có 2 phiên bản

Âm nhạc là vũ khí – đó là cách ví von đầy thú vị để nói lên sức mạnh của nó. Những giai điệu hào hùng, sục sôi ý chí chiến đấu; những lãng mạn của tình yêu lứa đôi gắn liền với tình yêu quê hương đất nước đã trở thành liều thuốc tinh thần vô giá cho quân dân cả nước. Nó đã thể hiện được tiếng nói và tầm vóc của thời đại góp phần làm nên chiến thắng 30/4/1975.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Nhạc sĩ Tôn Thất Lập trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe. Ảnh tư liệu'

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Nhạc sĩ Tôn Thất Lập trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe. Ảnh tư liệu'

Âm nhạc của niềm tin tất thắng

NSƯT Quang Hưng từng chia sẻ, trưa ngày 30/4/1975, khi đang chăm chú theo dõi Đài Phát thanh Sài Gòn, bỗng vào lúc 12 giờ 15 phút đài im bặt rồi tiếng nhạc vang lên, giọng hát của chính ông vút cao: “Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây. Lướt qua nắng mưa súng bom nhịp chân đi. Quê hương kêu gọi tiến lên diệt quân Mỹ. Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù…”.

Tim như thắt lại và ông bật khóc. Khóc không chỉ vì bài hát do mình thể hiện, mà khóc vì vui sướng cho một ngày thống nhất, vốn luôn là một niềm tin nằm trong trái tim ông cũng như biết bao con người cùng thế hệ.

Có một điều đặc biệt, ca khúc NSƯT Quang Hưng nghe được trên đài phát thanh ấy là một bản nhạc ông đã thu thanh trước đó 7 năm tại Hà Nội. Khi chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân lịch sử mùa Xuân năm 1968, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từ chiến khu miền Nam ra Hà Nội công tác đã chọn Quang Hưng thu bài này thành 2 phiên bản, một theo giọng Bắc và một theo giọng Nam.

Ngay sau đó, một băng thu giọng Nam được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước trao cho các chiến sĩ có nhiệm vụ chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn để kịp thời phát sóng khi hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng chiến dịch đó đã không thành. Một băng còn lại, nhạc sĩ giữ bên mình và nó đã được sử dụng đúng thời điểm lịch sử 30/4/1975 tại Sài Gòn.

Nhạc sĩ tin rằng, ngày thống nhất đất nước nhất định sẽ đến. Bài hát được viết trong tưởng tượng nhưng khi phát ra đúng thời điểm lịch sử thì như thể được sáng tác trực tiếp cho thời khắc ấy.

Có lẽ hầu hết nghệ sĩ thời bấy giờ đều tin vào ngày toàn thắng và họ đã cống hiến hết sức mình để cho ra đời những bài hát hay thông qua làn sóng radio đến với đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Trong suốt những năm tháng kháng chiến gian khổ, đã có vô vàn tác phẩm âm nhạc từ hậu phương miền Bắc lan tỏa, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần cho đồng bào và chiến sĩ thêm lạc quan và quyết tâm chiến thắng giặc thù.

Mỗi chúng ta không thể nào nguôi xúc động khi cất lên những tiếng hát: “Đêm nay Bác cùng hành quân ra mặt trận…” hay “Đêm Trường Sơn chúng cháu nhìn trăng nhìn cây, cảnh về khuya như vẽ, bâng khuâng chúng cháu nghĩ. Bác như đã đến nơi này…” giúp người chiến sĩ thêm ấm lòng trên đường ra trận.

Không thể quên “Dọc đường hành quân con mang theo ngàn tiếng yêu thương, như bóng dáng mẹ hiền thân yêu, thấy đôi bàn chân thêm mạnh đường dài…”, những phút giây đối diện với cái chết nhưng tuổi trẻ nơi chiến trường vẫn phơi phới lạc quan: “Chào em, em gái tiền phương, ơi em gái tiền phương, hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn” để rồi những người lính Cụ Hồ lại hăng hái: “Ta đi qua phố qua làng ngọn đèn sáng giục lòng ta đó…”.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe tại Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Hát cho đồng bào tôi nghe

Nổi bật là phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe của học sinh, sinh viên tại Sài Gòn và các đô thị miền Nam từ những năm 1967 – 1970. Những cái tên tiêu biểu của thời kỳ này như: Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Tuấn Kiệt, La Hữu Vang, Trần Xuân Tiến…

Không còn là niềm tin của ước mơ, không chỉ là những phút lãng mạn dọc đường hành quân, niềm vui phơi phới đi mở đường, những ca khúc thuộc phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe có cách đấu tranh trực diện và thường mang sức nặng của các ca khúc tập thể.

Như ca khúc Hát cho dân tôi nghe của nhạc sĩ Tôn Thất Lập: “Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào. Hát qua đêm thiên thu lửa cháy lên trại giặc thù…”, và rồi còn nữa: “Ngày nào thênh thang dân đứng lên phá xiềng nô lệ. Ngày nào hiên ngang ta cùng nhau đứng chung đồng bào. Giành lại dòng sông này cho lúa chín khắp đồng xanh…”.

Không thể phủ nhận vai trò của âm nhạc trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Nhiều người tin rằng, âm nhạc đóng vai trò quan trọng, góp phần vào thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hay những âm hưởng thúc giục lòng người, hừng hực khí thế đấu tranh cao độ trong ca khúc Dậy mà đi của Nguyễn Xuân Tân: “Dậy mà đi! Dậy mà đi núi sông đang chờ… Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi”. Cũng có những giai điệu tự sự trữ tình mà chất chứa tình yêu quê hương đất mẹ, sẵn sàng hy sinh cho đất mẹ được bình yên: “Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng, nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương… Là người tôi sẽ chết cho quê hương…”, và hân hoan niềm tin vào một hiện thực trong tương lai: “Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm, từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền…” (Tự nguyện của Trương Quốc Khánh).

Có cả những lời ca như được vang lên từ trái tim người trẻ khi ấy: “Ôi Tổ quốc ta đã nghe lời réo gọi… Tổ quốc ơi! Ta đã nghe lời sông núi…” (Tổ quốc ơi! Ta đã nghe của La Hữu Vang)…

Là hoạt động của phong trào đề cao văn hóa dân tộc nên phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe được tổ chức công khai, ít vấp phải sự cản trở hoặc đàn áp của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Cũng vì thế nhiều chương trình được tổ chức hướng tới thanh niên, sinh viên tại các trường đại học.

Ngoài những chương trình lớn, các nhạc sĩ, ca sĩ miền Nam cũng liên tục tổ chức các chương trình ca nhạc ở quy mô nhỏ trên khắp các địa phương miền Nam nhằm nhân rộng tinh thần yêu nước và quyết tâm chiến đấu cho ngày thống nhất non sông.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/ca-khuc-tien-ve-sai-gon-co-2-phien-ban-3999171-b.html