Như lời đồn, Như cái lò, Nắng cực: Tên bài hát đây sao?

Thời đại phát triển của công nghệ số đi kèm với sự phát triển của âm nhạc. Thế nhưng, không ít những bài nhạc thiếu đầu tư, thẩm mỹ, thậm chí dung tục phản cảm cũng ra đời từ đây.

Tên ca khúc “Như lời đồn” khiến nhiều người liên tưởng và xuyên tạc thành những nghĩa nhạy cảm

Tên ca khúc nhảm, nội dung kém

Như lời đồn (sáng tác: Khắc Hưng) là sản phẩm âm nhạc mà ca sĩ Bảo Anh vừa ra mắt, đã ngay lập tức gây “bão” trên mạng xã hội. Tương tự Như cái lò (2017), sáng tác mới của nhạc sĩ Khắc Hưng lại gây tranh cãi. Tên bài hát Như lời đồn - #NLĐ khiến nhiều người liên tưởng tới một nghĩa khác mang hàm ý nhạy cảm. Chính ca sĩ Bảo Anh sau khi phát hành sản phẩm, cũng phải nhắn nhủ khán giả: “Đề nghị các bạn trẻ ngưng đọc lái tên bài hát dưới mọi hình thức”. Bất chấp vậy, ca khúc đã nhanh chóng gây được chú ý nhờ kích thích sự tò mò của khán giả ngay từ tiêu đề.

"Các bảng xếp hạng âm nhạc hiện nay cũng chưa có những hội đồng chuyên môn thẩm định, đánh giá về nội dung và nghệ thuật. Điều đó dễ khiến người nghe nhầm tưởng những bài hát trong BXH là bài hát tốt nên mới được nghe nhiều, trong khi thực tế có khi không phải vậy. Thị trường âm nhạc hiện nay rất lộn xộn, hàng giả hàng thật lẫn lộn. Hàng giả về vật chất được quan tâm nhưng những thứ hàng giả về tinh thần, có thể đầu độc tâm hồn của con người lại thường bị bỏ lơ”.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh

Dễ thấy việc đặt tên một ca khúc khiến người khác liên tưởng dường như đang là “mốt” của nhiều nhạc sĩ trẻ. Trước Như cái lò; Như lời đồn, đã có ca khúc Nắng cực (sáng tác: Phạm Toàn Thắng), Xếp hình (sáng tác: Tăng Nhật Tuệ)… cũng gây tranh cãi suốt một thời gian dài. Nhưng nhờ vậy, các ca khúc này đã thu hút được nhiều lượt nghe và tạo thành một xu hướng cho cộng đồng mạng chế lời, chế ảnh.

Không chỉ tên bài hát, nhiều bài hát được phổ biến trên trang xếp hạng âm nhạc thậm chí có ca từ mang tính dung tục, thiếu thẩm mỹ. Trong bài hát có cái tên dễ gây xuyên tạc như Thu Dẩm (sáng tác: LK) lời bài hát mang tính phản cảm và có xu hướng gợi dục như: “Cô ta mắc bệnh dẩm tên thu/ Bệnh dẩm tên thu/ Săn lùng ở trên mọi góc hình/ Đêm đến cô ta mới là chính mình...”. Hay bài rap Tao và mày của ca sĩ Kelbin, lời bài rap khá thô thiển: “Tóm gọn lại điều tao muốn nói trong bài này, là cám ơn tụi mày vì đã là bạn tao và coi tao là bạn/ D** mẹ hai thằng khốn nạn, nhớ mua cọp cho tao nha”.

Trước đây, từng có ca khúc Phiếu bé ngoan (Yanbi và Mr.T) khi ra mắt cũng bị phản ánh là có ca từ tục tĩu, phản cảm, mang tính khiêu dâm và mô tả hành vi tình dục một cách trơ trẽn. Ca khúc này sau đó đã bị Thanh tra Bộ VH, TT&DL yêu cầu gỡ bỏ trên các trang nghe nhạc trực tuyến. Đây là một trong số những ca khúc bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì tính dung tục, cùng với một số ca khúc như: Oh my chuối (Sĩ Thanh), MV Em không hối tiếc (Hương Giang Idol)…

Văn hóa tầm thấp của người sáng tác

Khắc Hưng vốn là nhạc sĩ từng giành giải Âm nhạc Cống hiến, một giải thưởng có uy tín trong giới âm nhạc. Thế nhưng, bên cạnh những bài hát ăn khách của mình, nam nhạc sĩ vẫn có xu hướng sáng tác hùa theo số đông. Như cái lò hay Như lời đồn là một ví dụ. Nói về điều này, nhà báo Hữu Trịnh - Trưởng BTC giải thưởng Âm nhạc Cống hiến cho hay, những sáng tác trên không nằm trong hạng mục được đưa vào đề cử của giải thưởng. Giải Âm nhạc Cống hiến chỉ đánh giá hoạt động của nghệ sĩ trong một năm. Nếu các nhạc sĩ có những sản phẩm không hay, báo chí phải có ý kiến. Ngoài phạm vi đó, BTC không xét và cũng không có ý kiến.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, một bài hát phải đẹp từ giai điệu đến ca từ, nội dung ý nghĩa và cả cái tên mới là sự hoàn mỹ. Những người sáng tác phải có trách nhiệm miêu tả cái đẹp, tôn vinh và gìn giữ cái đẹp để hướng tâm hồn của chính mình và của mọi người đến với những điều tích cực trong cuộc sống. Từ cảm xúc đẹp sẽ dẫn đến suy nghĩ đẹp và đến hành vi đẹp, lối sống đẹp.

Video bài hát Như Lời Đồn ca sĩ Bảo Anh vừa ra mắt

Bản thân nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đánh giá rất thấp những người mang trên vai tấm áo “nghệ sĩ” nhưng cứ muốn thể hiện cái ngông, thô và tục trong những tác phẩm của mình. Theo anh, là nghệ sĩ đúng nghĩa nên định hướng khán giả chứ không nên hùa theo, vì đại đa số khán giả trẻ dân trí còn thấp.

“Tại sao phải cố tình đặt những cái tên như thế để truyền thông, gây tò mò và tạo trào lưu? Mong muốn bài hát được chú ý đến mức đánh đổi cả sĩ diện của mình lẫn cảm tình thật sự của khán giả dành cho bài hát, có đáng không? Không lẽ, bài hát bên trong dở đến mức sợ không có ai nghe nên mới dùng đến hạ sách này? Những bài hát với những cái tựa như thế tuyên truyền được điều gì cho người trẻ?”, nam nhạc sĩ bày tỏ về những tựa đề bài hát dễ gây xuyên tạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng cho rằng, đã khoác lên mình chiếc áo “nghệ sĩ”, “nhạc sĩ” hãy tôn trọng bản thân, tôn trọng khán giả yêu mến mình, tôn trọng nghề nghiệp và tôn trọng chính chất xám và những tác phẩm của mình. “Nghệ sĩ hoàn toàn có thể bày tỏ cái tôi, cái bất mãn với cuộc sống thông qua các tác phẩm, nhưng phải có văn hóa, trí tuệ và có nghệ thuật”, nhạc sĩ của Ngôi nhà hoa hồng nhấn mạnh.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội đánh giá, pháp luật đã có những quy định cụ thể về những bài hát vi phạm thuần phong mỹ tục, nhưng vẫn còn những kẽ hở cho những người sáng tác các bài hát thiếu tế nhị và thiếu thẩm mỹ. Ông đồng ý các nhạc sĩ có thể viết những gì mình thích nhưng những điều đó phải có văn hóa, có tính nhân văn và được xã hội chấp nhận. Những bài hát có lời lẽ thô tục nhằm câu view, không có tác dụng gì với đời sống thì phải lên án.

Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nhu-loi-don-nhu-cai-lo-nang-cuc-ten-bai-hat-day-sao-d275600.html