Ca ghép tay đầu tiên trên thế giới được bác sĩ Việt thực hiện thế nào?

Ca ghép chi thể đầu tiên từ người cho sống trên thế giới được thực hiện thành công tại Việt Nam là hy vọng của nhiều bệnh nhân không may mất đi một phần cơ thể.

Trong buổi họp báo công bố thực hiện thành công ca ghép chi thể lấy từ người cho sống, GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BVTWQĐ 108), chia sẻ chiều 27 tháng Chạp (ngày 21/1) khi mọi người tấp nập chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các bác sĩ lại liên tục tổ chức nhiều cuộc hội chẩn để quyết định thực hiện ca mổ đặc biệt: Ghép bàn tay mới cho bệnh nhân Phạm Văn Vương (31 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội).

Quyết định này được các bác sĩ nhận định "đúng thời điểm" và "nếu không ghép, có lẽ không bao giờ có thể làm được". Ca mổ lần đầu tiên trên thế giới này đã diễn ra thế nào?

3 năm chuẩn bị, 8 tiếng phẫu thuật, 18 ngày hậu phẫu

Ngày 21/1, bệnh nhân Phạm Văn Vương đã được phẫu thuật ghép 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay lấy từ người cho sống. Ca phẫu thuật do trực tiếp GS.TS Nguyễn Thế Hoàng, Phó giám đốc bệnh viện cùng các bác sĩ khoa Chi trên và Vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình thực hiện.

Theo GS Nguyễn Thế Hoàng, sau 8 tiếng phẫu thuật căng thẳng, tất cả cấu trúc giải phẫu chức năng của chi ghép như da, gân cơ, xương, khớp, mạch máu, thần kinh.... đã được phục hồi hoàn chỉnh và đầy đủ. Chi ghép sau mổ sống tốt và được tưới máu giống như chi bên lành.

 Các bác sĩ BVTWQĐ 108 hội chẩn trước ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.

Các bác sĩ BVTWQĐ 108 hội chẩn trước ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.

"Bệnh nhân Vương được cách ly và chăm sóc theo chế độ đặc biệt 24/24, có sự phối hợp của rất nhiều chuyên khoa như Chấn thương chỉnh hình và Vi phẫu thuật, Chống thải ghép, Giảm đau sau mổ, Dinh dưỡng, Vật lý trị liệu, Phục hồi chức năng,... Một tháng sau mổ, diễn biến của ca ghép thuận lợi. Bàn tay sống, được tưới máu tốt và tất cả các vết thương đều đã liền. Bệnh nhân đã nhúc nhích ngón tay, cầm được vật thô.", GS. Hoàng cho hay.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh thành công của ca ghép mở ra hướng điều trị mới trong tương lai, không chỉ ghép chi thể từ người hiến chết não mà còn từ người sống cho những người bệnh không may bị mất đi chi thể.

Đây là ca ghép chi thể đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là trường hợp đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.

Thời gian phục hồi phần chi thể được ghép là 6-12 tháng.

GS. Nguyễn Thế Hoàng cho biết trường hợp hiến tay là một bệnh nhân 51 tuổi bị chấn thương phức tạp ngày 3/1 do băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên tay trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay cho đến sát nách. Các bác sĩ đã nỗ lực điều trị trong 3 tuần, trải qua 3 lần phẫu thuật với mong muốn cứu được cánh tay cho bệnh nhân, nhưng tình trạng hoại tử vùng khuỷu tay và cơ, nhiễm trùng không cứu vãn được và đe dọa tính mạng.

"Trải qua 18 ngày nỗ lực điều trị nhưng vùng tổn thương của bệnh nhân đã bắt đầu hoại tử, bốc mùi, không còn cơ hội để bảo tồn. Ngay cả bệnh nhân cũng mong muốn cắt bỏ cánh tay đang thối rữa. Vì vậy, khi chúng tôi đề cập 1/3 cánh tay dưới bỏ đi vẫn có thể ghép cho một người khác, người nhà và bệnh nhân lập tức đồng ý. Đó là một nghĩa cử nhân văn và cao đẹp", GS. Hoàng nói.

Sau nhiều xét nghiệm, anh Vương là người phù hợp về nhóm máu, hệ thống miễn dịch, Hội đồng y đức của bệnh viện đã quyết định đồng ý cho ca ghép này. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng chỉ được phép đưa ra khi các bác sĩ kiểm tra trong quá trình cắt bỏ phần chi thể hoại tử của người bệnh. Bàn tay hiến tặng đối diện với nguy cơ nhiễm trùng rất cao, có thể đe dọa tính mạng người được ghép nếu không kiểm tra kỹ lưỡng.

GS Hoàng chia sẻ đây là quyết định khó khăn vì có nhiều nguy cơ, thách thức ê-kíp phẫu thuật. Ghép chi thể là một kỹ thuật rất khó, phức tạp, là đỉnh cao của phẫu thuật tạo hình và vi phẫu thuật mạch máu thần kinh. Bên cạnh đó, người nhận đã cắt mỏm cụt 4 năm, các bó cơ dường như không hoạt động, vấn đề thải ghép cũng là thách thức lớn.

Không chỉ vậy, quá trình chăm sóc sau ghép cũng cần cẩn trọng, sát sao. Bệnh nhân ghép tạng đồng loại phức hợp phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời, liều lượng có thể giảm dần theo khả năng phục hồi.

GS Hoàng cho hay để có thể thực hiện ca phẫu thuật này bệnh viện đã có 3 năm chuẩn bị các cơ sở pháp lý, khoa học và những thủ tục cần thiết liên quan đến vấn đề y đức, điều trị sau ghép...

Đồng quan điểm, GS. Mai Hồng Bàng cho biết: "Nhiều trăn trở nhưng chúng tôi vẫn tự tin bởi đã có đầy đủ cơ sở từ lý luận đến thực tiễn để tiến hành. Năm 2008, GS Nguyễn Thế Hoàng là một trong 5 phẫu thuật viên chính được mời tham gia thực hiện ca mổ ghép hai cánh tay đồng loại đầu tiên trên thế giới cho một công dân Đức tại Bệnh viện ngoại khoa Rechts der Isar ở Munich, thu hút sự quan tâm, theo dõi của các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế. Hơn thế, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại BVTWQĐ 108 cũng được trang bị ngang tầm quốc tế. Nếu không ghép, có lẽ chúng tôi không bao giờ có thể làm được".

Nhận định về thành công của các bác sĩ BVTWQĐ 108, GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam, nói: "Tôi muốn chia sẻ hai chữ 'tuyệt vời'. Kỹ thuật ghép chi thể đứt rời rất phức tạp, các nước tiên tiến đi trước chúng ta hàng chục năm nhưng cũng chưa thực hiện được ca ghép chi thể từ người cho sống. Họ muốn lắm chứ. Tuy nhiên hiếm có cơ hội bệnh nhân chấn thương đứt rời chi vẫn đủ điều kiện để ghép lại. Hơn nữa, không phải cơ sở nào cũng làm được. Quan trọng, nếu không quyết tâm, các bác sĩ không thể chớp được cơ hội ghép chi thể cho người bệnh từ chi thể đã buộc phải bỏ đi của người khác".

Phép màu từ người lạ

4 năm trước, anh Vương không may bị tai nạn lao động trong khi làm việc. Khi đó, toàn bộ 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái của anh bị tổn thương nặng, biến dạng hoàn toàn. Được cơ quan và bạn bè băng bó rồi đưa ngay đến BVTWQĐ 108 cấp cứu, nhưng sau khi thăm khám kỹ lưỡng tình trạng tổn thương, các bác sĩ buộc chỉ định cắt cụt chi thể cấp cứu cho anh do vết thương dập nát nặng và hoàn toàn không còn khả năng bảo tồn.

Vết thương mỏm cụt liền sẹo và anh được xuất viện sau 2 tuần điều trị, nhưng mất tay khi còn rất trẻ, khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và những hạn chế trong lao động luôn khiến anh tự ti.

Anh Vương cũng vui mừng vì bàn tay mới hòa hợp.

Năm 2016, gia đình anh Vương đã đăng ký vào danh sách chờ hiến chi thể. Đến tối 26 Tết (20/1) khi nhận được điện thoại của GS Nguyễn Thế Hoàng, thông báo có người đồng ý hiến chi, anh Vương rất bất ngờ và hồi hộp. 5h anh đã bắt xe đến bệnh viện.

"Khi được GS Hoàng gọi điện và thông báo có một cơ hội được ghép chi, tôi rất vui mừng và không đắn đo, hoàn toàn tin tưởng vào bác sĩ. 9h ngày 28 Tết, tôi tỉnh dậy và nhìn thấy đôi bàn tay mới của mình, cảm giác như đang mơ. Một lần nữa tôi lại có đủ cả 2 bàn tay", anh Vương xúc động nói.

Anh Vương cũng vui mừng vì "bàn tay mới" hòa hợp. Anh gửi lời tri ân đến các thầy thuốc, đến người đã đồng ý để bàn tay này tiếp tục sống trên cơ thể anh.

Về bệnh nhân hiến chi thể, GS Bàng cho biết cũng đã được cho vào danh sách chờ ghép. Nếu có nguồn chi thể hiến phù hợp, cơ hội có lại cánh tay cũng sẽ đến với người bệnh.

Trên thế giới, từ năm 1998 đến nay, chỉ có khoảng 89 ca ghép chi thể trên thế giới được thông báo trong y văn quốc tế. Các trường hợp được ghép đều lấy nguồn từ người cho chết não. Tại các nước Đông Nam Á, đến nay chưa có một ca ghép chi thể đồng loại nào được thông báo trong y văn thế giới. Đây là ca đầu tiên trên thế giới được tiến hành ngay tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tuệ Anh
Ảnh: BVCC

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ca-ghep-tay-dau-tien-tren-the-gioi-duoc-bac-si-viet-thuc-hien-the-nao-post1051253.html