Ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam ngày ấy và bây giờ

Đã 13 năm trôi qua từ ghép gan đi vào lịch sử ngành ghép tạng Việt Nam, bé Nguyễn Thị Diệp - bệnh nhân may mắn được chọn ghép - nay đã là cô gái xinh đẹp, trưởng thành.

Cô bé 9 tuổi được ghép gan năm 2004 giờ đã trưởng thành

Nguyễn Thị Diệp, ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định là bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện ghép gan. Ca ghép gan diễn ra vào tháng 1.2004, khi đó Diệp mới 9 tuổi. Trong câu chuyện, Diệp không quên nhớ lại những kỷ niệm ca ghép gan khi em mới 9 tuổi. Lúc đó, Diệp còn quá bé để nhớ hết mọi chuyện nhưng qua lời kể của bố mẹ, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Diệp vẫn có những hình dung về ca ghép hồi sinh cuộc đời mình. Diệp được GS Lê Thế Trung – nguyên giám đốc Học viện quân y – đã cùng các đồng nghiệp thực hiện thành công ca ghép.

Diệp bị teo đường mật bẩm sinh, đã qua phẫu thuật Kazai (nối đường mật với ruột) từ lúc 3 tuổi, đến năm 9 tuổi em bị xơ gan, chảy máu. Em được nhận gan từ một trong hai người cho là ông nội (Nguyễn Quốc Được, 56 tuổi)  hoặc bố (Nguyễn Văn Phòng 31 tuổi). Nhưng cuối cùng, người cho gan phù hợp là bố em.

Mỗi khi nhớ lại ca ghép gan cho mình, Diệp mở những tấm ảnh về ca ghép gan được em lưu giữ trong điện thoại. Diệp nói từng người: Ông Lê Thế Trung (GS Lê Thế Trung – nguyên giám đốc Học viện quân y – đã cùng các đồng nghiệp thực hiện thành công ca ghép cho Diệp – PV) đây ạ. Giờ ông đã cao tuổi nhưng lần nào em vào thăm ông vẫn nhớ lắm. Ông Đỗ Tất Cường, nguyên Giám đốc Học viện quân y 103 cũng giúp đỡ em nhiều lắm. Còn nhiều bác sĩ nữa. Mỗi lần vào viện, em đều qua chào hỏi các bác. Ai cũng yêu quý, động viên em học giỏi.

Từ sau ca ghép gan thành công, Diệp phải sử dụng thuốc chống thải ghép. Hàng tháng, hai bố con lại vào bệnh viện khám sức khỏe, lấy thuốc. Thời gian đầu, sức khỏe còn yếu, Diệp phải nghỉ học một năm. Em học chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa 1 lớp. Suốt những năm học phổ thông, dù sức khỏe không được như các bạn nhưng Diệp vẫn cố gắng học tập. Em đến lớp và học tập như các bạn, không có sự ưu ái nào. Diệp lên lớp đều và trở thành sinh viên đúng với mơ ước của em.

Diệp đã tốt nghiệp Trung cấp quân y 1, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Em mong muốn xin được việc phù hợp với sức khỏe, khả năng của mình. Em mơ ước được công tác trong ngành y. Giờ đây, mơ ước của cô bé Diệp đang từng bước thành hiện thực.

Anh Nguyễn Văn Phòng, bố Diệp, đã 13 năm trôi qua, vẫn gương mặt xương xương nhớ lại: Hồi mới từ Học viện quân y 103 về, sức khoẻ cháu có giảm sút nhưng giờ đỡ hơn nhiều. Trước khỏe còn đi làm ăn xa chứ giờ cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng, chăn nuôi con lợn, ai trong làng thuê sửa điện nước thì tranh thủ làm thêm lo cho các con ăn học, thuốc thang cho 2 bố con. Mặc dù có bảo hiểm y tế chi trả thuốc nhưng những thuốc không được thanh toán gia đình vẫn phải bỏ tiền ra mua. Diệp và em trai học xa hàng tháng cũng phải gửi tiền sinh hoạt cho các cháu. Vất vả nhưng mừng vì Diệp đã khỏe lại được đi học. Chỉ mong con khỏe để tương lai tốt hơn.

Sức khoẻ của Diệp đã khá lên rất nhiều. Ngoài thời gian học tập, Diệp có thể cùng bạn bè vui chơi. Dù Diệp đã khỏe nhưng lúc nào cũng cần người thân bên cạnh phòng lúc em đau ốm. Thỉnh thoảng Diệp lên cơn động kinh, các bác sĩ đang chẩn đoán nhiều khả năng đó là phản ứng phụ sau một thời gian uống thuốc chống thải ghép. Hiện các bác sĩ đang tìm hiểu để có hướng điều trị cho Diệp.

Xin chúc cho Nguyễn Thị Diệp có sức khoẻ để thực hiện mơ ước của mình.

Lệ Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/ca-ghep-gan-dau-tien-tai-viet-nam-ngay-ay-va-bay-gio-562652.ldo