Cá đù một nắng...

Ý THU

(Báo Quảng Ngãi)- Chưa gay gắt, nóng phừng như mùa hè, nắng đầu tháng tư nhẹ nhàng, dịu dàng như cô gái tuổi đôi mươi cứ thế chảy luênh loang trên tấm tôn sau nhà. Trèo lên chiếc thang tre ọp ẹp, má tỉ mỉ trải, phơi từng con cá đù lên tấm tôn. “Anh hai con thèm món cá đù phơi một nắng rồi chiên mắm lắm. Ăn hết cả nồi cơm chứ chẳng chơi”, bà Nhơn cười nói với Tư.

Ừ thì năm ngoái, vào chừng này, má của Tư cũng lụi cụi xẻ cá, tẩm gia vị rồi mang đi phơi. Mùi cá quyện với mùi nồng của muối ớt mới nghe qua thì thấy tanh, chứ Tư nghe hoài rồi thành quen. Tư quen với mùi tanh của cá, quen với cảnh những buổi trưa tháng tư đang ngủ, má giật mình ngồi bật dậy rồi trèo lên thang để trở cá đù. Năm 40 tuổi, má trèo thang phơi, trở cá đù. Rồi đến khi ngoài 60 tuổi, má cũng còn lọ mọ trèo lên thang...

***

Hay tin con trai sắp về quê, bà Nhơn nằm thao thức không ngủ được. Sau khi lui cui dọn phòng cho con thêm lần nữa, bà Nhơn lại cặm cụi lục mớ rau má, xà lách ra lặt lúc nửa đêm. “Thằng hai về mà thấy mớ rau này, nó lại cười hề hề đòi nướng bánh tráng để nó cuốn rau cho mà xem. Nó sẽ bảo má ơi con ngán rau má, rau xà lách cao sản ở thành phố, con thèm rau quê mình”, bà Nhơn tự ngẫm rồi tự cười một mình.

Nghe tiếng bà Nhơn lục đục, Tư trở mình dậy càu nhàu: “Trời ơi! Má ngủ đi! Gần trưa ổng mới về tới nơi mà! Má ưng làm gì thì cứ chờ trời sáng!”

Bà Nhơn thấy Tư không vui, liền đặt lại rổ rau ra ảng nước, rồi chậm rãi leo lên giường. Trằn qua trọc lại, vẫn không tài nào chợp mắt, bà Nhơn lại khều khều Tư rồi bảo: “Con có nhớ anh hai hông? Má chỉ mong trời sáng để được gặp nó. Ôi cái thằng! Sao không làm việc ở quê cho gần, mà bôn ba tận thành phố xa xôi”.

Tư chưa ngủ, nhưng lặng thinh không đáp. Bà Nhơn thấy Tư không động tĩnh gì, nên thôi không hỏi nữa. Kéo chiếc mền trùm kín đầu, nhưng bên tai, bà vẫn nghe rõ mồn một tiếng ếch nhái kêu râm rang ngoài đồng vọng lại. Lòng bà Nhơn lại tiếp tục nhớ đến con trai. “Phải mà có thằng hai ở nhà lúc này, chắc là nó sẽ cầm đèn pin đi soi nhái. Soi về lại bảo má ơi xào lá lốt cho con ăn với cho coi”, bà Nhơn tự nhủ. Tự nhủ xong, tự dưng bà nhận ra lòng mình đang nhớ chằng nhớ chịt đứa con tha phương của mình. Nỗi nhớ của bà cứ như ly nước đang đong đầy, chỉ chực chờ nghe tin con về là như thêm vào ly một “giọt nhớ”, khiến nỗi nhớ vỡ òa ra, lai láng khắp nơi.

***

Đúng như dự đoán của bà Nhơn! Đứa con trai của bà dù đã ngấp nghé 30, nhưng vừa nhìn thấy rổ rau xanh mơn mởn liền sà vào lòng bà để nũng nịu đòi ăn bánh tráng cuốn với rau sống và thịt heo như thời thơ bé.

Chiều lòng con, bà Nhơn lật đật lấy giỏ chạy đi chợ mua thịt heo. Trước khi đi, bà không quên dặn Tư ở nhà nhớ quạt than nướng bánh tráng và làm chén mắm cái thiệt ngon để lát anh hai chấm rau.

Hai má con nấu nướng xong xuôi cũng vừa kịp đến giờ cơm trưa. Ấy vậy mà, anh hai của Tư lại lấy xe dọt ra khỏi nhà chỉ sau một cú điện thoại của bạn.

Tư bực bội chẳng buồn nói! Còn bà Nhơn, thì gọi với theo: “Con ơi! Ở lại ăn miếng rồi hẵng đi”.

Thấy con khuất dạng, bà Nhơn càm ràm với Tư: “Lại đi nhậu đấy mà. Chưa kịp ăn gì đã nốc bia nốc rượu, thì bao tử nào mà không hư!”

Nghe giọng bà Nhơn xót xa, Tư chẳng đáp lại. Tư chỉ gọn lỏn: “Má! Ăn nhanh rồi dọn, kẻo ruồi!”.

Bà Nhơn ờ một tiếng rồi ngồi thừ ra. Mọi khi, bà cũng thèm ăn bánh tráng quấn rau sống và thịt heo lắm! Ấy thế mà giờ, tự dưng bà thấy nhạt mồm nhạt miệng chẳng muốn ăn...

***

Bà Nhơn đang đứng chiên cá đù một nắng trong bếp, thì con trai chạy vào tỉ tê. Chuyện là con của bà muốn xin bà ít vốn để gom tiền mua chung cư trong thành phố.

“Giá chung cư ở trỏng đang tăng lên từng ngày, nên anh của con muốn mua đi bán lại để kiếm lời. Giờ má tính bán đi mảnh vườn rồi cho tiền anh. Con thấy sao?”, bà Nhơn ướm lời với Tư.

Tư không đồng tình, cũng chẳng phản đối, chỉ gọn lỏn: “Tùy má”. Bởi trong lòng Tư biết rõ, má đã quyết định rồi! Giờ má hỏi Tư, cũng chỉ là muốn thông báo cho Tư biết vậy thôi!

Tư không lấy điều đó làm buồn. Nhưng khi nghĩ về má, rồi nghĩ về anh hai, lòng Tư bỗng dâng lên một nỗi lo âu mơ hồ. Tư không định hình được chính xác đó là gì, chỉ là trong lòng Tư cứ thấy bất an, trăn trở...

Còn anh hai của Tư, khi nhận được cái gục đầu của má, anh ôm chầm má vào lòng, rồi hồ hởi bảo: “Cảm ơn má đã sinh con ra lần hai. Giờ, con sẽ không phải đi làm công ăn lương và nghe theo người ta sai khiến! Con sẽ phấn đấu làm ăn, rồi mua nhà lầu, xe hơi cho má và Tư”.

Bà Nhơn nghe con trai nói xong liền cười bảo: “Thôi đừng có nói trước. Má chỉ cần con ổn định được cuộc sống của chính mình và mau cưới vợ là má vui!”.

***

Sau khi bán đi mảnh vườn, má và Tư chỉ còn lại căn nhà cấp 4 chật chội. Không còn mảnh vườn để má ra nhổ cỏ, trồng rau; cũng chẳng còn cây mận, cây xoài để má cột võng nằm đung đưa... Tư biết má cảm thấy buồn chán và tù túng lắm.

Ấy vậy mà lúc nào, má cũng giả đò với Tư là má không nhớ, không thương vườn cũ. “Hổng còn vườn, má đỡ mất công quét lá sáng, chiều”, má giả đò nói vu vơ với Tư như thế trong những lần chậm rãi đi ra trước nhà, rồi ngó nghiêng sang mảnh vườn đã từng in dấu chân má, dấu chân Tư sớm chiều.

Má giả đò, Tư cũng giả đò theo! Tư vờ như mình không luyến lưu gì vườn cũ, vờ như mình đã quên hết rồi những buổi trưa hè oi ả ngày bé dại, Tư trốn ngủ trưa rồi lén má chạy ra vườn vọc cát. Tư cũng chẳng còn nhớ gì đâu, dưới bóng cây khế cổ thụ trong vườn nhà, ba Tư khi còn sống vẫn thường trải chiếu rồi dựng mấy tàu lá chuối vào gốc khế làm cái lều bằng lá cho Tư nằm lăn ra vui chơi...

Tư giấu nước mắt, giả vờ để mắt mình ráo hoảnh vào cái ngày nhìn chủ nhân mới của mảnh vườn cho xe đến san ủi để dựng lên một trạm xăng. Tư giấu nỗi buồn, giả vờ reo vui nói với má: “Nhà mình giờ nằm kế bên trạm xăng, đông vui phải biết luôn má hê!”

Má ừ với Tư một tiếng mà Tư ngỡ như má gom hết tiếng thở dài bỏ vào đấy. “Tiếng ừ nghe sao mà nặng nề quá má à”, Tư muốn nói với má như thế. Nhưng rồi, Tư lặng im.

***

Tư lại thấy má khệ nệ mang chiếc thang tre ra mái hiên trước nhà để phơi cá đù. Má bảo lâu rồi không thấy anh hai về chơi, nên má phơi cá đù đặng gửi đi thành phố làm quà cho anh.

Má phơi cá đù. Tư lui cui nấu cơm sau nhà. Thế rồi Tư nghe tiếng ngã, đổ và tiếng la thất thanh của má.

Tư chạy lên thì thấy má nằm sõng soài dưới đất. Trước khi bất tỉnh, má hãy còn thều thào nói với Tư là: “Từ từ hẵng gọi cho anh hai. Kẻo nó lo”...

Má dặn vậy, nhưng Tư đâu thể nào lặng im để tùy ý má như mọi lần. Tư điện thoại ngay cho anh hai để báo tin tình trạng của má đang chuyển biến xấu. Nỗi lo sợ sắp mất đi điều quý giá nhất cuộc đời, khiến Tư đâu thể nào giả vờ mạnh mẽ thêm được nữa. Tư mong anh trai về thật nhanh với mình lúc này. Tư mong hai anh em sẽ cùng nắm chặt lấy đôi bàn tay gầy guộc, già nua của má. Tư sợ thiếu đi hơi ấm của một bàn tay là lại thiếu đi một nguồn sức mạnh để níu má ở lại với thế gian này...

***

Anh hai chạy về với má và Tư. Tư khóc, anh hai cũng khóc...

Chỉ có điều, nếu như Tư dốc hết tiền tích lũy bao năm và chạy đôn chạy đáo mượn bạn bè, đồng nghiệp để lo tiền phẫu thuật cho má, thì anh hai chỉ gãi đầu gãi tai bảo với Tư rằng: “Em ráng xoay, nếu không đủ thì kiếm chỗ vay nóng rồi lo đỡ cho má. Chớ tiền của anh, anh đổ hết vào căn chung cư kia rồi. Giờ phải chờ dự án trung tâm thương mại mở ngay cạnh chung cư khởi công rồi bán thì mới được giá, chứ anh mà bán lúc này là lỗ đó Tư ơi”.

Tư nghe anh hai gọi Tư ơi, mà Tư tưởng như đang nghe một ai đó xa lạ đang kể lể, phân trần. Tư nghe anh hai gọi Tư ơi, mà Tư tưởng như tiếng còi xe chói tai ngoài đường, chứ nào phải tiếng của anh...

Tư lẳng lặng lau nước mắt, giả vờ để cho đôi mắt mình ráo hoảnh rồi hỏi anh: “Lúc anh 10 tuổi, anh bảo với má, anh thích ăn cá đù má phơi. Lúc anh 30 tuổi, anh vẫn nói hoài với má câu đó. Nhưng anh có biết, đôi chân của má khi 40 tuổi và đôi chân của má lúc 60 tuổi, khác nhau thế nào không anh? Rồi anh có nhớ, má đã phơi cá cho anh bằng cách nào không?”...

Tư vừa dứt lời, liền thấy anh hai ngồi thụp xuống đất, tay bấu thật mạnh vào đôi chân của chính mình. Trong lòng người đàn ông ấy, chợt ngổn ngang những hình ảnh thời ấu thơ. Ngày ấy, mỗi lần thấy má ngồi xẻ cá đù, anh lại háo hức xin má cho mình “lãnh” phần trèo thang lên mái tôn phơi cá. Nhưng lần nào, anh cũng bị má gạt đi: “Nguy hiểm lắm! Để má làm cho!”/.

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202104/ca-du-mot-nang-3054167/