Ca dao thời kháng chiến ở xứ Trầm

Trong kho tàng thơ ca dân gian Khánh Hòa, có một lượng lớn ca dao thể hiện tâm tư, tình cảm của người dân Khánh Hòa trong 30 năm kháng chiến trường kỳ. Có thể đó là bài thơ của một cán bộ tuyên truyền cụ thể, nhưng theo thời gian những bài thơ đó trở thành một phần trong kho tàng ca dao của xứ Trầm.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nha Trang - Khánh Hòa là địa phương đầu tiên ở khu vực Nam Trung Bộ đứng lên chống quân xâm lược. Để kịp thời kêu gọi tinh thần kháng chiến trong mỗi người dân, chiến sĩ trong dân gian đã truyền tụng nhau câu ca: “Giặc Pháp đánh chiếm Nha Trang/Đường trên, ngõ dưới, xóm làng xác xơ/Hỡi anh em, phất cao cờ/Cùng nhau gìn giữ cõi bờ, non sông”. Bài ca dao vừa thể hiện thực tế đau thương của quê hương trước cảnh đất nước bị xâm lược, vừa như một lời hiệu triệu chiến sĩ, đồng bào cùng sát cánh đứng lên để bảo vệ quê hương đất nước.

 Dưới chân tượng đài anh hùng Võ Văn Ký. (Ảnh minh họa)

Dưới chân tượng đài anh hùng Võ Văn Ký. (Ảnh minh họa)

9 năm kháng chiến chống Pháp là cũng từng đó thời gian các nhà thơ dân gian bám sát diễn biến sinh động của cuộc kháng chiến. Những địa danh như: Hòn Dữ, Hòn Hèo, Dốc Mỏ đi vào ca dao như minh chứng cho ý chí đấu tranh cách mạng. “Từ Hòn Dữ tới Hòn Hèo/Lội suối trèo đèo cực khổ biết bao/Nhưng dù vất vả gian lao/Đánh thắng giặc Pháp khổ nào cũng qua”, hoặc như “Đường lên Dốc Mỏ cao cao/Căm thù giặc Pháp, dốc nào cũng qua”. Hoạt động xây dựng lực lượng, tổ chức sản xuất lương thực thực phẩm cho kháng chiến cũng đi vào ca dao một cách đầy dung dị: “Cùng nhau cấy lúa, trồng mì/Góp cho kháng chiến sá gì gian nan/Thi đua khắp xóm, khắp làng/Vì nền độc lập gian nan sá gì”. Vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh, để rồi tất cả như vỡ òa trước những tin vui chiến thắng: “Phước Thuận bị đánh tan tành/Rồi đồn Hòn Khói cũng thành đống tro/Giặc Pháp đứa lếch, đứa bò/Quân ta ca hát, reo hò, mừng công”…

Bước vào thời kỳ chống Mỹ, từ vùng căn cứ kháng chiến Khánh Sơn, những câu ca dao vọng ra rất chân thực: “Ai lên Tô Hạp mà coi/Thằng Mỹ sập bẫy bị lòi ruột ra/Nó khóc, kêu mẹ, kêu cha/Vì đi xâm lược nên ra nỗi này”. Ngay cả đồng bào Raglai ở Khánh Sơn cũng có những câu ca mang tính động viên mọi người cùng tham gia đánh giặc: “Lực lượng đi đánh đồn/Phải đánh cho Mỹ thua/Sẵn sàng vì hòa bình/Năm nay quyết thắng Mỹ/Lật đổ chúng nó đi/Hung hăng nó cũng cút…”. Người dân Khánh Hòa cũng rất dí dỏm khi chứng kiến cảnh quân Mỹ bị sa bẫy của lực lượng kháng chiến: “Con quạ nó đậu cành cao/Nó kêu quà quạ Mỹ nhào hố chông/Hoảng hồn lính ngụy chạy rông/Bỏ quan thầy Mỹ chổng mông la trời”.

Để ca ngợi chiến công của bộ đội ta trước giặc Mỹ, nhân dân đã sáng tác những câu ca dao với ca từ hào sảng: “Hoan hô bộ đội Ninh Hòa/Một ngày mà đã đánh ba trận liền/Làm cho Mỹ - ngụy đảo điên/Đứa chạy, đứa chết nằm nghiêng bên đèo”, hay “Ai vô Cam Ranh mà xem/Kho xăng Ô Vũ cháy đêm lẫn ngày/Quân giải phóng đánh thật hay/Triệu lít xăng Mỹ cháy ngày lẫn đêm”.

Căn cứ địa Đá Bàn là nơi đi dễ khó về đối với quân giặc. Vì thế, căn cứ địa này đi vào ca dao một cách đầy tự nhiên, với niềm tự hào của nhân dân: “Đá Bàn núi thấp, núi cao/Quân Mỹ càn vào chẳng có lối ra/Bao phen bão táp phong ba/Núi xanh như một mái nhà yêu thương”, hay “Mỹ cõng, Mỹ lết, Mỹ bò/Cả nhóm rình mò bên cạnh bờ mương/Nào ngờ mìn nổ tan xương/Mấy thằng sống sót tìm đường rút lui”.

Ca dao kháng chiến ở Khánh Hòa là một bộ phận không thể tách rời trong văn học dân gian xứ Trầm. Mỗi câu ca dao dù chỉ phản ánh cụ thể những sự việc, địa điểm, cảm xúc nhất định, nhưng nếu có sự xâu chuỗi, tìm hiểu kỹ lưỡng thì đây có thể xem là một kênh thông tin lịch sử có giá trị to lớn. Nên chăng, chúng ta cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu rõ hơn để có thể phổ biến, giáo dục đối với thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần giúp mọi người biết nhiều hơn về lịch sử đấu tranh cách mạng trên quê hương Khánh Hòa.

Giang Đình

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/201910/ca-dao-thoi-khang-chien-o-xu-tram-8134199/