Ca dao dân ca của ngư dân vùng biển Quảng Ninh

Bên cạnh kho tàng ca dao dân ca của các dân tộc thiểu số miền núi, Quảng Ninh còn có di sản ca dao dân ca miền biển rất phong phú và đa dạng. Đó là nét sinh hoạt độc đáo, thể hiện vẻ đẹp đặc sắc riêng có và không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của ngư dân vùng biển Quảng Ninh. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Khi còn sinh sống ở làng chài Cửa Vạn, nghệ nhân Nguyễn Văn Hưu thường truyền dạy các bài hát giao duyên cho con cháu.

Khi còn sinh sống ở làng chài Cửa Vạn, nghệ nhân Nguyễn Văn Hưu thường truyền dạy các bài hát giao duyên cho con cháu.

Về phân chia thể loại, dân ca vùng biển Quảng Ninh có thể tạm chia thành nhiều dạng thức và mỗi loại lại có nét đặc sắc, như hát đúm, hò biển và hát đám cưới trên thuyền. Nhưng có lẽ hát đám cưới trên thuyền, hát chèo đường là thể hiện cái chất của ngư dân vùng biển Quảng Ninh nhất. Hát chèo đường của dân chài còn gọi là hát gái hay hát đố, hát giảng thực chất là loại hình hát đối đáp trong lúc chèo thuyền di chuyển trên mặt nước. Không gian diễn xướng của cuộc hát rất rộng mở thường diễn ra trên biển, giữa các thuyền với nhau. Bởi vậy, đây là lối hát mềm mại, chậm rãi pha chút mênh mang, trữ tình.

Nhìn chung, phần lời của các bài hát, thực chất là những bài ca dao, có nội dung phong phú, chứa đựng một kho tàng khổng lồ về phong tục tập quán và lễ hội của cư dân sông nước, thể hiện tình yêu thiên nhiên yêu những thắng cảnh đẹp đẽ, gợi cảm gợi tình trong đó ấp ủ những lớp văn hóa, lịch sử. Theo bà Vũ Thị Gái, tác giả cuốn sách “Ca dao dân ca vùng biển Quảng Ninh”, bộ phận ca dao vùng biển Quảng Ninh đã cho ta thấy một cách cụ thể và sinh động hơn mọi sách sử cuộc sống ở nơi đây của những con người mạnh mẽ, thực sự gắn với biển cả và nghề đi biển lâu đời.

Hát giao duyên ở vùng cửa biển Bạch Đằng.

Sắc thái biểu cảm của lời ca cũng đa dạng với nhiều cung bậc của cảm xúc khác nhau; khi kín đáo e ấp, lúc giận hờn, ghen tuông. Người hát như thể trải lòng mình với sóng nước mênh mông. Chính vì vậy mà có người còn gọi hát chèo đường, hát đối đáp trên biển Quảng Ninh là hát ví, hát véo, hát gái bởi nội dung quan trọng nhất là tìm bạn gái để giao duyên. Cũng có người gọi đó là hát đố, hát giảng; có người gọi là hò biển bởi mở đầu các câu hát là một tiếng "ơ hò".

Tuy nhiên hò biển của Quảng Ninh thường mênh mông da diết chứ không mạnh mẽ như hò biển miền Trung. Những câu hát đã giúp dân vạn chài làm quen nhau, từ làm quen mà thân thiết yêu thương rồi nên vợ thành chồng. Chính vì vậy, dù tên gọi có là gì thì vẫn thuộc loại hình dân ca giao duyên. Theo tác giả Vũ Thị Gái, đây là vốn văn hóa quý giá và độc đáo của cha ông. Nó chan chứa những cảm xúc giản dị, mộc mạc, khoáng đạt và tình tứ. Những chủ nhân của vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc đã sáng tạo nên một hình tượng trữ tình mới mẻ, làm phong phú thêm vốn văn hóa dân gian của nước nhà.

Quảng Ninh có một số nghệ nhân lưu giữ nhiều ca dao dân ca vùng biển là các cụ: Nguyễn Văn Hưu, Nguyễn Văn Dậu, Lê Văn Linh, Lê Văn Bê, Phạm Thị Thành, Ngô Đăng Nhuận, Vũ Thị Dắng, Nguyễn Văn Hoa, Nguyễn Hữu Lương, Trần Phụng, Lương Ngọc Mai, Nguyễn Thị Mùi, Vũ Thị Êm, Nguyễn Thị Tỳ, Bùi Thị Mai, Nguyễn Thị Phải, Phạm Thị Hiền v.v. Đáng tiếc do tuổi tác, một số cụ đã qua đời mang theo nhiều câu ca hay chưa kịp truyền lại.

Vì thế, để bảo tồn những nét độc đáo, đặc sắc đó, trước đây, hát giao duyên đã được sưu tầm, lưu giữ thông qua Dự án “Phục dựng, bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa dân gian của ngư dân làng chài Cửa Vạn (Vịnh Hạ Long)”. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đã thành lập một đội hát giao duyên thuộc Trung tâm Bảo tồn Văn hóa biển để lưu giữ nét văn hóa độc đáo này.

Tái hiện hát chèo đường ở làng chài Cửa Vạn.

Một số tác giả đã quan tâm sưu tầm nghiên cứu hát giao duyên vùng biển Quảng Ninh như: Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Khắc Hài đã có công trình “Ca dao dân ca của dân chài trên Vịnh Hạ Long”; Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh có công trình “Văn hóa dân gian vùng biển Quảng Ninh”... Một số tác giả khác như: Đinh Thùy Vương, Phạm Thanh Quyết, Phạm Thị Thành, Ngô Đăng Nhuận đã sưu tầm được không ít bài thơ ca, hò, vè vùng biển đảo. Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội VNDG Quảng Ninh, đây là những công trình rất có giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng việc nghiên cứu nói trên còn chưa bài bản và có hệ thống; chưa có một công trình tầm cỡ và xứng tầm với giá trị ca dao dân ca vùng biển Quảng Ninh.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201905/ca-dao-dan-ca-cua-ngu-dan-vung-bien-quang-ninh-2440243/