Cá chép hóa cá thần là niềm tin mê lầm

Theo chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, hành vi biến cá chép thành cá thần của một số người dân ở Đô Lương, Nghệ An mới đây là sự mê lầm, phản khoa học.

Cá chép được người dân đồn thổi là "cá thần", cuối cùng được một người dân quăng lưới bắt lên. Ảnh: Ảnh: Phunuonline

Mới đây, sự việc một con cá chép ở xã Hiến Sơn, Đô Lương, Nghệ An bị đồn thổi thành "cá thần" đã thu hút sự tò mò của hàng trăm người dân tại địa phương này. Thậm chí, một số người mê tín đã lập bàn thờ ngay bên cạnh dòng kênh để cúng vái.

Sự việc đã làm dấy lên những tranh cãi và lo ngại về nhận thức của một bộ phận lớn người Việt.

Đây là một câu chuyện bi hài trong xã hội hiện đại. Cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam vẫn còn có những quan niệm lạc hậu, cổ hủ.

Theo chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, mê tín là niềm tin mê lầm, phản khoa học, dẫn con người ta đến những hành vi sai trái. Có hành vi vô hại nhưng rất nhiều hành vi tai hại. Mê tín trong đời sống tinh thần con người cũng như sâu bệnh đối với cây trồng vậy. Có loại sâu vô hại nhưng phần lớn là có hại cho cây trồng.

"Trong đời sống xã hội, sự bất trắc của công việc, của việc thực hiện kỳ vọng cộng với sự yếu kém về tri thức khoa học làm cho mê tín bùng nổ. Không ai mê tín hơn dân cờ bạc lô đề. Nhưng rồi bi kịch cũng không đâu nhiều hơn thế giới đó. Giảm thiểu sự bất trắc trong đời sống xã hội và nâng cao dân trí là hai phương sách hữu hiệu để đẩy lùi mê tín. Đó là trách nhiệm của tất cả các thiết chế chính trị trên thế giới này. Ở chúng ta cũng vậy", ông nói.

Người dân hiếu kỳ bao vây dòng kênh để xem bằng được "cá thần".

Câu chuyện về con cá chép bị đồn thổi thành cá thần là minh chứng cho lối sống lệ thuộc vào thần thánh, tin vào điều viển vông vì thiếu hiểu biết.

Theo chuyên gia văn hóa, cần tìm hiểu xem có sự núp bóng của những kẻ đứng sau màn cúng bái cá chép. Bởi ở đó có dấu hiệu của việc gieo rắc tâm lý mê muội, cuồng tín của người dân.

Theo GS Lê Văn Lan, cửa đền, cửa chùa bây giờ đầy rẫy các chiêu trò “buôn thần bán thánh”, lừa đảo, trục lợi. Các cơ quan chức năng ngành quản lý văn hóa cần mạnh tay hơn nữa trong việc dẹp bỏ, bài trừ các tệ nạn này.

"Sự việc con cá chép rất nhỏ thôi nhưng nó phản ánh đầy đủ tư tưởng mê tín, lạc hậu của một bộ phận lớn người dân Việt Nam. Họ đang khủng hoảng niềm tin tâm linh cho nên nhìn vào đâu cũng nghĩ là thánh thần. Tôn vinh một điều gì đó mà không hiểu rõ bản chất của vấn đề đó thì đó là một niềm tin mơ hồ, thậm chí hoang đường".

Đào Bích

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/ca-chep-hoa-ca-than-la-niem-tin-me-lam-592457.ldo